12/04/2020 - 11:14

Mỹ chuẩn bị cho các điểm nóng mới của dịch bệnh COVID-19 

Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong trong một ngày vì dịch COVID-19, trong khi chưa có dấu hiệu cho thấy nước này sắp tới đỉnh dịch và buộc chính quyền phải chuẩn bị cho kịch bản SARS-CoV-2 lan rộng.

Dân Mỹ cẩn  trọng với nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Ảnh: Nytimes

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins sáng 11-4 (theo giờ Việt Nam, số ca tử vong mới vì COVID-19 trong ngày 10-4 tại Mỹ là 2.108 ca trong khi số ca nhiễm mới là 35.098 ca. Như vậy kể từ khi thế giới bùng phát SARS-CoV-2 đến nay, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong trong một ngày vì dịch COVID-19. Tổng cộng Mỹ đã có 18.586 ca tử vong và có thể sớm vượt qua Ý, quốc gia hiện có số ca tử vong lớn nhất thế giới về COVID-19 với 18.849 ca. Số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ cũng đã vượt mốc nửa triệu người, lên 500.879 ca nhiễm. Trên toàn thế giới đã 1,69 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 102.000 người tử vong vì COVID-19.

Chuẩn bị cho kịch bản  tồi tệ hơn

Trong cuộc họp báo hằng ngày về diễn tiến dịch bệnh tại Nhà Trắng chiều 10-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng số người chết vì COVID-19 tại nước này sẽ ở mức dưới 100.000, mà lạc quan hơn có thể vào khoảng 60.000. Ông Trump cho biết con số dự báo mới này dựa trên một mô hình nghiên cứu và sự phỏng đoán của Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ. Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington hôm 10-4 dự báo số người chết vì COVID-19 tại Mỹ sẽ là 61.500, cao hơn mức đánh giá 2 ngày trước đó là 60.415 người. IHME cho rằng số người chết tại Mỹ không tăng mạnh (từ 100.000 đến 240.000) như những báo trước đây là nhờ vào các nỗ lực giãn cách xã hội có thể kéo dài đến hết tháng 5. Cơ quan này cũng dự báo đỉnh dịch tại Mỹ sẽ bắt đầu từ ngày 12-4. 

Vì thế, Tổng thống Trump hôm 10-4 tuyên bố nước Mỹ “đã gần đến đỉnh dịch và chiến lược toàn diện của chúng ta đang phát huy hiệu quả”. Ông Trump còn nhấn mạnh nước Mỹ “đang dẫn đầu thế giới trong xét nghiệm” SARS-CoV-2 khi đã tiến hành xét nghiệm hơn 2 triệu trường hợp và đang tiếp tục xét nghiệm ít nhất 100.000 trường hợp/ngày. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau phát biểu của ông Trump, Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên phụ trách chống dịch COVID-19 của Nhà Trắng, lên tiếng cảnh báo với công chúng Mỹ rằng “chúng ta chưa tới đỉnh dịch và chúng ta phải tiếp tục làm những gì mình đang làm” (giãn cách xã hội). Bà nhấn mạnh người dân Mỹ đang đồng lòng thực hiện cách ly xã hội và đây là điều khích lệ. Tiến sĩ Anthony Fauci thậm chí đưa ra cảnh báo mạnh mẽ hơn khi cho rằng đây không phải là thời điểm để nói đến thành công của chiến dịch giãn cách xã hội. Tổng thống Trump lạc quan khả năng kiểm soát dịch vì ông đang đứng trước quyết định mà ông tự nhận xét “lớn nhất trong cuộc đời” là sớm mở cửa lại nền kinh tế. 

Trên thực tế, nước Mỹ cũng đang chuẩn bị cho kịch bản dịch COVID-19 lan rộng. Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách về y tế Thomas McCaffery hôm 10-4 cho biết Lầu Năm Góc đang chuẩn bị cho kịch bản toàn bộ bang Texas và các thành phố New Orleans cũng như Detroit trở thành những “điểm nóng” bùng phát đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Thành phố Detroit vừa trải qua một ngày có số người chết cao nhất là 54, đưa tổng số người chết vì COVID-19 là 326. Detroit là thành phố lớn nhất và đông dân nhất của bang Michigan.

Cẩn trọng dỡ bỏ cách ly xã hội

Bất chấp những tác động tới nền kinh tế, Chính phủ Ý ngày 10-4 đã gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại đến ngày 3-5 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đồng thời công bố sắc lệnh mới về giai đoạn 2 ứng phó với dịch bệnh. Thủ tướng Giuseppe Conte nêu rõ việc gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại là quyết định khó khăn nhưng cần thiết, đồng thời cam kết chịu mọi trách nhiệm chính trị về quyết định này. Theo Thủ tướng Conte, nếu dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào thời điểm này, nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại, do đó cần phải bắt đầu lại một cách thận trọng, từng bước. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cũng đã tuyên bố gia hạn sắc lệnh yêu cầu người dân ở nhà thêm 3 tuần để ngăn dịch COVID-19 lây lan.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo các nước nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống sự lây lan đại dịch COVID-19. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh việc dỡ bỏ những biện pháp hạn chế có thể dẫn đến sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh. Ông nói: “Vào thời điểm này, một số nước đang lên kế hoạch nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi phải cảnh báo rằng việc dỡ bỏ quá sớm có thể dẫn tới sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Nếu không xử lý hợp lý, quá trình nới lỏng các quy định có thể nguy hiểm như thời điểm dịch bệnh lây lan”. 

Ông Ghebreyesus  đưa ra cảnh báo trên khi một số nước đang chuẩn bị kế hoạch nới lỏng kiểm soát xã hội bởi số ca nhiễm SARS-CoV-2 có dấu hiệu giảm rõ nét. Tây Ban Nha dự kiến cho phép mở cửa lại nhà máy và công trình xây dựng vào ngày 13-4, trong bối cảnh số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 10-4 là 605, mức thấp nhất trong hơn 2 tuần qua. Có  4.576 ca nhiễm mới. Đến nay, số người chết tại Tây Ban Nha 15.843 và tổng số ca nhiễm  hơn 157.000.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết