27/11/2014 - 15:05

Một số vấn đề cần biết về phòng chống virus trên điện thoại Android

Các ứng dụng chống virus được cho là để ngăn chặn các cuộc tấn công từ các phần mềm độc hại và phần mềm gián điệp. Trên máy tính, đặc biệt là trên Windows, điều này rất hữu ích. Nhưng trên thiết bị Android, nó là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Ứng dụng chống virus trên Android chủ yếu tập trung vào phòng thủ

Khi bạn nhìn vào thông tin mô tả của một vài ứng dụng chống virus trên Android, bạn sẽ thấy các tính năng được liệt kê như tổng số các tập tin được sao lưu vào đám mây, xóa từ xa, kết thúc tác vụ, theo dõi mức "ăn" pin của các ứng dụng…

Ví dụ, ứng dụng chống virus của AVG chỉ có vài dòng liên quan đến thực tế, như "Chặn virus, phần mềm gián điệp và phần mềm độc hại", "Loại bỏ mối đe dọa thường trực", và "Quét các liên kết mạng, Twitter, Facebook…". Ngoài ra, nó không có cách xử lý nào nếu điện thoại đã bị nhiễm virus.

Trên điện thoại Android, virus không phải là một mối đe dọa như trên máy tính. Do cách hoạt động của Android, mối đe dọa chủ yếu là phần mềm độc hại và phần mềm gián điệp. Các phần mềm độc hại tìm cách xâm nhập điện thoại của bạn thông qua các ứng dụng giả tạo, ứng dụng vi phạm bản quyền, quảng cáo hoặc trình duyệt web.

Làm thế nào để giữ sạch hệ thống?

Khi bạn mua một chiếc điện thoại hoặc một thiết bị chạy Android, các tập tin hệ thống của nó được khóa cẩn thận. Trường hợp điện thoại của bạn bị cài đặt lại, nghĩa là hệ thống đã "mở" để người quản trị có thể truy cập và chỉnh sửa tập tin, điện thoại của bạn lúc này không còn an toàn.

Tất nhiên, tin tặc luôn tìm cách xâm nhập điện thoại của bạn để lấy những thứ họ cần, như thông tin cá nhân, danh bạ, tin nhắn, email… Và cách chúng tiếp cận là thông qua các phần mềm, nhất là những phần mềm đòi hỏi thông tin cá nhân khi sử dụng.

Dưới đây là những điều cơ bản cần lưu ý để hạn chế phần mềm độc hại xâm nhập điện thoại.

- Chỉ cài đặt phần mềm từ cửa hàng ứng dụng (Play Store).

- Không tải nội dung vi phạm bản quyền.

- Không tải các ứng dụng từ những nguồn cung cấp không rõ ràng.

- Không bấm vào các quảng cáo từ các nguồn cung cấp mà bạn không biết.

Các hướng dẫn nâng cao để ngăn chặn phần mềm độc hại

Nếu bạn là một người dùng khá am hiểu về điện thoại, giả sử với một chiếc điện thoại Android đã cài đặt lại hệ điều hành, bạn sẽ biết làm thế nào để bảo vệ nó.

Năm 2013, Lookout (Công ty cung cấp các dịch vụ an ninh và bảo mật cho điện thoại) phát hiện ra một loạt các phần mềm độc hại giả dạng một mạng lưới quảng cáo. Nó lan truyền trên 32 ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng và được người dùng tải về hơn 2.000.000 lượt.

Nếu bạn đã root máy, thì ngăn chặn quảng cáo trên Android là điều bạn nên làm. Và AdAway là ứng dụng được khuyên sử dụng để ngăn chặn quảng cáo dành cho điện thoại đã cài đặt lại hệ điều hành.

Nếu điện thoại của bạn chưa từng cài đặt lại và bạn muốn chặn các quảng cáo độc hại thì Disconnect là phần mềm đáng tin cậy mà bạn có thể sử dụng.

Vậy, có nên cài đặt phần mềm chống virus không?

Cơ hội để phần mềm độc hại lây nhiễm vào điện thoại của bạn là có thể, nhưng không đáng kể. Nếu bạn đủ tự tin với các thiết lập an ninh của mình, bạn không cần cài đặt ứng dụng chống virus.

Các tính năng như xóa từ xa, sao lưu đám mây, giám sát cài đặt… không phải chỉ có mặt trên các ứng dụng chống virus. Android đã có riêng ứng dụng của mình đó là Device Manager, với các chức năng theo dõi và xóa từ xa rất hiệu quả.

Có một điều khá buồn cười ở các ứng dụng chống virus trên điện thoại, đó là hầu hết chúng đều miễn phí và hỗ trợ quảng cáo. Một ứng dụng chống virus nhưng hỗ trợ quảng cáo thì chẳng khác gì một phương tiện để phát tán các phần mềm độc hại. Vì vậy, đôi khi bạn cũng phải cẩn thận ngay cả đối với các phần mềm chống virus.

Hoàng Thy

Chia sẻ bài viết