03/09/2021 - 07:27

Mỹ chỉ trích luật mới của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải 

Pháp, Úc phản đối mọi hành động làm gia tăng căng thẳng tại Biển Ðông

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa lên tiếng về việc Trung Quốc yêu cầu các tàu nước ngoài đi vào Biển Ðông phải đăng ký với giới chức hàng hải nước này, khẳng định đây là mối “đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do hàng hải và thương mại.

Tàu khu trục Mỹ USS Benfold thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Ðông,
tháng 7-2021. Ảnh: US Navy

Trả lời câu hỏi về Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi được Trung Quốc công bố và có hiệu lực từ ngày 1-9, người phát ngôn bộ trên, ông John Supple nhấn mạnh Mỹ kiên quyết rằng bất cứ đạo luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển cũng không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả các quốc gia đều được hưởng theo luật pháp quốc tế. Các yêu sách biển bất hợp pháp, trong đó có những yêu sách ở Biển Ðông, đều gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới tự do của vùng biển này, trong đó có tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp không bị cản trở cũng như những quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ở Biển Ðông và ven biển khác. Bên cạnh đó, ông Supple còn khẳng định: “Mỹ vẫn cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật định và một khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

► Giới chức Úc và Pháp ngày 2-9 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Ðông và ủng hộ giải quyết hòa bình các vấn đề tại vùng biển này phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Ðó là nội dung tuyên bố chung được các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Ú c và Pháp đưa ra sau cuộc gặp 2+2 theo hình thức trực tuyến.

Tuyên bố chung được đăng tải trên website của Ngoại trưởng Úc Marise Payne nêu rõ các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Úc “kiên quyết phản đối mọi hành động cưỡng ép hoặc gây bất ổn có thể làm gia tăng căng thẳng” tại Biển Ðông. Các bộ trưởng nhấn mạnh “mọi bất đồng cần được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với UNCLOS 1982”. Ngoài ra, các bộ trưởng còn “tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế”, đồng thời nhất trí hợp tác hàng hải chặt chẽ hơn ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung nhấn mạnh Pháp và Úc sẽ tăng cường hợp tác chung để triển khai chiến lược của mỗi bên tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời giữ vững cam kết với các đối tác trong khu vực, trong đó có Mỹ, để bảo đảm một khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Các bộ trưởng hai nước cũng tái khẳng định rằng “ASEAN và các cơ chế của hiệp hội cần đóng một vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng”.

Về luật mới của Trung Quốc, ngày 1-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu rõ các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển. Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS 1982.

TTXVN

Chia sẻ bài viết