17/01/2022 - 20:38

Một năm khó khăn của Tổng thống Biden 

MAI QUYÊN (Theo AP)

Sau một năm nắm quyền, giới phân tích nhận định Tổng thống Joe Biden (ảnh) đạt được một số thành tựu nhưng cơ bản chưa thể giải quyết ổn thỏa hai “căn bệnh” hoành hành khắp nước Mỹ, một là đại dịch COVID-19 và hai là chủ nghĩa dân tộc.

Những kết quả đáng chú ý

Bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Biden với tham vọng “tái thiết đất nước” không có “tháng trăng mật” như đa số người tiền nhiệm. Theo đó, ông phải đối mặt 3 vấn đề cấp bách cần giải quyết là làm sao đưa nước Mỹ thoát khỏi đại dịch COVID-19, tiếp đến là hàn gắn quốc gia và vực dậy nền kinh tế.

Nhìn chung, vị tổng thống thứ 46 của xứ cờ hoa với những bước đi quyết liệt bước đầu xoa dịu được những lo âu về một nước Mỹ bất ổn do tác động của đại dịch. Một trong những thành tích nổi bật nhất trong năm đầu cầm quyền là thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỉ USD, nhờ đó người dân tiếp tục nhận được hỗ trợ của chính phủ và nền kinh tế số một thế giới bắt đầu phát đi tín hiệu khả quan.

Tháng 11-2021, Tổng thống Biden tiếp tục đạt thành tựu quan trọng khi luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỉ USD được thông qua. Ngân sách quốc phòng 777 tỉ USD cũng được phê chuẩn.

Thuận lợi nhưng còn thách thức

Tổng thống Biden đã vượt qua 2 người tiền nhiệm Barack Obama và Donald Trump khi thúc đẩy khoản đầu tư lớn nhất cho hệ thống cầu đường bị xuống cấp trong nhiều thập niên ở Mỹ. Nhưng việc chính phủ chưa có biện pháp hiệu quả để hàn gắn những “vết nứt” chính trị - xã hội khiến hành trình xây dựng lại đất nước vẫn còn khá gập ghềnh với chính trị gia 80 tuổi.

Trước mắt, dự luật biểu tượng trong chương trình nghị sự của ông Biden - kế hoạch 10 năm xây dựng lại tốt hơn với giá trị ban đầu 3.500 tỉ USD, đã bị chặn lại ở quốc hội bởi mâu thuẫn nội bộ và phản đối từ đảng Cộng hòa.

Bên cạnh đó, trong cuộc chiến chống COVID-19, ông Biden đến thời điểm hiện tại bị cho là “chưa thắng nổi” SARS-CoV-2.

So với thời kỳ đầu đại dịch bùng phát, nước Mỹ hiện được trang bị tốt hơn nhiều. Nhưng vài tháng qua, Nhà Trắng nhiều lần phải điều chỉnh chiến lược vì sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và Omicron khiến đại dịch bùng phát trở lại. Trong khi còn hàng chục triệu người Mỹ với tâm lý chống chính phủ tiếp tục từ chối tiêm chủng, nhà tư vấn chính trị Michael Dawidziak cho rằng sự thay đổi các hướng dẫn liên bang, tình trạng thiếu hụt nguồn cung bộ xét nghiệm COVID-19 trước làn sóng lây nhiễm mới đã dẫn tới sự thất vọng đối với cách xử lý đại dịch của chính quyền, đặc biệt trong đảng Cộng hòa. Ðiểm này có thể khiến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 trở nên khó khăn hơn với Tổng thống Biden và phe Dân chủ.

Trong mắt thế giới

Theo các nhà quan sát, Mỹ trông đã trở lại “bình thường” hơn nhiều khi chính quyền Tổng thống Biden dốc toàn lực xây dựng lại các cơ chế đa phương và củng cố quan hệ đồng minh rạn nứt dưới thời ông Trump. Tuy nhiên, chuyên gia Steven A. Cook cho rằng Tổng thống Biden với chính sách đối ngoại “thực dụng” có thể không đạt một số mục tiêu trong tiến trình lấy lại sự lãnh đạo của Mỹ như đã hứa, đặc biệt liên quan các chính phủ Trung Ðông. Chẳng hạn trong vấn đề nhân quyền, nhiều nhà hoạt động tuy hoan nghênh các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Nhà Trắng với Trung Quốc, nhưng lại không hài lòng thái độ của “bỏ qua” của Washington với Saudi Arabia.

Ngoài ra, cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan đã khiến hình ảnh nước Mỹ nói chung và sự ủng hộ đối với chính quyền Tổng thống Biden nói riêng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhà Trắng cũng bị chỉ trích vì sự trễ nãi trong nỗ lực đảo ngược quyết định của ông Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đưa Iran tuân thủ trở lại các điều khoản ký kết. Tổng thống Biden còn khiến các nhà hoạt động khí hậu thất vọng khi các nỗ lực hiện nay chưa thể đưa Mỹ trở thành “tấm gương” hàng đầu về chống biến đổi khí hậu như đã hứa.

Chia sẻ bài viết