16/01/2011 - 09:08

Một số bài học về xây dựng Đảng

TRẦN VĂN KIỆT
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ

Các đảng viên Đảng bộ Văn phòng Thành ủy bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2010 - 2015. Ảnh: H. THU

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện từ năm 1930 đến nay, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH); thắng lợi trong việc bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước. Từ những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta có thể rút một số bài học quý báu sau:

Một là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh

Độc lập dân tộc và CNXH là lý tưởng, là mục tiêu chiến lược của toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam. Mục tiêu đó được đề ra ngay từ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 và được phát triển cả về nhận thức lý luận và thực tiễn trong các Cương lĩnh tiếp theo. Điều cần nhấn mạnh là, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn nội dung của độc lập dân tộc và CNXH. Độc lập dân tộc là đấu tranh giành độc lập, thống nhất hoàn toàn, là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc; là bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và con đường phát triển độc lập, tự chủ của đất nước; là bảo vệ sự ổn định chính trị và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; là giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Độc lập dân tộc và CNXH thống nhất với nhau trong mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng một xã hội do nhân dân làm chủ; đất nước có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; độc lập dân tộc và CNXH cũng thống nhất trong một xã hội không có áp bức, bất công, mọi người được sống trong tự do, ấm no, hạnh phúc và phát triển toàn diện cá nhân với đời sống ngày càng nâng cao về vật chất, tinh thần trong nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; độc lập dân tộc và CNXH thống nhất trong chính sách bình đẳng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các dân tộc, quốc gia trên thế giới.

Hai là, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Từ khi ra đời năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết hợp chặt chẽ mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc với giành chính quyền về tay nhân dân. Sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng kiểu mới, chính quyền Nhà nước thật sự là công bộc của nhân dân, phục vụ nhân dân, gánh việc chung cho dân chứ không phải là chính quyền cai trị dân như dưới thời của chế độ phong kiến, thực dân. Chính quyền nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã tổ chức công cuộc xây dựng kinh tế, kiến thiết đất nước, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân, động viên và tổ chức lực lượng của toàn dân tiến hành các cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân, đế quốc giành độc lập, thống nhất hoàn toàn và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam độc lập, xã hội chủ nghĩa.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng lãnh đạo xây dựng và không ngừng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Lãnh đạo quá trình cụ thể hóa, thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước và chính quyền các cấp, bố trí cán bộ trong bộ máy chính quyền nhà nước, kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước bảo đảm cho Nhà nước phát huy cao độ hiệu lực, hiệu quả quản lý, thực hiện đúng đắn đường lối của Đảng, lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Nhà nước không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để quản lý tốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tốt các chính sách xã hội, an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh và mở rộng quan hệ đối ngoại.

Ba là, Đảng luôn liên hệ mật thiết với dân, lấy dân làm “gốc”

Trong sự nghiệp cách mạng, nhân dân không chỉ là quần chúng cách mạng, lực lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị để làm nên những thắng lợi vẻ vang; hơn thế, nhân dân chính là mục đích phát triển của chế độ. Nói cách khác, mục đích cuối cùng, quyết định của cuộc cách mạng là nhằm phục vụ cho sự phát triển toàn diện của nhân dân. Vì thế, sự liên hệ giữa Đảng với dân là một trong những điều kiện quyết định sự tồn tại và vai trò chính trị thực tế của Đảng trong xã hội.

Đảng liên hệ mật thiết với dân, lấy dân làm gốc thể hiện ở việc cán bộ, đảng viên sống gần gũi, chia sẻ với dân; Đảng thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân; đường lối, chủ trương của Đảng bảo vệ, phát triển những lợi ích toàn diện, hợp lý của dân; dân tin tưởng, tự giác tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị do Đảng đề ra; dân trở thành hệ thống giám sát, bảo vệ Đảng, phát hiện, cảnh báo và lên án những biểu hiện sai trái trong bộ máy Đảng, Nhà nước; Đảng phải trở thành người đại diện cho quyền lợi, quyền lực của giai cấp và dân tộc. Đó cũng chính là những điều kiện rất quan trọng bảo đảm sức mạnh cũng như khả năng của Đảng trong việc đưa ra và thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ sự bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong đấu tranh giành độc lập, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Thành công nổi bật của Đảng Cộng sản Việt Nam là đề ra Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn vì lợi ích của đất nước và dân tộc. Trên cơ sở đường lối đúng đắn mà tập hợp, đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập dân tộc và CNXH. Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất phát từ nhận thức “ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân, Đảng không có mục đích nào khác”. Đại đoàn kết toàn dân tộc dựa trên nền tảng vững chắc là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đồng thời đoàn kết rộng rãi các giai cấp, tầng lớp khác, đoàn kết 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết với cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Đại đoàn kết dân tộc dựa trên cơ sở lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng, đồng thời bảo đảm lợi ích riêng của mỗi giai cấp, tầng lớp, bộ phận, cá nhân không trái với lợi ích chung của dân tộc, đất nước. Đường lối và bài học đại đoàn kết dân tộc của Đảng là sự kế thừa và phát triển truyền thống đoàn kết hình thành trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống gắn kết giữa cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xã đến cộng đồng dân tộc, quốc gia. Đại đoàn kết dân tộc cũng là nối tiếp truyền thống nhân văn, nhân ái, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của dân tộc Việt Nam. Sự kết tinh các giá trị cao cả và sâu sắc của chiến lược đại đoàn kết dân tộc trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng và dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Năm là, Đảng phải đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo

Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo Nhà nước, bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân. Xây dựng hệ thống các quy chế về sự lãnh đạo của Đảng ở các ngành, các cấp. Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không làm thay công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Sáu là, không ngừng nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng. Có được thành công đó trong lãnh đạo là nhờ Đảng không ngừng tự đổi mới và chỉnh đốn, luôn luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đảng coi trọng nâng cao trình độ trí tuệ, lý luận, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Coi trọng nghiên cứu lý luận, nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, nâng cao tầm tư duy, chiến lược, nắm bắt và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, khắc phục biểu hiện giáo điều, chủ quan, duy ý chí. Chú trọng tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam để bổ sung, phát triển và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, nhất là về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đảng không ngừng phát triển, hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng.

Đảng coi trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đảng hoạt động, lãnh đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh; đoàn kết thống nhất trong Đảng; tự phê bình và phê bình những sai lầm, khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa; gắn bó mật thiết với nhân dân và Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Chia sẻ bài viết