12/10/2008 - 08:26

Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ:

Mục tiêu của doanh nhân là mang lại lợi ích cho cộng đồng

 

Ngày 13-10 là ngày Doanh Nhân Việt Nam. Đây cũng là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp đang chạy đua nước rút để hoàn thành kế hoạch năm trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết, bản lĩnh doanh nhân thể hiện ở khả năng quyết đoán, linh hoạt để thích ứng và vượt qua thách thức. Phóng viên Báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, về vấn đề này.

* Năm nay là năm có nhiều khó khăn với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Rất nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô hoạt động, tạm ngừng các dự án phát triển sản xuất... Ông nhận định như thế nào về hoạt động và sự phát triển của các thành viên trong năm nay?

- Như chúng ta đã biết, tình hình khủng hoảng tài chính, lạm phát tăng trên thị trường thế giới cũng ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, doanh nghiệp không gặp thuận lợi trong việc sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng đã chỉ đạo tạm ngừng phát triển các dự án lớn. Các thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) đa phần là các DNNVV hoạt động rất ổn định trong thời gian qua, chỉ có một số ít các công ty có qui mô sản xuất kinh doanh tương đối lớn là có bị ảnh hưởng do chính sách thắt chặt tín dụng. Các doanh nghiệp chủ yếu bị ảnh hưởng về tình hình giá cả thị trường, giá cả nguyên liệu đầu vào không ổn định. Nhưng đến nay, tình hình giá cả hầu hết các loại nguyên liệu đầu vào đã bình ổn trở lại. Từ những khó khăn trong thời gian qua, doanh nghiệp cũng đã rút ra được bài học kinh nghiệm cho mình. Đó là phải làm sao chủ động trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là khâu nguyên liệu đầu vào; phải theo dõi sát sao và dự báo được tình hình thị trường, từ đó tìm được hướng đi thích hợp cho mình. Trong kinh doanh, chỉ có qua thực tế mới rút ra được những bài học quý giá và từ đó doanh nhân có thể tự tin và đứng vững trên thương trường.

* CBA đã nhận được những yêu cầu chia sẻ khó khăn gì từ phía các thành viên và đã tiến hành hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Thời gian qua, hội viên chủ yếu yêu cầu CBA hỗ trợ giải quyết những vấn đề liên quan đến các cơ quan Nhà nước. Ví dụ như: Việc tăng giá tiền thuê đất theo Nghị định 142/2005/NĐ-CP ngày 14-11-2005 và việc thực hiện Quyết định 07/2007/QĐ-UBND ngày 12-2-2007 đặt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn khi phải nộp tiền truy thu cho năm 2006 trong năm 2007. Trong khi doanh nghiệp đã quyết toán và chia cổ tức năm 2006. Tình trạng điện bị cắt liên tục và không theo thông báo gây thiệt hại về tài sản và trở ngại cho kế hoạch sản xuất, giao hàng. Các thủ tục về việc bán hóa đơn của Cục thuế và các chi cục thuế; các giấy phép “con” trong một số ngành như: xây dựng, dịch vụ... còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiệp hội đã trực tiếp chuyển tải những kiến nghị của doanh nghiệp và thay mặt hội viên kiến nghị những vấn đề này lên các cơ quan chức năng và UBND thành phố. Có vấn đề đã được chính quyền quan tâm tìm phương án giải quyết, nhưng có vấn đề vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, thông qua Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (IFC - Bộ Kế hoạch Đầu tư) và Phó Chủ tịch CBA là Đại biểu Quốc hội, CBA còn góp ý cho các dự thảo luật sửa đổi như: Luật Thuế VAT/Thu nhập doanh nghiệp.

* Là một doanh nhân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, ông chia sẻ với các thành viên của CBA những kinh nghiệm gì trong việc điều hành hoạt động trong giai đoạn khó khăn vừa qua?

- Trong tình hình khó khăn hiện nay, công ty của chúng tôi cũng không là ngoại lệ, nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Nhưng, nhờ theo dõi sát diễn biến thị trường, Ban lãnh đạo công ty đã từng bước điều chỉnh hợp lý kế hoạch sản xuất kinh doanh. Do đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian qua khá mỹ mãn.

Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, công ty chúng tôi đã khai thác các cơ hội đầu tư vào một số ngành nghề khác, hướng đến kinh doanh đa ngành nghề nhưng vẫn phục vụ cho nông nghiệp. Hiện nay, chúng tôi đang đầu tư vào 2 dự án sản xuất phân bón hữu cơ tại Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Ngã Bảy và dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi . Đây là 2 dự án được sự ủng hộ của bà con nông dân và các cấp chính quyền địa phương. Dự án phân bón hữu cơ sẽ thay thế được các loại phân bón hóa học khác mà chúng ta đang phải nhập khẩu từ nước ngoài, góp phần cải tạo được đất trồng, tích lũy dinh dưỡng và tăng độ phì nhiêu cho đất. Dự án này sẽ sử dụng nguyên liệu từ bã mía, góp phần cải tạo môi trường sạch cho địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Tôi rất kỳ vọng vào dự án này.

Theo tôi, là người quản lý doanh nghiệp, các doanh nhân cần hiểu rõ bản thân mình, cần đánh giá và phân tích kỹ tình hình thị trường trong nước và thế giới để xác định nhu cầu nguyên vật liệu và đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, có thể chủ động trong mọi tình huống, nhất là trong các thời điểm gặp khó khăn về tài chính do chính sách thắt chặt tín dụng như trong thời gian vừa qua. Quản lý là vấn đề then chốt nhất trong sự phát triển của doanh nghiệp, nếu đầu tư vào các dự án mà quản lý không tốt sẽ dẫn đến thua lỗ, phá sản.

* Theo ông, vai trò của một doanh nhân trong tình hình nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay nên được thể hiện như thế nào?

- Dù ở bất cứ tình thế nào, từng doanh nghiệp luôn phải đối phó với nhiều thách thức. Điều cốt lõi là người quản lý doanh nghiệp phải tìm cách giải quyết vấn đề sao cho ổn thỏa, thể hiện đạo đức trong kinh doanh. Không những đưa doanh nghiệp phát triển hài hòa với nền kinh tế trong nước mà còn phù hợp với các chuẩn mực của thế giới.

Lợi nhuận là mục đích của doanh nghiệp, là thước đo sự thành công của doanh nghiệp và trên hết là thước đo tài năng của mỗi doanh nhân. Nhưng đó chưa phải là mục tiêu cuối cùng của mỗi doanh nhân. Mục tiêu để doanh nhân chiến thắng nên là cách nhìn nhận của người tiêu dùng, của cộng đồng xã hội đối với sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Đó chính là sự phát triển bền vững.

* Xin chân thành cảm ơn ông!

ANH KHUYÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết