14/03/2021 - 06:42

Một số cách phòng trị dịch bệnh của người bình dân Nam Bộ thời trước 

Dịch bệnh thời nào cũng khiến cuộc sống nhân dân điêu đứng, quốc gia bị thiệt hại. Trong bài viết này, xin kể những câu chuyện về dịch bệnh được ghi trong sách sử nước ta, cũng như một số cách phòng bệnh của người bình dân thuở trước. Tất nhiên với góc nhìn khoa học ngày nay, có điều đúng, có điều cần kiểm chứng; từ đó cho thấy dân gian đã rút ra những kinh nghiệm sống quý báu từ thực tế.

Bảo tàng TP Cần Thơ tái hiện cảnh bắt mạch, hốt thuốc. Ảnh: DUY KHÔI

Bảo tàng TP Cần Thơ tái hiện cảnh bắt mạch, hốt thuốc. Ảnh: DUY KHÔI

Sử cũ ghi nhận, năm Canh Thìn thứ I (1820), các trấn phía Nam và phía Bắc nước ta đều tâu về triều rằng có bệnh dịch. Theo “Quốc triều chính biên toát yếu”, năm ấy bệnh dịch từ mùa thu qua mùa đông, khởi đầu từ Hà Tiên suốt đến Bắc Thành, số dân chết đến 206.835 người, đó là không kể trai, gái, già, trẻ ở ngoại tịch; những tiền chẩn cấp tất cả là hơn 730.000 quan.

Điều đáng nói là thời trước không ai định danh được một cách cụ thể là bệnh dịch gì, chỉ biết một cách rất chung chung rằng bệnh ôn dịch thường hay ói mửa. Qua tường thuật của sử sách, đến nay mỗi khi đọc lại người ta khó mà biết được đó là dịch bệnh gì. Có lẽ chính vì vậy nên các thầy thuốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc chữa trị. Một trong những trận dịch đầu tiên mà sách “Gia Định thành thông chí” ghi nhận ngay từ thời mở cõi: “Đêm ngày 26 tháng ấy (tháng 4 năm Canh Thìn, 1700) gió mưa tầm tã, nơi đầu cù lao (nay là cù lao Đôi, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - NV) bị lở có tiếng vang như sấm lớn, đêm ấy ông (Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - NV) nằm mộng thấy một người cao lớn mặc áo gấm, tay cầm cái búa vàng, mặt như xoa phấn đỏ, râu mày bạc trắng, đến trước bảo rằng: “Tướng quân nên kéo quân về cho sớm, không nên ở lâu nơi ác địa này”. Ông thức dậy, có vẻ lo buồn, nhưng vì việc biên cảnh chưa thành, dư đảng giặc còn núp trong rừng núi, trong lúc trù trừ chưa định, ba quân bị phát bịnh dịch mà ông cũng nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày tiết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch - NV) ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khuyến lạo tướng sĩ rồi bị trúng phong và thổ huyết, bịnh tình lần lần trầm trọng. Ngày 14 ông kéo binh về, ngày 16 đến Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho - NV) rồi mất”.

Chuyện cách nay đã trên 300 năm. Thuở ấy nhờ những phương thức điều trị truyền thống, dịch bệnh rồi cũng được dập tắt. Nhà dân tộc học người Pháp, ông Léopold Cadière có ghi lại những biện pháp xua phòng dịch tả trong cuốn sách “Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt”: Người dân kết lá đủng đỉnh vào nón và như thế họ thường xuyên được che chở, bảo hộ nhờ cây này. Theo cách giải thích của dân gian: lá đủng đỉnh tiết ra rất nhiều “nước nhớt”, nên ai đội nón có cột lá này, hoặc mang theo trong người thì thần dịch tả sẽ không bắt được. Dân gian còn dùng cả trái đủng đỉnh, cho rằng trái xanh có nhiều nhựa và trái chín có khá nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe. Người ta cũng treo những bó lá đủng đỉnh trong chuồng gia súc với quan niệm trừ khử những rủi ro có thể đến bất chợt cho gia súc. Cũng có người treo lá đủng đỉnh trước hiên nhà. Ngoài cây đủng đỉnh, người ta còn dùng các loại cây có gai như xương rồng, hoặc có mùi hăng như nén, hẹ, tỏi; và những loại ngải gây ngứa... treo trước cửa nhà, cho rằng đó là những vật thể có khả năng xua đuổi các bệnh tật truyền nhiễm bằng hiệu quả vật lý của chúng và đồng thời cũng xua đuổi các lực lượng gây họa vô hình.

Đôi vợ chồng già ở quận Cái Răng tìm thuốc nam để làm phước thiện trị bệnh giúp người. Ảnh: DUY KHÔI

Đôi vợ chồng già ở quận Cái Răng tìm thuốc nam để làm phước thiện trị bệnh giúp người. Ảnh: DUY KHÔI

Thời đi khai hoang mở cõi Nam Bộ, người ta tin rằng vẫn có những thế lực siêu nhiên tác động đến đời sống con người. Vì vậy, có tục lệ: hàng rào ngoài sân, ngoài vườn, đều được quét vôi, hoặc dùng vôi vẽ chữ bùa “tứ tung ngũ hoành” hay những hình thù kỳ quái, cho rằng sẽ làm các thế lực đen tối sợ, khử được tà ma dịch tả. Sau này khoa học cho biết đó là chất sát trùng.

Ở vùng sông nước Tây Nam bộ, lưu dân mang một số đồ cúng như gạo, muối và bộ tam sên, kết lá gáo hoặc lá chuối trên chiếc bè bằng cây chuối, một cách rất sơ sài, rồi mang ra giữa dòng mà thả trôi dưới sông rạch, cho rằng bọn ôn dịch sẽ bám theo ăn những thứ đồ tam sên ấy. Vậy là đã tống ôn dịch đi nơi khác! Khoảng năm Kỷ Dậu (1849) khi có dịch bệnh khởi phát, Đức Phật Thầy Tây An sau đã dập tắt được ổ dịch ở vùng Tòng Sơn (thuộc Đồng Tháp nay), rồi với chiếc xuồng bằng gỗ vông, ông ngược dòng Tiền Giang bơi riết đến Lòng Ông (cù lao Ông Chưởng). Dọc đường, nhân bắt gặp một nhóm người tin chuyện dị đoan đang xúm xít thả “tàu tống” dưới bến sông, ông liền ghé xuồng vào hỏi han, khi biết rõ nguồn cơn, động lòng từ, ông an ủi và nhận lãnh trách nhiệm cứu trị, đồng thời khuyên dạy đại ý: Có bịnh thì lo trị bịnh. Chắc gì ôn dịch chịu xuống tàu chuối ấy mà tống? Tỉ như có linh nghiệm đi nữa cũng không nên làm, vì mình tống nó đi khỏi chỗ này, tất nó phải tấp vô chỗ khác, tội nghiệp cho người ta. Thôi, để tôi lãnh hết cho... Thế là ông dựng lên một mái trại đơn sơ, bắt tay ngay vào việc trị bệnh. Phương thức trị bệnh của Đức Phật Thầy Tây An xem ra rất khoa học, bởi người bị bệnh thiên thời rất cần đến thuốc tiêu. Mà lá ổi có chất tanin làm “chặt bụng”; lá vông, bông/tim sen giúp an thần, ngủ ngon; cho uống thật nhiều nước để bù nước... Từ ấy dân gian bỏ dần tục thả tàu tống.

Ngày xưa người dân đã rất ý thức việc cách ly, nên mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, bà con tức thời đưa người già và con trẻ ra khỏi vùng dịch để tránh bị lây nhiễm. Không chỉ thế, lúc đứng bóng, trời nắng gắt; hoặc chiều, chạng vạng tối là hai thời điểm chuyển đổi thời tiết trong ngày, vì vậy đối với trẻ sơ sinh, cơ thể còn non yếu nên rất dễ bị “trúng gió” - theo khoa học là cảm. Vì thế người ta cho rằng lúc ấy con nít hoặc người đang đau yếu phải ở trong nhà. Một điều đáng lưu ý nữa là ai cũng rất quan tâm đến việc hạ thân nhiệt bằng cách ăn/uống các loại mát như dưa gang chín, hay nấu nước rễ tranh, mía lau, hoặc ngâm trái bí đao già lâu ngày trong nước lã mà uống...

Trong giao tiếp, người Việt ở Nam bộ không cung cùi chỏ ra (gọi đưa “cù loi”), bởi đó là cử chỉ miệt thị người khác. Đến chỗ đông người, lễ cúng đình chẳng hạn, người dân bao giờ cũng rất ý thức việc “Nghệ quán tẩy sở”, tức là đến thau nước lã đặt sẵn trên giá bên cột đình để rửa/lau tay và mặt cho sạch sẽ. Theo “Đại Nam điển lệ toát yếu”, lệ năm Minh Mạng thứ 17 có định rõ, các quan lại hay thường dân khi gặp nhau, tùy phẩm cấp, đều vái chào bằng cách tự bắt tay mình chứ không cầm nắm lấy tay đối tượng. Còn mỗi khi “đi xóm” người ta đều khoác thêm chiếc áo dài bên ngoài, để xem cho chỉn chu... Tất cả đều là phong tục, nhưng sao quá gần gũi với một số điểm của thông điệp 5K nhằm phòng, chống dịch COVID-19 đến thế?

Cho đến khi người Pháp đến miền Nam, lúc ấy nền y học hiện đại đã thu gặt được một số thành tựu bước đầu về vi trùng học, từ đó biết khống chế dịch bệnh thông qua các loại vaccine. Chính quyền cho chích ngừa đại trà mỗi khi có phát hiện ổ dịch, như bệnh dịch tả (do Robert Koch, người đã nhận dạng được vi trùng gây bệnh này vào năm 1883), bệnh dịch hạch (do Alexandre Yersin, một nhà khoa học gốc người Thụy Sĩ, phát hiện trực khuẩn gây bệnh năm 1893), rồi các bệnh đậu mùa, sốt rét… Chuyện tiêm chủng, lúc đầu người dân không thể không nghi ngờ, ái ngại. Sau quen dần…

NGUYỄN HỮU HIỆP

Chia sẻ bài viết