10/04/2009 - 21:26

Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Một chương trình đậm tính nhân văn

Lấy máu xét nghiệm HIV ở sản phụ tại BVĐK Cái Răng.

Đầu tháng 8-2008, quận Cái Răng là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện Chương trình Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (PLTHIVMSC) ở TP Cần Thơ. Hiệu quả của dự án là làm giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con từ 30-35% xuống còn dưới 10%.

Niềm tin cho mẹ, sự sống cho bé

Một ngày giữa tháng 3-2009, chúng tôi có mặt ở khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Cái Răng. Ở hàng ghế đá, 3-4 sản phụ đang chờ sinh, người ngồi, người đi tới đi lui. Ai cũng trong tâm trạng lo lắng. Tuy nhiên, các sản phụ sẵn sàng tham gia xét nghiệm HIV. Sản phụ N.K.L, ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tôi được các y, bác sĩ bệnh viện tư vấn nên làm xét nghiệm HIV. Tôi đồng ý vì nếu kết quả không nhiễm HIV thì đây là dịp để kiểm tra sức khỏe, tư vấn kiến thức về HIV, đâu tốn kém gì; nếu nhiễm HIV, thì tôi cũng được điều trị dự phòng miễn phí, làm giảm khả năng nhiễm HIV từ mẹ sang con”.

Quận Cái Răng bắt đầu triển khai Chương trình PLTHIVMSC từ tháng 8-2008. Y tá Hồ Nhật Uyên Nhi, BVĐK Cái Răng, cho biết: “Ban đầu, khi mới triển khai chương trình, các bà mẹ mang thai và các sản phụ sắp sinh còn e ngại. Các trường hợp không đồng ý lấy máu xét nghiệm thì chúng tôi phát tờ rơi cho họ suy nghĩ thêm. Khi tư vấn, chúng tôi khơi gợi tình mẫu tử, lợi ích của xét nghiệm tự nguyện. Nhờ vậy, càng về sau, số người chấp nhận xét nghiệm HIV càng cao, gần đây tỷ lệ xấp xỉ đạt khoảng 100%”. Tính từ tháng 8-2008 đến tháng 2-2009, tại BVĐK Cái Răng đã khám thai cho 172 thai phụ, sản phụ, trong đó, tư vấn và lấy máu xét nghiệm HIV cho 145 trường hợp.

Trong 145 người xét nghiệm, phát hiện một người dương tính với HIV khi đang mang thai tháng thứ 7. Sau khi phát hiện, các bác sĩ cấp thuốc dự phòng miễn phí cho người mẹ. Bác sĩ cũng tư vấn cho gia đình bà mẹ cách phòng tránh lây nhiễm HIV, cách sinh hoạt, dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ. Đồng thời động viên về mặt tinh thần. Được gia đình, các y bác sĩ quan tâm, chăm sóc nên người mẹ dần ổn định tâm lý và sức khỏe. Em bé sinh ra được 3,3kg. Vừa sinh ra, em bé được uống si rô dự phòng lây truyền HIV và cấp sữa ăn thay thế sữa mẹ. Ba tháng sau khi sinh, nhờ được chăm sóc tốt nên em bé đã được hơn 6kg. Bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm, Phó giám đốc BVĐK Cái Răng, cho biết: “Về lý thuyết, nếu mẹ nhiễm HIV không tham gia chương trình điều trị PLTHIVMSC thì tỷ lệ con bị lây nhiễm HIV từ mẹ khoảng từ 30-35%. Nếu mẹ được điều trị dự phòng thì tỷ lệ mẹ truyền HIV cho con giảm xuống còn dưới 10%. Tức là các bà mẹ vẫn còn hy vọng sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Chúng tôi chưa khẳng định được em bé này có nhiễm HIV từ mẹ hay không? Khi em bé đủ 18 tháng tuổi làm xét nghiệm mới khẳng định được, nhưng chúng tôi luôn hy vọng bé không nhiễm HIV”.

Trước đây, khi chưa có chương trình PLTHIVMSC, BVĐK Cái Răng chỉ xét nghiệm HIV cho các trường hợp chuyển dạ là đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao. Tuy nhiên, sản phụ phải đóng tiền xét nghiệm. Từ tháng 8-2008 đến nay, không chỉ các sản phụ đến khám thai và sinh ở BVĐK Cái Răng mà cả các sản phụ đến khám thai và sinh ở các trạm y tế trên địa bàn quận cũng được tư vấn, lấy máu xét nghiệm HIV. Sau khi lấy mẫu máu, trạm y tế sẽ chuyển về Trung tâm Y tế dự phòng quận Cái Răng xét nghiệm.

Nhân rộng toàn TP Cần Thơ

Số trẻ nhiễm HIV dưới 15 tuổi đang quản lý tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ là 79 trẻ. Tuy nhiên, chưa thể xác định cụ thể ở TP Cần Thơ có bao nhiêu trẻ nhiễm HIV từ mẹ trong quá trình mang thai. Qua điều tra trọng điểm tại BVĐK TP Cần Thơ, năm 2008, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV là 0,8%. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm HIV ở trẻ em dưới 15 tuổi và 99% trẻ lây nhiễm HIV từ nguyên nhân này là do không được điều trị PLTHIVMSC. Bác sĩ Lại Kim Anh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Cần Thơ, cho biết: Tỷ lệ 0,8% phụ nữ mang thai nhiễm HIV rất đáng báo động, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng triển khai các chương trình PLTHIVMSC trên toàn địa bàn TP Cần Thơ để giới hạn số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV.

Từ ngày 1-3-2009, chương trình PLTHIVMSC triển khai ở BVĐK TP Cần Thơ. Kết quả thực hiện đến ngày 31-3-2009 rất đáng khích lệ. Trong tháng đầu tiên triển khai, có 184 trường hợp tham gia tư vấn và xét nghiệm tự nguyện HIV. Trong đó, phát hiện 2 trường hợp dương tính với HIV. Thời gian tới, chương trình PLTHIVMSC sẽ triển khai thêm ở quận Ô Môn. Khi triển khai thêm ở quận Ô Môn thì chương trình gần như phủ rộng toàn TP Cần Thơ. Điểm đặt tại BVĐK Cái Răng sẽ chịu trách nhiệm thực hiện vừa quận Cái Răng và huyện Phong Điền; BVĐK TP Cần Thơ chịu trách nhiệm ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy; BVĐK Ô Môn sẽ chịu trách nhiệm các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ. Bác sĩ Lại Kim Anh nói: “Đây là một chương trình mang tính nhân văn rất cao. Vì vậy, tôi rất mong các đơn vị quan tâm thực hiện, góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Trung tâm đã làm công văn giới thiệu dịch vụ PLTHIVMSC đến các cơ sở y tế, phòng khám thai để khi họ phát hiện phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm HIV cao thì chuyển đến Trung tâm Y tế dự phòng quận Cái Răng hoặc BVĐKTP Cần Thơ hướng dẫn điều trị”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Qui trình xét nghiệm HIV đối với phụ nữ mang thai như sau: Người mẹ đang mang thai mà test nhanh kết quả dương tính (+) với HIV thì mẫu máu của người mẹ sẽ được chuyển Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ xét nghiệm, khẳng định chắc chắn có nhiễm HIV hay không. Nếu nhiễm, khi thai được 28 tuần tuổi, người mẹ chuyển sang dùng thuốc điều trị kháng virus.

Nếu khi người mẹ sắp sinh (sắp chuyển dạ), mới phát hiện bị nhiễm HIV thì người mẹ sẽ được uống 1 liều thuốc kháng virus, em bé cũng được uống sirô AZT (phòng lây truyền từ mẹ sang con) trong vòng 24 giờ sau sinh. Sau đó, mẫu máu của mẹ tiếp tục được xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm (-) thì thôi, nhưng nếu (+), cán bộ y tế tiếp tục theo dõi bà mẹ, 3 tháng sau sẽ xét nghiệm lại. Nếu kết quả (+) thì mẹ được chuyển về phòng khám ngoại trú người lớn, em bé được chuyển sang phòng khám ngoại trú nhi tiếp tục theo dõi điều trị. Em bé ngưng không bú mẹ mà dùng sữa ăn thay thế (do dự án cấp miễn phí). Hiện nay, dự án cung cấp miễn phí xét nghiệm HIV, sữa ăn thay thế và thuốc điều trị.

Theo các bác sĩ, nếu sản phụ phát hiện nhiễm HIV sớm và được điều trị dự phòng từ tuần thứ 28 thì hiệu quả dự phòng cho con cao hơn khi sắp sinh mới phát hiện nhiễm HIV.


Chia sẻ bài viết