02/06/2019 - 11:24

Mỹ cáo buộc Trung Quốc đe dọa sự ổn định châu Á 

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (ảnh) sáng 1-6 đã làm nóng diễn đàn hợp tác an ninh quốc phòng thường niên Đối thoại Shangri-la lần thứ 18, diễn ra tại Singapore, bằng cáo buộc Trung Quốc có nhiều hoạt động gây bất ổn châu Á, trong đó có hành vi đe dọa chủ quyền các nước láng giềng.

Ảnh: AFP

Công cụ cưỡng ép tại Biển Đông

Tại phiên thảo luận toàn thể thứ nhất Đối thoại Shangri-la, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan có bài phát biểu với chủ đề “Tầm nhìn của Mỹ về an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, theo đó, khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của Mỹ và Washington đang đầu tư hàng tỉ USD vào khu vực này, cũng như sát cánh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khu vực này hiện đang đối mặt với một số thách thức an ninh nghiêm trọng, trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố, an ninh mạng, ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Thêm vào đó là các hành động đi ngược lại với trật tự, luật pháp quốc tế, quân sự hóa, hoặc toan tính ép buộc các nước khác phải thuận theo chiến lược của mình…  

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu rõ “không nước nào có thể hoặc nên chi phối khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và mối đe dọa lâu dài và lớn nhất đối với lợi ích sống còn của các nước trong khu vực xuất phát từ các nhân tố muốn phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Ông  Shanahan không nêu cụ thể Trung Quốc mà cáo buộc chung rằng “có những yếu tố” gây mất ổn định châu Á. “Có lẽ mối đe dọa dài lâu lớn nhất đối với lợi ích sống còn của các quốc gia khu vực đến từ những yếu tố đang tìm cách hủy hoại thay vì tán thành trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” - quyền Bộ trưởng Shanahan bày tỏ, đồng thời cảnh báo những tiền đồn quân sự nhân tạo hiện nay trên Biển Đông là công cụ cưỡng ép chủ quyền của nước lớn. Ông Patrick Shanahan cho biết Trung Quốc là đối tác hợp tác lớn nhất, song cũng là nước cạnh tranh lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, theo ông, cạnh tranh sẽ không dẫn đến đối đầu hay sợ hãi, cạnh tranh để giúp các bên cùng phát triển, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh chung tại khu vực. Theo ông Shanahan, Trung Quốc có lợi ích khi duy trì mối quan hệ xây dựng với Mỹ, nhưng trước tiên Bắc Kinh  phải chấm dứt các hành động làm xói mòn chủ quyền và lòng tin của các nước khác.  “Chúng tôi kiên quyết phản đối tầm nhìn hạn hẹp và chào đón trật tự tự do và rộng mở có lợi cho tất cả, bao gồm Trung Quốc” - quyền Bộ trưởng Shanahan tuyên bố. 

Theo ông Shanahan, với phương châm thúc đẩy xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, Mỹ sẽ tập trung tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực để nâng cao khả năng phòng vệ tập thể, sẵn sàng ứng phó và hóa giải các thách thức. Bên cạnh đó, các nước đồng minh châu Á cũng cần tăng cường chi tiêu an ninh.

Phát biểu trên của ông Shanahan được dự báo sẽ vấp phải sự đáp trả quyết liệt của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 18 sau 8 năm vắng mặt. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp bên lề với quyền Bộ trưởng Shanahan hôm 31-5, ông Ngụy nói rằng Mỹ đánh giá thấp sự quyết tâm và khả năng quân sự của Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Trung Quốc chính thức đáp trả thuế Mỹ

Trong bài phát biểu được coi là quan trọng nhất đầu tiên kể từ khi giữ vị trí quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hồi tháng 1-2019, ông Shanahan cũng cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ. Ngay cả đối với tập đoàn Huawei của Trung Quốc, ông Shanahan cho rằng gã khổng lồ viễn thông tư nhân này có mối quan hệ quá gần gũi với chính phủ Trung Quốc khi tham gia do thám, không tuân thủ lệnh cấm vận chống Iran và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, ông Shanahan nhận định tranh chấp thương mại hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc không phải là thương chiến mà chỉ là một phần trong đàm phán thương mại. 

Tuy nhiên, từ ngày 1-6, Mỹ đã bắt đầu áp mức thuế từ 10% lên mức 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá 200 tỉ USD, trong khi Trung Quốc cũng đã nâng mức thuế đối với nhiều mặt hàng trong danh mục trị giá 60 tỉ USD mà Washington xuất sang Bắc Kinh. Động thái “ăn miếng, trả miếng” này được cho là sẽ trầm trọng hơn cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc cho biết họ đang lập danh sách các công ty và cá nhân nước ngoài mà Bắc Kinh cho là “không đáng tin cậy”. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho hay các công ty, tổ chức, cá nhân nước ngoài sẽ bị đưa vào danh sách “các thực thể không đáng tin cậy” nếu không tuân thủ các quy định thị trường, đi ngược lại quy tắc trong hợp đồng hay phong tỏa, ngừng cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại và gây hủy hoại nghiêm trọng quyền chính đáng và lợi ích của doanh nghiệp nước sở tại. Động thái này được cho nhằm đáp trả việc Mỹ đưa Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc và 68 thực thể khác vào “danh sách đen”, cấm tập đoàn này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của chính phủ Mỹ.

Thông điệp cân bằng của Thủ tướng Singapore

Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 tối 31-5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo nguy cơ từ xung đột, căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay xuất phát từ thiếu lòng tin chiến lược, đồng thời cho rằng trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh giữa các siêu cường thì những nước nhỏ cần tăng cường hợp tác trên mọi mặt, nâng cao vị thế thông qua việc xây dựng các thể chế đa phương.

Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh rằng con đường hiện tại của hai cường quốc này là “sai lầm”, dù sự va chạm là không thể tránh khỏi về mặt chiến lược. Ông kêu gọi các bên cần nỗ lực hết sức để tránh xung đột, gây tổn thất cho cả hai bên và thế giới, kéo dài tới vài thế hệ. Theo ông, Mỹ và Trung Quốc cần tìm một cách thức mang tính xây dựng, dù cạnh tranh song đồng thời cũng hợp tác trong những vấn đề lớn có chung lợi ích và có tầm quan trọng toàn cầu.

Thừa nhận sự phát triển của Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân chiến lược cũng như trọng tâm kinh tế thế giới và sự thay đổi này vẫn đang tiếp diễn, song Thủ tướng Singapore cũng thúc giục Bắc Kinh “nên thể hiện vai trò lớn hơn” nhằm xây dựng hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm và hào hiệp, không cần phải sợ hãi. Như vậy, Trung Quốc sẽ được tôn trọng như một cường quốc đáng tin cậy để hỗ trợ cho hòa bình và ổn định khu vực. Trên cơ sở đó, ông cho rằng Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp thông qua ngoại giao và thỏa hiệp hơn là ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời tôn trọng lợi ích và quyền lợi cốt lõi của các quốc gia khác.

Cũng trong bài phát biểu dẫn đề, Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh tới vai trò của các nước nhỏ trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh giữa các siêu cường. Theo ông, những nước nhỏ như Singapore khó có thể gây ảnh hưởng đến các cường quốc, nhưng không phải hoàn toàn không có vai trò gì, đồng thời lưu ý rằng các nước nhỏ hơn có nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, tăng cường hội nhập khu vực và xây dựng các thể chế đa phương. Bằng cách này, các nước nhỏ có thể tăng cường ảnh hưởng với tư cách một nhóm quốc gia, nâng cao vị thế tập thể về các vấn đề quan trọng như thương mại, an ninh hoặc công nghệ.

Thủ tướng Singapore cũng đề cao vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cho rằng kể từ khi ra đời đến nay, ASEAN đã có vai trò quan trọng, không chỉ xử lý các vấn đề của khu vực mà còn góp phần điều tiết quan hệ giữa các nước trong khu vực với các nước lớn và là một diễn đàn đối thoại, hợp tác hiệu quả. Các nước cũng đánh giá cao vai trò trung tâm ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Nhận định về bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long, các chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Singapore đã thể hiện một thông điệp về “sự cân bằng” khi khéo léo viện dẫn lịch sử về quan hệ của các nước Đông Nam Á với các nước lớn qua các thời kỳ để từ đó nêu bật vai trò của các nước lớn, những hậu quả tiêu cực khi gia tăng đối đầu và vai trò của các nước nhỏ trong bình diện an ninh chung.

 

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết