14/11/2011 - 09:42

Mở rộng thị trường Hàn Quốc

Trong chuyến thăm Hàn Quốc vừa kết thúc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo hai nước đã nhất trí mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỉ USD trước năm 2015 và phấn đấu lên 30 tỉ USD những năm tiếp theo trên tinh thần giảm dần và hướng tới cân bằng cán cân thương mại giữa ta và nước bạn.

Thị trường giày dép tại Thủ đô Seoul. Ảnh: Travelpod 

Năm 2010, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 12,85 tỉ USD, tăng 42,7% so với năm 2009, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 3,09 tỉ USD, tăng 49,8% và nhập khẩu từ Hàn Quốc 9,76 tỉ USD, tăng 40,6%. Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng mạnh, đạt 12,7 tỉ USD, tăng 44,5% so với cùng kỳ, trong đó đặc biệt xuất khẩu của ta vào Hàn Quốc đạt 3,4 tỉ USD, tăng tới 72% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang nước bạn là dầu thô, dệt may, thủy sản, xơ và sợ dệt các loại, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép, máy móc thiết bị, khoáng sản, sắt thép các loại...

Số liệu trên cho thấy Việt Nam đang ở thế nhập siêu lớn trước Hàn Quốc, nhưng đang có dấu hiệu giảm dần. Năm qua, ta nhập siêu từ xứ sở kim chi 6,67 tỉ USD và trong 9 tháng đầu năm nay là 5,7 tỉ USD. Tình trạng nhập siêu của Việt Nam chủ yếu do nhu cầu nguyên phụ liệu cần thiết phục vụ sản xuất, nhưng phía bạn cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa nước ta nhập vào Hàn Quốc để giảm dần nhập siêu và hướng tới cân bằng thương mại. Các chuyên gia cho biết hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc gặp phải 3 rào cản chính là pháp luật, kỹ thuật và văn hóa. Yếu tố văn hóa là trở ngại lớn nhất, bởi người dân xứ Hàn có tinh thần dân tộc rất cao, nên họ chuộng sử dụng hàng nội địa hơn hàng ngoại. Hàng rào kỹ thuật cũng gây khó khăn lớn cho hàng hóa của nước ta, vì đây là một trong những hình thức bảo hộ mậu dịch.

Tuy nhiên, ở góc độ văn hóa, những loại hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng thâm nhập và mở rộng tại thị trường Hàn Quốc, trong đó đặc biệt là dệt may, thủy sản, nông sản, cà phê. Chất lượng và an toàn là yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng Hàn Quốc và Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện đáp ứng đòi hỏi này. Hàn Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản, thực phẩm chế biến lớn trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới với kim ngạch khoảng 20 tỉ USD, chiếm tới 75% tổng tiêu dùng thực phẩm tại nước này. Còn sản lượng khai thác thủy sản của Hàn Quốc trong những năm gần đây liên tục giảm, trong khi nhu cầu tiêu thụ có xu hướng tăng, nhất là vào thời điểm Seoul hạn chế nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản. Thị trường Hàn Quốc đặc biệt ưa thích các sản phẩm tôm, cua, cá tra - ba sa, nghêu sò.

Việt Nam và Hàn Quốc đã bắt đầu đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương nhằm phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 30-40 tỉ USD, nên đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ tìm chỗ đứng ở thị trường này trước khi phát triển mở rộng. Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 15 thế giới tính theo GDP trị giá 1.423 tỉ USD và thứ 12 thế giới tính theo sức mua ngang giá (PPP) bình quân trên đầu người 30.200 USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2010 của Hàn Quốc gần 418 tỉ USD, trong đó chủ yếu là máy móc, điện tử và thiết bị điện tử, dầu thô, sắt thép, thiết bị vận tải, hóa chất hữu cơ, nhựa. Các bạn hàng của nước này chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Arabie Séoudite, Úc.

PHÚC NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết