03/07/2021 - 11:43

Nghị định số 55/2021/NĐ-CP

Mức phạt hành vi gây mất vệ sinh nơi công cộng chưa đủ sức răn đe 

Theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ ngày 10-7-2021), mức phạt một số hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng giảm nhiều lần so với quy định hiện hành. Cụ thể, mức phạt các hành vi vứt rác; vứt đầu, mẩu, tàn thuốc lá; vệ sinh cá nhân... không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng giảm 5-12 lần. Nhiều ý kiến cho rằng mức phạt mới này chưa đủ sức răn đe.

Hành vi vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định khá phổ biến. Trong ảnh: Rác trên cầu Láng Chim - giáp ranh giữa xã Thạnh Quới và thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh.

Hành vi vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định khá phổ biến. Trong ảnh: Rác trên cầu Láng Chim - giáp ranh giữa xã Thạnh Quới và thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh.

Dưới nắng nóng gay gắt của ngày hè, chị Nguyễn Thị T, công nhân vệ sinh môi trường thuộc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị TP Cần Thơ, vẫn miệt mài công việc thu gom rác thải vứt bừa bãi trên các tuyến đường thuộc phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. Nói về việc giảm mức xử phạt đối với hành vi vứt đầu, mẫu, tàn thuốc lá; vứt rác; phóng uế bừa bãi, chị T băn khoăn: “Không có hình phạt nặng kèm theo thì không thể nào giải quyết tình trạng xả rác bừa bãi, vệ sinh không đúng nơi quy định. Theo tôi, cần phải phạt tiền cao đối với các hành vi vi phạm này, phải đánh vào túi tiền, kinh tế thì mới có thể nâng cao ý thức của người dân”. Theo chị T, với mức phạt 100.000-150.000 đồng đối với hành vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá; mức phạt 1-3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng thì quá thấp, không đủ sức giáo dục, răn đe.

Nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ lo ngại như chị T, mức phạt tiền giảm sẽ dẫn đến hành vi vi phạm tăng lên, vệ sinh môi trường nơi công cộng bị tổn hại, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp. Anh Nguyễn Văn Quân, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác nơi công cộng đang ở mức cao lại giảm xuống thấp, khó đủ sức răn đe. Theo tôi, quan trọng nhất là Nhà nước phải đầu tư lắp đặt thùng rác công cộng sao cho tiện lợi việc sử dụng và phải xử phạt nghiêm để người dân nâng cao ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi. Hơn nữa, dù mức phạt cao hay thấp nhưng nếu các cấp, các ngành không triển khai thực hiện nghiêm thì rất khó phát huy tác dụng”.

Thực tế, ở nhiều địa phương, vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Bà Nguyễn Thị Dung ở phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, cho biết: “Không khó để thấy cảnh xả rác ra đường hoặc vứt rác xuống kênh, rạch. Theo tôi, ngành chức năng cần xử phạt nặng các hành vi này để người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường”.

Theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 150.000-250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; trong khi mức phạt hiện hành là 1-3 triệu đồng; hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng, trong khi mức phạt hiện hành là 3-5 triệu đồng. Hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông bị phạt từ 2-4 triệu đồng, theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP, trong khi mức phạt đang áp dụng là 7-10 triệu đồng…

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn luật sư TP Cần Thơ, việc điều chỉnh mức phạt là nhằm giúp chính quyền cấp xã thuận tiện hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường công cộng thường gặp vì mức phạt vẫn còn thuộc thẩm quyền xử lý của chủ tịch UBND cấp xã. Trong khi đó, mức phạt cao hơn thuộc thẩm quyền xử lý của UBND cấp quận/huyện và như vậy, cấp xã phải kiến nghị lên cấp trên. Ông Nguyễn Văn Thưa, Chủ tịch UBND xã Định Môn, huyện Thới Lai, nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác: “Trên thực tế, hằng ngày, hành vi vi phạm vệ sinh môi trường công cộng diễn ra phổ biến và các hành vi này được cá nhân thực hiện một cách rất nhanh chóng. Trong khi đó, lực lượng chức năng ở xã mỏng, khó kiểm soát, xử lý là vướng mắc lớn nhất trong quá trình triển khai thực thi các quy định xử phạt”.

Có thể thấy, việc xử lý hành vi gây mất vệ sinh nơi công cộng đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, từ mức phạt hợp lý, đủ sức răn đe cho đến đảm bảo các điều kiện để triển khai thực thi các quy định cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết