12/08/2019 - 09:03

Muôn nẻo "xe hàng" miền biên viễn 

Không giống như những nơi có hệ thống kênh rạch chằng chịt khác ở miền Tây, tại vùng biên giới An Giang, người dân phần lớn sống ven theo các con đê hay những con đường tại các cụm, tuyến dân cư để bảo đảm an toàn khi mùa lũ về. Chính “nơi ăn, chốn ở” như thế đã phát sinh kiểu buôn bán hàng hóa cũng khá độc đáo. Thay vì những chiếc ghe chạy dưới sông đầy đủ hàng hóa như các tỉnh khác, thì tại vùng biên giới này, cánh tiểu thương thường đưa nhiều loại hàng hóa lên xe đẩy, xe kéo và mang chúng đến những vùng khó khăn, nơi xa chợ nhất.

Xe hàng dần trở thành kiểu buôn bán độc đáo thường thấy trên các tuyến đường nông thôn nơi biên giới. Chị Trương Thị Thúy Hằng, một người có thâm niên đẩy xe bán dọc tuyến đường xã Phú Hữu (huyện An Phú, An Giang), cho biết: “Vùng này, muốn ra chợ phải xa nên bà con cần gì chúng tôi bán nấy, miễn sao phục vụ tốt. Chiếc xe nhỏ này cũng giúp tôi kiếm lời hơn 150.000 đồng/ngày, có tiền nuôi 2 con ăn học”.

Một chợ di động dọc theo xóm của đồng bào Chăm ở huyện An Phú.

Hoạt động buôn bán như thế này thường diễn ra vào sáng sớm và chiều mát.

Các xe hàng buôn bán rất trật tự, với đầy đủ các loại hàng hòa từ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đến các nhóm hàng đặc sản nổi tiếng.

Những chiếc xe di động bán trái cây, thịt và cả lạp xưởng.

Các loại khô cá sặc rằn, cá lóc, cá tra phồng và cả cá đồng, cá nuôi đều được đưa lên xe mang đi bán khắp nơi.

Người phụ nữ với chiếc xe hàng đang rong ruổi trên tuyến đường xã biên giới Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú).

Trên xe có rất nhiều nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ bà con vùng biên giới.

Mặc dù trời mưa, nhưng người phụ nữ với chiếc xe đầy trái cây vẫn miệt mài công việc buôn bán của mình theo các tuyến đường dọc biên giới.

Còn chị Trương Thị Thúy Hằng với chiếc xe đẩy nhỏ, trên đó gồm mắm, tương...

... và cả rau, cải đã giúp chị có tiền lo cho 2 con ăn học.

Dọc theo những tuyến đường về các xã biên giới như Vĩnh Hội Đông, Phú Hữu (huyện An Phú), Vĩnh Xương (TX Tân Châu) mà chúng tôi đi qua, hình ảnh những chiếc xe hàng di dộng thường xuyên xuất hiện. Nó như trở thành một nét văn hóa mua bán đặc trưng ở miền biên viễn này. Bởi hầu hết những gì cần bán, cần mua đều được đưa lên xe và đưa đi khắp xóm.

Một chiếc xe bán bún cá, bún riêu di động. Xe tuy nhỏ nhưng không thiếu món rau bông điên điển đặc trưng của vùng lũ vùng biên giới.

Rồi những xe đẩy bán hủ tiếu, trái cây nhỏ gọn để dễ dàng di chuyển khắp xóm.

Xe sữa đậu xanh, đậu nành, đá bào... món yêu thích của trẻ em cũng không thể thiếu trong cách "danh mục" buôn bán của cánh tiểu thương vùng biên giới.

Một chợ di động thu gọn trên chiếc xe máy.

Chiếc xe này như một chợ vải, quần áo, giày dép thu nhỏ.

Trên xe rất nhiều kiểu, mẫu đồ để người phụ nữ này tha hồ lựa chọn cho con khi gần đến ngày tựu trường.

Thực phẩm cho người ăn chay cũng được bán dọc theo các tuyến đường ven biên giới.

Cũng nhờ những xe hàng di động như thế nào mà cư dân biên giới có đủ đồ dùng sinh hoạt hằng ngày.

Bình Nguyên

Chia sẻ bài viết