02/06/2020 - 06:18

Mùa trái chín 

Không có gì lạ khi xuất hiện người bán sầu riêng, măng cụt thu mình trong hẻm nhỏ tránh cái nắng oi bức trên 37 độ C. Có vẻ như bóng mát từ những ngôi nhà cao tầng sẽ che nắng để bà Chín đủ kiên nhẫn ngồi đây chờ người qua - kẻ lại mua trái chín cây. "Ngoài kia người ta bán nhiều lắm, thôi cứ lui vô đây", bà Chín bán trái cây lưu động nói.

Ngộ nhận thị trường duy nhất

Mọi thứ như tương phản với kim ngạch xuất khẩu trái cây 3,6 tỉ USD trong năm ngoái và dự báo lạc quan - kim ngạch xuất khẩu tới 4,5 tỉ USD trong năm nay.

Từ tháng 2-2020, giá sầu riêng tại vườn chỉ còn 25.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn tại Tiền Giang rầu thúi ruột. Giá thấp như một cơn đại dịch nhanh chóng lan sang các tỉnh khác. May mắn hơn, nhà vườn Phong Điền, TP Cần Thơ, vẫn bán được giá 45.000-60.000 đồng/kg sầu riêng. Bà Chín bán sầu riêng trong hẻm nói loại Ri 6, cơm vàng hạt lép giá cao hơn khổ qua xanh. Nhưng khó bán vì người mua thấy trái lớn, nặng cân, nhiều tiền nếu mua về khui ra nhầm trái không ngon thì giống như mang thêm cái tức về nhà.

Nhiều người bán đồng ý khui tại chỗ, bao ăn… Nhưng số đó lại không nhiều.

Sầu riêng sắp cuối mùa, măng cụt, xoài cũng vậy. Dâu mới vào mùa. Thật ra rất khó biết bây giờ là mùa nào vì nhà vườn có thể cho trái nghịch vụ. Hơn nữa, cuối mùa ở miền Tây thì hàng miền Đông tràn về. Trái cây trong nước vơi thì hàng nhập khẩu cùng loại cứ nối đuôi đong đầy thị trường.

Năm nay, trái cây dồn đống là do đại dịch COVID-19, Trung Quốc kiểm soát biên giới chống dịch nên giao dịch trầm lắng, chậm chạp. Nhiều người nói như vậy, không sai, nhưng ai bảo trái cây chỉ có thị trường duy nhất là Trung Quốc? 

Có thể ai đó hiểu theo kiểu "Lệ chi đồ tự" - thực  ra để nói về trái vải và câu chuyện Dương Quý Phi và sở thích trái cây phương Nam mà không hề có hàng rào kỹ thuật.

Tương truyền Dương Ngọc Hoàn (Dương Thái Chân) sinh ở đất Thục (Tứ Xuyên ngày nay), vào năm Thiên Bảo thứ tư, tức năm 745, nhập cung được Đường Huyền Tông Lý Long Cơ sủng ái, phong làm Quý phi. Dương Quý Phi sắc nước hương trời, được cho là dưỡng sắc nhờ ăn trái vải từ vùng Lĩnh Nam xa xôi. Trong Thiên "Dương Quý phi ngoại truyện", sách "Tân Đường thư" chép rằng, Dương Quý phi thích ăn vải nên để làm vừa lòng ái phi, Đường Huyền Tông đã lệnh cho người cưỡi ngựa ngày đêm chạy tiếp sức để đưa vải từ vùng Lĩnh Nam về Trường An cho Dương Quý phi đẹp dạ. Đỗ Mục, nhà thơ thời Đường, viết rằng "Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu, Vô nhân tri thị lệ chi lai" ("Ngựa ruổi bụi hồng, phi mỉm miệng/ Ai hay vải tiến đã về triều"). Về sau, loạn An Lộc Sơn khiến cả hoàng thất triều Đường phải bỏ chạy khỏi kinh thành, có kẻ độc mồn độc miệng nói vì ăn quả vải mà Dương Quý phi "hôi nách" làm loạn cả triều thần - thì thật là bậy bạ. Thật ra, thiên hạ ghét cảnh mỹ nhân 27 tuổi họ Dương giành vị trí độc tôn trong trái tim vị vua đa tình 61 tuổi của triều đại nhà Đường khiến nghiêng thành đổ nước chứ trái vải chẳng có tội gì.

Trái cây đồng bằng được chào mời bằng nhiều hình thức tạo sức hấp dẫn đến mọi người.

Tự giải hạn

Một người Cần Thơ đang mắc kẹt ở Mỹ trong thời gian giãn cách xã hội "phân bì" dân miền Tây mình sướng nhất vì thế giới có thể bị gì thì bị chứ miền Tây vẫn có cơm, cá,  rau, trái…

Tuy vậy, nhiều nhà vườn nói năm nay hạn - mặn kéo dài hơn năm 2016, nếu kéo dài hơn nữa, năm tới trái cây không còn bao nhiêu.

GS.TS. Nguyễn Bảo Vệ, Trường Đại học Cần Thơ, trong cuộc tọa đàm trên truyền hình phát lúc 2 giờ sáng nói rằng, rồi đây nhà vườn sẽ sống chung với hạn, mặn. Do đó Nhà nước cần thông tin kịp thời, dự báo chính xác để nhà vườn thay vì cho cây ra hoa sẽ chuyển sang tích trữ nước và bằng mọi cách tỉa tán dưỡng cây, tủ gốc để cây không mất nước, chờ qua cơn đại hạn.

Nhiều người ở miền Tây thú thiệt không biết quãng đường biển từ Việt Nam đến các châu lục khác như thế nào chứ đường bộ đi Trung Quốc, nếu đình đốn như thế này thì quả là chua chát.

Họ bắt đầu tính toán nào tiền của làm đường sá, cầu cống từ Nam ra Bắc, sắm xe "Công" siêu trường siêu trọng, chuẩn bị cả ngàn tài xế túc trực tại biên giới để chỉ việc lái xe qua giao hàng, đầu tư biết bao là tiền của vào đất đai, vườn tược, áp dụng biết bao kỹ thuật để làm ra sản lượng trái cây cả nước ăn không hết, để dành xuất khẩu… Ai dè cái kết phụ thuộc giờ làm việc mỗi ngày - khi thì 5 giờ, lúc thì 7 giờ mỗi ngày và đủ thứ quy định như mấy tháng nay.

Sự khê đọng không theo mong muốn của ai cả dù là dòng chảy xuất khẩu hay nhập khẩu.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu rau quả về Việt Nam từ đầu năm đến giữa tháng 4-2020 cũng đã giảm 36,6% so với cùng kỳ năm 2019 (337,47 triệu USD). Trung Quốc là nguồn cung lớn nhất, đã giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 76,4 triệu USD).

Thái Lan cũng đang gặp khó khi đường cao tốc Côn Minh - Bangkok buộc phải đóng cửa để đối phó với đại dịch COVID-19. Theo nguồn tin Hải Quan, Lào cũng đã đóng đường cao tốc nối từ Trung Quốc đến Thái Lan qua Lào.  Chỉ những tài xế từ Lào mới được phép vận chuyển hàng hóa qua đất nước họ, nhưng số lượng tài xế từ Lào rất ít và không được chủ hàng tin cậy nên hơn 300 container vận chuyển bị mắc kẹt tại biên giới Thái Lan - Lào ở Chiang Rai trong 3 ngày đầu tháng 5-2020.

Chi phí vận chuyển đã tăng gấp ba lần và nhiều doanh nghiệp Thái tìm tới tuyến đường thay thế (cung đường giữa Việt Nam và Quảng Tây),  dù tuyến đường mới thêm cả ngàn cây số hoặc phải tìm thị trường khác.

So với Thái Lan, Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp rành rẽ thị trường để có thể tạo bước ngoặt tức thì.

Nếu không có COVID-19

Nếu không xảy ra đại dịch COVID-19, thị trường trái cây trong nước sẽ như thế nào? Năm ngoái, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) đưa ra dự báo khi các hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ thuận lợi hơn khi vào các thị trường: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia... với thuế nhập khẩu giảm dần từ 10% về 0% theo từng giai đoạn.

Ngược lại, các FTA cũng yêu cầu Việt Nam mở cửa để hàng của các nước vào với thuế nhập khẩu bằng 0% theo trình tự thời gian đã thỏa thuận. Tổ chức Horticulture Innovation Australia (Tổ chức Đổi mới trồng trọt Australia) cho biết đầu quý III-2019, Australia đã xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 4.000 tấn cam Navel, cherry và quýt. Mỹ cũng đã xuất cherry, lê, nho, táo, việt quất… (khoảng 188 triệu USD) vào Việt Nam.  Hiện nay, Việt Nam đã cấp phép cho 460 doanh nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm thịt và 210 doanh nghiệp thủy sản của Mỹ đăng ký xuất khẩu vào thị trường. Trong 18 biên bản ghi nhớ (MoU) với Bộ trưởng Nông nghiệp bang Nebraska, ông Steve Wellman và những hiệp hội nông sản, có việc nhập hoa quả.

Vấn đề đặt ra là hầu hết sản phẩm từ các nước vào Việt Nam một cách dễ dàng, còn sản phẩm Việt Nam thường vướng nhiều quy định ngặt nghèo. Trái chuối  muốn vào Nhật Bản phải đáp ứng 145 tiêu chí về dư lượng chất bảo vệ thực vật, còn đối với gạo phải là 270 tiêu chí. Hệ thống Danh mục Hợp quy của Hàn Quốc bao gồm 370 loại thuốc bảo vệ thực vật, được kiểm tra chuyên sâu tại cảng nhập khẩu được chỉ định của Hàn Quốc, trong đó có gần 140 loại thuốc Việt Nam đang sử dụng nhưng Hàn xem là loại chưa an toàn. Hàng vào Australia và Nhật Bản, Mỹ phải xông hơi nước hoặc chiếu xạ để loại trừ mầm dịch hại, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất nguy hại… Thực ra hàng rào kỹ thuật đã có từ lâu và họ luôn cập nhật trên mạng thông tin quy chuẩn, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam bán trái cây tươi ít quan tâm cũng như không được cơ quan chức năng tư vấn đến nơi đến chốn.

Trong khi đó, nhờ quan tâm đầy đủ thông tin thị trường, các nhà máy chế biến của Việt Nam vẫn bán được nước ép thanh long với giá xuất khẩu bình quân 1.355,6 USD/tấn, tăng 2,7% so với 15 ngày cuối tháng 3-2020 và tăng 1,7% so với 15 ngày cuối tháng 4-2019; mít sấy: 7.362 USD/tấn; mít đông lạnh đạt 2.541,6 USD/tấn trong khi giá xuất khẩu bình quân mít tươi chỉ có 449,6 USD/tấn.

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết