22/01/2009 - 20:47

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng đầu năm 2009

Mức tăng thấp hơn dự báo

Tháng đầu năm 2009 đúng vào thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán 2009. Theo thông lệ, đây là lúc các hoạt động mua bán diễn ra sôi động nhất trong năm. Sức mua tăng, giá cả hàng hóa tăng, kéo theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng đầu năm 2009 trên địa bàn TP Cần Thơ tăng 0,14% so với tháng cuối năm 2008. Tuy nhiên, mức tăng này đã thấp hơn so với con số dự báo của ngành thống kê.

* CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG TĂNG NHẸ

Cục Thống kê TP Cần Thơ vừa công bố, CPI tháng 1 – 2009 chỉ tăng 0,14% so với tháng cuối năm 2008. Trong tháng 1-2009, nhiều loại hàng hóa trên thị trường có nhiều biến động. Sau một thời gian rớt giá, khoảng trung tuần tháng 1-2009, lúa hàng hóa trên thị trường đã tăng 200-300 đồng/kg. Hiện giá lúa, chủ yếu là lúa IR 50504, dao động ở mức 3.400-3.600 đồng/kg. Cũng từ trung tuần tháng đầu năm, giá cá tra nguyên liệu ở TP Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL đã tăng trở lại khoảng 300-600 đồng/kg, và đứng ở mức 13.000 – 14.500 đồng/kg.

Lượng hàng hóa ở TP Cần Thơ khá phong phú, dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong dịp Tết. 

Đặc biệt, trong tháng 1-2009, nhiều loại ga trên thị trường đã có 2 đợt tăng giá, mức tăng khoảng 17.000-19.000 đồng/bình. Các công ty sản xuất ga đã điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm do ảnh hưởng của giá ga nguyên liệu nhập khẩu tăng gần đây. Tại nhiều cửa hàng, ga bình 12 kg của các hãng như: Saigon Petro, Vina gas, Ttagas... đang có mức giá dao động trên dưới 190.000 đồng/bình...

Trong rổ hàng hóa được đưa vào để tính CPI, mức giá tăng cao nhất thuộc về nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, tăng 1,29%. Tiếp theo là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng 0,87%; nhóm hàng may mặc, nón và giày dép tăng 0,8%. Thuộc nhóm hàng có chỉ số giá tăng trong tháng như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đồ uống và thuốc lá, nhà ở và vật liệu xây dựng, hàng hóa và dịch vụ khác nhưng mức tăng chỉ khoảng 0,06 – 0,17%. Các nhóm hàng hóa như giáo dục; văn hóa, thể thao và giải trí có mức giá không biến động so với tháng cuối năm 2008. Trong tháng đầu năm 2009, giao thông, bưu chính viễn thông là nhóm hàng duy nhất có chỉ số giá giảm trong tháng, mức giảm 4,32%.

Tháng 1-2009, cũng là khoảng thời gian diễn ra Tết Nguyên đán. Thông lệ hằng năm, đây là thời điểm các hoạt động mua bán diễn ra tấp nập nhất trong năm. Tuy nhiên, theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, thời điểm tính CPI được “kết sổ” vào khoảng 15 hằng tháng. Trong khi đó, các hoạt động phục vụ cho ngày Tết cổ truyền năm 2009 rơi vào thời điểm cuối tháng. Chính vì thế, CPI trong tháng 2-2009 nhiều khả năng sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng dương.

* SỨC MUA TĂNG, GIÁ TĂNG

Tết Nguyên Đán 2009 đã đến. Người dân tranh thủ mua sắm hàng hóa trang hoàng nhà cửa, mua bánh kẹo... để thết đãi bà con, bạn bè trong dịp Tết. Các doanh nghiệp cũng chuẩn bị hàng hóa dồi dào phục vụ Tết. Các siêu thị, công ty và cửa hàng tổ chức nhiều chương trình khuyến mại để đẩy mạnh bán ra...

Tuy nhiên, chị Mai Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Kế hoạch – Kinh doanh, Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), cho biết: Thị trường Tết năm nay khởi động trễ hơn so với mọi năm. Trước Rằm tháng Chạp âm lịch, sức tiêu thụ các loại hàng hóa trên thị trường gần như không đáng kể. Nhiều lúc còn chậm hơn so với những ngày bình thường. Bước vào trung tuần tháng 1-2009, tức vào khoảng 20 tháng Chạp, hoạt động mua bán mới bắt đầu tăng tốc. Sức mua tăng gấp 2 lần so với những tuần đầu tiên của tháng 1-2009. Theo chị Thanh, dù sức mua có tăng, song mức độ tiêu thụ hàng hóa trên thị trường trong những ngày này chỉ bằng 80% so với dịp Tết năm 2008.

Chị Lê Kim Yến, khu vực 3, phường An Khánh, TP Cần Thơ, cho biết: “Hàng hóa trên thị trường, nhất là hàng tiêu dùng giá cả tăng mạnh và đứng ở mức rất cao. Cuối năm, giá có giảm chút ít nhưng người tiêu dùng vẫn còn khá dè chừng trong chi tiêu. Ai cũng muốn thủ tiền của mình để chủ động hơn trong kế hoạch chi tiêu khi bước sang năm mới 2009. Điều này giải thích một phần nào thị trường trước Tết Nguyên đán năm 2009 trầm lắng hơn những năm trước”.

Theo thống kê của Công ty C.T.C, hơn tuần nay, nhiều mặt hàng trên thị trường đã bắt đầu rụt rịch tăng giá theo nhu cầu của người tiêu dùng. Cụ thể: Chiều ngày 21-1, heo hơi ở mức 32.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg, các loại thịt heo cũng đã tăng thêm từ 1.000 – 6.000 đồng/kg; trứng gà, trứng vịt cũng tăng 2.000 đồng/vỉ (10 trứng); giá nhiều loại thủy hải sản tăng 2.000 – 7.000 đồng/kg. Riêng các loại thực phẩm công nghệ, bánh mứt, dịp này giá cả tương đối ổn định. Chỉ có một số loại tăng giá như lạp xưởng tăng 1.500 – 3.000 đồng/bọc (hoặc hộp), giá bán 45.000 – 121.000 đồng/bọc (tùy trọng lượng). Đặc biệt, các loại bánh cao cấp như Danisa, Bibica, các loại kẹo chocolate... nhu cầu mua để làm quà biếu tăng cao và giá bán các mặt hàng này tăng khoảng 5- 10%. Các loại bia cũng đã tăng giá từ tuần trước. Ngày 19-1, bia 333 giá bán 190.000 đồng/thùng, bia Heineken giá bán 325.000 đồng/thùng, các mức giá này tăng 5.000 – 10.000 đồng/thùng...

Theo dự báo của nhiều cửa hàng, đại lý phân phối hàng hóa... trên địa bàn thành phố, trong những ngày cuối năm, giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ có thể biến động. Tuy nhiên, theo Sở Công thương TP Cần Thơ, do có sự chuẩn bị tốt về mặt dự trữ, nguồn hàng hóa trên thị trường dồi dào, đặc biệt, ngành công thương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hàng làm tăng giá đột biến, nhất là các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm, nhằm duy trì bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2009.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết