Trang tin khoa học Inverse mới đây cho hay trước kết quả phòng bệnh hiệu quả của các loại vaccine COVID-19 sản xuất bằng công nghệ mRNA, các nhà nghiên cứu quốc tế đang triển khai nhiều cuộc thử nghiệm sử dụng kỹ thuật này để giúp chữa nhiều căn bệnh nan y gồm cả ung thư và HIV.
Công nghệ mRNA hứa hẹn có thể giúp tạo ra vaccine phòng ngừa nhiều bệnh ung thư.
Theo Inverse, vaccine truyền thống sử dụng một virus - ở dạng đã chết hoặc bất hoạt - để “huấn luyện” hệ miễn dịch nhận diện và tiêu diệt các mầm bệnh có khả năng xâm nhập cơ thể trong tương lai. Trong khi đó, vaccine phòng ngừa COVID-19 là loại vaccine mRNA, hoạt động dựa vào việc lập trình trước khả năng kháng cự các gai prôtêin dày hơn của SARS-CoV-2 cho các tế bào của cơ thể, để có thể đối phó một khi tiếp xúc trực tiếp với virus.
Mặc dù vaccine phòng ngừa COVID-19 là những mũi vaccine mRNA đầu tiên được cấp phép sử dụng, nhưng giới khoa học đã tiếp cận công nghệ sản xuất vaccine này trong hơn 25 năm qua. Tháng trước, bà Ozlem Tureci - người đồng sáng lập Hãng dược phẩm Đức BioNTech với chồng là Tiến sĩ Ugur Sahin - tiết lộ rằng họ đã phát triển được các vaccine phòng ngừa nhiều loại ung thư dựa trên mRNA.
Trong nỗ lực tương tự, các chuyên gia tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas (Mỹ) đang nghiên cứu sử dụng công nghệ mRNA như một phương pháp chữa bệnh ung thư. Tiến sĩ Van Morris, người dẫn đầu cuộc thử nghiệm này, cho biết nhóm nghiên cứu nhận định mRNA có thể được sử dụng để ngăn chặn nguy cơ tái phát ung thư cho người bệnh. Theo ông Morris, mục đích của nghiên cứu là nhằm khẳng định rằng một loại vaccine mRNA sẽ huấn luyện hệ miễn dịch nhận ra các mảnh prôtêin đột biến được tìm thấy trong bất kỳ tế bào khối u còn sót lại sau khi phẫu thuật, sau đó sẽ tấn công và tiêu diệt những vùng còn sót lại dấu vết ung thư. Được biết, tuy nguy cơ tái phát bệnh còn tùy thuộc vào loại ung thư mắc phải, nhưng phổ biến nhất là ung thư buồng trứng, ung thư bàng quang và u nguyên bào thần kinh đệm.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu do Giáo sư miễn dịch học William Schief dẫn đầu tại Đại học Scripps (Mỹ) đang tìm hiểu tiềm năng dùng vaccine mRNA để điều trị HIV, căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ảnh hưởng 1,2 triệu người trên toàn cầu. Họ nhận định, do mRNA có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu và tiêu diệt virus nên họ sẽ sử dụng công nghệ đó trong các nghiên cứu trong tương lai với hy vọng sớm tạo ra vaccine phòng ngừa HIV. Các nhà khoa học tại Đại học Oxford (Anh) cũng đang nỗ lực phát triển một vaccine mRNA để điều trị bệnh lậu, cũng là một bệnh nguy hiểm lây qua đường tình dục.
Ngoài những thử nghiệm nói trên, các nhà khoa học đang mạnh dạn thử nghiệm công nghệ mRNA để tạo ra loại vaccine phòng ngừa hiệu quả hơn giúp chống lại các virus truyền nhiễm gây ra bệnh cúm mùa và Zika.
AN NHIÊN (Theo INSIDER, Daily Mail)