Trong bối cảnh viện trợ của Mỹ và châu Âu dành cho Ukraine gặp khó khăn, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và giới chức lục địa già đang âm thầm chuyển trọng tâm từ hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng toàn diện trước Nga sang củng cố vị thế của Kiev trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột. Tờ Politico cho rằng động thái này có thể đồng nghĩa với việc Ukraine phải chấp nhận nhượng lại một phần lãnh thổ cho Nga.

Tổng thống Mỹ Biden (phải) trong một cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Zelensky. Ảnh: AP
Lâu nay, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc khẳng định sẽ không có bất kỳ thay đổi chính thức nào trong chính sách của mình. Theo đó, Mỹ vẫn ủng hộ mục tiêu của Ukraine là buộc quân đội Nga rút hoàn toàn khỏi nước này. Song, giới chức Mỹ và châu Âu đang thảo luận việc rút quân đội Ukraine khỏi cuộc phản công gần như thất bại và chuyển sang thế phòng thủ mạnh mẽ hơn nhằm chống lại lực lượng Nga ở miền Ðông. Mặt khác, họ cũng đang luận bàn việc củng cố các hệ thống phòng không và xây dựng công sự, vật cản bằng dây thép gai, chướng ngại vật chống tăng và mương rãnh dọc biên giới phía Bắc Ukraine với Belarus.
Politico dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, phần lớn sự chuyển đổi chiến lược sang phòng thủ nói trên là nhằm củng cố vị thế của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai. “Về mặt lý thuyết, cách duy nhất để cuộc chiến này kết thúc là thông qua đàm phán. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ cuộc đàm phán nào được lên kế hoạch và lực lượng Ukraine vẫn đang tấn công ở nhiều nơi, tiếp tục tiêu diệt và làm bị thương hàng ngàn binh sĩ Nga. Chúng tôi muốn họ có vị thế mạnh mẽ hơn để giữ vững lãnh thổ của mình nhưng không phải là chúng tôi không khuyến khích họ tiến hành bất kỳ cuộc tấn công mới nào” - vị quan chức này nói.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm cách đẩy nhanh tư cách thành viên của Ukraine trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) nhằm “đặt Ukraine vào tình thế tốt nhất có thể để đàm phán với Nga”.
Theo giới phân tích, việc chuyển sang thế phòng thủ có thể giúp Ukraine có thêm thời gian để cuối cùng buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đạt được một thỏa hiệp có thể chấp nhận được. “Rất có thể việc chuyển sang thế phòng thủ sẽ cho phép Ukraine bảo tồn tài nguyên trong khi khiến Nga khó tiến quân trong tương lai” - Anthony Pfaff, chuyên gia tình báo tại Ðại học Chiến tranh Lục quân Mỹ, nhận định.
Trong năm qua, trong bối cảnh sự hỗ trợ về mặt quân sự của Mỹ giảm nhanh và cuộc phản công từng được ca ngợi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thất bại kể từ khi được phát động hồi tháng 6, Tổng thống Biden đã chuyển từ cam kết rằng Washington sẽ hỗ trợ Kiev “chừng nào vẫn cần thiết” sang hứa rằng Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ “chừng nào chúng tôi còn có thể”. Một số nhà phân tích cho rằng đó là chỉ dấu cho thấy Washington muốn Kiev tìm cách đạt được ít nhất một thỏa thuận đình chiến hoặc ngừng bắn với Mát-xcơ-va - điều có thể khiến Ukraine bị chia cắt một phần lãnh thổ. Tờ Thời báo New York (Mỹ) mới đây cho biết quân đội Ukraine và Nga phần lớn vẫn bế tắc nhưng Tổng thống Putin dường như đang phát đi tín hiệu rằng ông sẵn sàng thỏa hiệp nếu được giữ khoảng 20% lãnh thổ Ukraine mà Nga kiểm soát ở phía Ðông.
Song, đối với ông Biden, việc thay đổi chiến lược trong cuộc chiến kéo dài gần 2 năm nói trên được cho sẽ rất khó khăn trong bối cảnh cựu Tổng thống Donald Trump và các ứng cử viên đảng Cộng hòa khác công khai chế nhạo những nỗ lực của ông.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)