09/03/2020 - 12:44

Mục tiêu xuất khẩu rau quả 4,2 tỉ USD “rơi” vào thế khó 

Ngay trong tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đã có sự sụt giảm khá mạnh bởi dịch COVID-19. Điều này, khiến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 4,2 tỉ USD trong năm nay là rất khó, rất cần các giải pháp, chẳng hạn như đa dạng hóa thị trường...

Mục tiêu xuất khẩu 4,2 tỉ USD rau quả năm nay rất khó khăn. Trong ảnh:  Thanh long được mang về một kho ở Long An để tiêu thụ.

Khó ngay đầu năm

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, dẫn thống kê các đơn hàng đã được doanh nghiệp ký kết trong tháng đầu năm nay cho thấy, tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam là hơn 300 triệu USD, trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 200 triệu USD. “Nhưng, con số đó chưa phản ánh thực tế tình hình xuất khẩu hiện tại” - ông Nguyên cho biết và dẫn chứng 200 triệu USD bán sang Trung Quốc chỉ là con số đôi bên ký kết các hợp đồng, chứ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa hẳn đã thực hiện được như vậy.

Thực tế, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1-2020, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang các thị trường đạt trên 280 triệu USD, giảm 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt trên 173 triệu USD, giảm đến 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khi đối chiếu kết quả xuất khẩu thực tế như báo cáo của Tổng cục Hải quan với con số đăng ký hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp được ông Nguyên nêu ra cho thấy đã có sự chênh lệch. Điều này chứng tỏ, đã có một số lượng hợp đồng nhất định bị hủy trong tháng đầu năm nay.

Ngoài ra, việc xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường chiếm đến 61,8% tổng kim ngạch xuất rau quả Việt Nam trong tháng 1-2020 giảm mạnh, cho thấy ngành hàng rau quả Việt Nam đã gặp không ít khó khăn ngay từ đầu năm. Lý do chính dẫn đến kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh được xác định do tác động của COVID-19 buộc phải đóng các cửa khẩu tiếp giáp giữa hai nước như thời gian qua.

Ông Lương Ngọc Trung Lập, chuyên gia phân tích thị trường nông sản cho rằng, việc giao thương hai nước giữa Việt Nam và Trung Quốc bị đình trệ do hạn chế đi lại ở cửa khẩu điều bất khả kháng và đây chính là lý do khiến xuất khẩu rau quả Việt Nam sang quốc gia này giảm mạnh.

Theo ông Lập, dù cửa khẩu đã mở lại, nhưng do gặp khó khăn liên quan đến nhân sự nên lượng hàng hóa thông quan vẫn còn ít. Mặt khác, do tình hình dịch bệnh nên người dân ở Trung Quốc hạn chế ra đường cũng khiến việc mua bán bị ảnh hưởng và dự báo phải mất một thời gian dài, chứ thị trường Trung Quốc không thể khôi phục như trước đây được ngay.

Đạt 4,2 tỉ USD có dễ?

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Định, cho biết, đơn vị này bán nhiều loại trái cây sang Trung Quốc: sầu riêng, chôm chôm thông qua một doanh nghiệp, chứ không làm việc trực tiếp với các khách hàng bên Trung Quốc. “Do đó, khi gặp khó khăn, đơn vị mua hàng của chúng tôi cũng hẹn thanh toán chậm vì chưa nhận được tiền từ khách hàng nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Trước những khó khăn như vậy, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, nếu dịch COVID-19 không được khống chế, tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ còn bị ảnh hưởng rất nhiều. “Trong khi đó, Trung Quốc lại là thị trường lớn, chiếm 60-70% kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta, cho nên, khả năng mục tiêu 4,2 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay sẽ không hoàn thành” - ông Nguyên cho biết.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội đã đề ra các giải pháp là phải đa dạng hóa thị trường, đồng thời tập trung nhiều hơn cho thị trường nội địa. “Trong năm vừa qua, một số thị trường: châu Phi, Mỹ đã chấp nhận nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, mở ra tín hiệu tích cực để ngành rau quả giảm tải áp lực phụ thuộc vào một thị trường” - ông Đặng Phúc Nguyên cho biết.

Do Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản chiếm tỷ trọng khá lớn của Việt Nam, cho nên, việc sản xuất để bán sang thị trường này được người dân chú trọng. Chính vì vậy, khi thị trường Trung Quốc gặp khó, thì việc xoay sang thị trường khác cũng không dễ. “Do sức hút của thị trường Trung Quốc quá lớn nên trong quá trình sản xuất tiêu chuẩn và hình thức sản phẩm mình luôn chú trọng đáp ứng theo thị trường này” - ông ông Lương Ngọc Trung Lập cho biết.

Điển hình của việc này, theo ông  Lương Ngọc Trung Lập, với trái thanh long, Trung Quốc yêu cầu phải vuốt “ngoe” (các tai trên trái thanh long); giữ cho “ngoe” trái phải xanh, càng dài càng tốt và trái phải lớn, trong khi các thị trường khác không yêu cầu phải vuốt “ngoe”, trái lớn vừa phải. “Tuy nhiên, như đã nói do sức hút của thị trường Trung Quốc quá lớn nên quá trình sản xuất là mình phục vụ theo tiêu chuẩn của Trung Quốc nên khi thị trường Trung Quốc gặp vấn đề mình cũng khó xuất các sang thị trường khác luôn dù thanh long Việt Nam đã xuất được sang Ấn Độ, Hàn Quốc và nhiều thị trường khó tính khác”, ông Lương Ngọc Trung Lập dẫn chứng.

Chính vì vậy, ông Lương Ngọc Trung Lập cho rằng, cần phải có quy hoạch theo hướng có sự thống nhất ở từng vùng trong mối liên kết với doanh nghiệp để sản xuất cho từng thị trường cụ thể. Ví dụ, sản lượng này sản xuất cho Trung Quốc, thì làm theo kiểu có vuốt “ngoe”, còn đi thị trường khác không cần vuốt “ngoe”, thì tuân thủ, tức có điều chỉnh riêng biệt cho nhiều thị trường...

Bài, ảnh: T.C

Chia sẻ bài viết