Đợt triển khai đầu tiên của tàu sân bay mới và hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, USS Gerald R. Ford, bất ngờ có sự thay đổi khi Mỹ thông báo hàng không mẫu hạm này sẽ hướng đến phía Đông Địa Trung Hải.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford trong một cuộc tập trận hồi tháng 5. Ảnh: Norwegian Armed Forces
USS Gerald R. Ford là siêu tàu sân bay của Hải quân Mỹ được đưa vào biên chế năm 2018 sau hơn một thập niên chế tạo và tiêu tốn hơn 13 tỉ USD. USS Gerald R. Ford đã hoạt động ở Địa Trung Hải kể từ tháng 6 năm nay, một phần trong nhiệm vụ hiện diện liên tục của các tàu sân bay Mỹ tại khu vực kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022.
Nhưng vào hôm 8-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ được điều đến Israel để thể hiện sự ủng hộ đối với một trong những đồng minh thân cận nhất của nước này sau vụ tấn công bất ngờ của phong trào vũ trang Hamas nhằm vào các khu định cư Israel xung quanh Dải Gaza. Nhóm này bao gồm tàu sân bay USS Gerald R. Ford, tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Normandy và 4 khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Thomas Hudner, USS Ramage, USS Carney, USS Roosevelt. Từ ngoài khơi bờ biển nước Ý, nhóm tàu này theo kế hoạch có mặt ở phía Đông Địa Trung Hải vào ngày 10-10. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ bổ sung các phi đội máy bay chiến đấu F-15, F-16 và A-10 của không quân nước này tại khu vực.
Nhóm tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ sẵn sàng phản ứng trước bất cứ điều gì, từ việc ngăn chặn vũ khí tiếp tế cho Hamas và thực hiện nhiệm vụ giám sát. Washington triển khai tàu chiến và tiêm kích đến gần Israel cũng nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Iran, theo các quan chức Mỹ. Thông điệp đó là “hãy từ bỏ”, đặc biệt khi nói về việc Iran xem xét cho phép Hezbollah, nhóm vũ trang được nước này hậu thuẫn tại Lebanon, tấn công vào Israel. Hôm 9-10, một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ đã bày tỏ lo ngại Hezbollah mở mặt trận thứ hai nhằm vào Israel trong lúc nước này xung đột với Hamas.
Nhiều trường hợp gần đây cho thấy Mỹ gửi thông điệp đến các kẻ thù khắp thế giới bằng cách triển khai tàu sân bay. Đơn cử như vào tháng 1-2021, tàu sân bay USS Nimitz đang trở về căn cứ từ đợt triển khai 10 tháng thì Lầu Năm Góc bất ngờ ra lệnh cho chiến hạm này tiếp tục ở lại Trung Đông để phản ứng trước “những lời đe dọa gần đây của giới lãnh đạo Iran nhằm vào Tổng thống Donald Trump và các quan chức chính phủ Mỹ khác”. Kế hoạch ban đầu là rút USS Nimitz về nước để giảm căng thẳng với Iran, nhưng việc tái triển khai rõ ràng là muốn nhắc nhở Tehran về sức mạnh Hải quân Mỹ.
Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Pháp, Đức, Ý và Anh ngày 9-10 đã thảo luận về những diễn biến bất ngờ tại Dải Gaza, trong đó “ủng hộ nỗ lực tự vệ của Israel”. Tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố nhấn mạnh các nước này “công nhận những nguyện vọng chính đáng của người dân Palestine”, song cho rằng phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas không mang lại điều gì hữu ích cho người dân Palestine. Trong khi đó, theo tuyên bố chung do Điện Élysée đưa ra, những nước trên kêu gọi Iran “không mở rộng xung đột ra ngoài Gaza” sau cuộc tấn công của Hamas.
Cùng ngày, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết nước này không có ý định can thiệp quân sự vào cuộc xung đột lần này giữa Israel và phong trào Hamas.
|
HẠNH NGUYÊN (Theo Business Insider, NBC News)