10/03/2020 - 21:56

Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ!

Ngày 9-3-2020, Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ ban hành Công văn số 2015-CV/BTGTU (Công văn 2015) về “Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phòng chống dịch bệnh COVID-19”. Trên cơ sở xác định “phải tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống dịch bệnh, tiếp tục xác định công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gây ra là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cấp bách, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các địa phương cơ quan, đơn vị và cả hệ thống chính trị thành phố”, Công văn 2015 đã đề ra nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng và các cấp, các ngành, nhân dân thành phố cần tập trung thực hiện khi dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đã chuyển hướng sang một giai đoạn mới - khó khăn hơn, phức tạp hơn. Trong đó, một trong những yêu cầu được đề ra là “làm cho từng người dân thực sự là một chiến sĩ trong công tác phòng chống dịch bệnh, hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất”.

Với tinh thần chống dịch như chống giặc, và đặc biệt là kể từ khi nước ta phát hiện ca nhiễm COVID-19 thứ 17 vào ngày 6-3-2020 đến nay (khi số ca nhiễm đã lên đến con số 34, tính đến chiều ngày 10-3) thì tinh thần “toàn dân chống giặc”, “không ai đứng ngoài cuộc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ” thực sự là một yêu cầu cấp thiết hàng đầu, một nhân tố có tính quyết định đến thắng lợi sau cùng trong cuộc chiến với giặc COVID-19. Mỗi “người dân - chiến sĩ” cùng với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành y tế và cả xã hội sẽ tạo ra một hợp lực, một sức “đề kháng xã hội” để ngăn ngừa tiến tới đẩy lùi COVID-19. Vậy mỗi người dân trên mặt trận chống COVID-19 cần làm gì để thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm “chiến sĩ” của mình?

Trước hết, mỗi “người dân - chiến sĩ” nên thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin trên các trang thông tin chính thống của Bộ Y tế, của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 để nắm bắt kịp thời, chính xác, đầy đủ tình hình dịch bệnh và những chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng về các yêu cầu, giải pháp phòng chống theo từng giai đoạn diễn biến của dịch. Chỉ trên cơ sở hiểu biết, nắm bắt, nhận thức đầy đủ và kịp thời thì mỗi người dân mới có thể tự thực hiện tốt các phương cách chủ động phòng chống dịch bệnh để trước hết bảo vệ cho mình, đồng thời cũng là bảo vệ cho người thân trong gia đình, cho những người xung quanh nơi mình ở, nơi mình làm việc.

Mỗi “người dân - chiến sĩ”, với niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, vào nỗ lực các cơ quan, ban, ngành, lực lượng vũ trang từ Trung ương đến cơ sở hãy trở thành một tuyên truyền viên tích cực trong việc góp phần tuyên truyền những thông tin cần thiết, kịp thời, chính xác, có trách nhiệm về cách thức phòng chống dịch bệnh trong gia đình, trong cộng đồng. Điều quan trọng mà mỗi “người dân - chiến sĩ” cần làm hiện nay là tự tuyên truyền và tuyên truyền làm sao để chính mình và những người xung quanh mình không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang, lo sợ trước những diễn biến mới của dịch COVID-19. Chỉ có như thế mới có thể củng cố và tăng cường sự bình tĩnh, niềm tin chiến thắng dịch bệnh trong mỗi người dân, giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan chức năng nếu phải “chiến đấu” bên nỗi âu lo, hoảng sợ của nhiều người trong xã hội.

Virus gây dịch COVID-19 được ví như một “bóng ma” đáng sợ. Nhưng còn có một thứ đáng sợ hơn chính là dòng áp lũ của những thông tin sai lệch, thông tin bất lợi, thông tin xuyên tạc, tin giả (fake news) liên quan đến tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch Covid -19 trên mạng xã hội. Đến nỗi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải sử dụng một thuật ngữ mới là “infodemic” - tạm dịch là “đại dịch thông tin” - để nói về tình trạng thông tin thật giả lẫn lộn tràn ngập trên mạng xã hội, khiến cho nhiều người không còn biết đâu là những nguồn thông tin, chỉ dẫn tin cậy; khiến cho nhiều người lo sợ quá mức, làm gia tăng  bản năng thích loan truyền tin đồn và đáng lo hơn là nhiều người vì thấm quá nhiều fake news dẫn đến nghi ngờ, không tin vào cả những nguồn chính thống! Trước tình hình này, mỗi “người dân - chiến sĩ” cần thường xuyên tham khảo thông tin dịch bệnh từ những nguồn chính thống, đặc biệt là trang thông tin của Bộ Y tế; hãy thật bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin qua internet; hãy nâng cao nhân thức, trình độ để suy xét, phân biệt, nhận diện đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai. Và quan trọng hơn, không nên hào hứng chia sẻ, bình luận thông qua các trang mạng xã hội khi chưa xác định tính chân thật, tính khách quan của thông tin mà mình nhận được!

Dịch COVID-19 đã, đang và còn tiếp tục là mối đe dọa, là nguy cơ to lớn về nhiều mặt đối với xã hội và nhiều người trên phạm vi toàn thế giới. Song, mối đe dọa và nguy cơ này cũng đã vô tình tạo ra một phép thử đối với năng lực lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức, thái độ, trách nhiệm của mỗi người dân đối với đất nước; tạo điều kiện củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Yêu thương, nhân ái, đoàn kết, đồng lòng là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được thể hiện rõ nhất mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn, thử thách. Khi mỗi người dân thật sự là một chiến sĩ, chúng ta sẽ tạo ra được một “sức đề kháng tinh thần” của cả dân tộc Việt Nam để sớm ngăn chặn, đẩy lùi và chiến thắng giặc COVID-19.

SONG GIA

Chia sẻ bài viết