07/05/2016 - 15:23

Mở rộng liên kết, hợp tác để hỗ trợ doanh nghiệp

 

Đó là một trong những mục tiêu lớn mà Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) đặt ra trong quá trình hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hội viên. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực CBA, kiêm Tổng Thư ký CBA cho rằng, DN đang đứng trước một tương lai cạnh tranh không cân sức, vì vậy cần sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi.

* Năm 2016, mục tiêu cụ thể mà CBA muốn thực hiện là gì, thưa bà?

- Phương châm hoạt động của CBA là "Liên kết để chia sẻ; Hợp tác để thành công". Xuyên suốt trong quá trình hoạt động từ ngày thành lập đến nay, CBA đều tập trung vào phương châm này. Đại hội toàn thể hội viên nhiệm kỳ IV (2016-2020) vừa qua đã thể hiện ý chí đổi mới và tập hợp tâm, trí, lực của Ban Chấp hành để nâng cao công tác hội viên và tăng cường hiệu quả hoạt động của CBA. Năm 2016, mục tiêu quan trọng nhất của CBA là tăng cường hoạt động hỗ trợ hội viên sao cho sát hợp với yêu cầu; đồng thời tập hợp các DN chưa là hội viên để hiểu họ nhiều hơn. Qua đó, giúp họ thấy được những lợi ích của việc liên kết và chia sẻ. Trong một thị trường toàn cầu hóa như hiện nay, DN đơn lẻ sẽ khó cạnh tranh và phát triển bền vững. Trong thời gian hoạt động vừa qua, CBA đã thực hiện tích cực vai trò cầu nối giữa DN với chính quyền, luôn luôn đề đạt nguyện vọng, kiến nghị, chuyển tiếp khiếu nại của hội viên và DN lên các cơ quan thẩm quyền để tìm biện pháp giải quyết.

Mục tiêu thứ hai là hoạt động chính của chúng tôi từ lúc thành lập, đó là nâng cao năng lực kinh doanh của DN. Năm 2016, ngoài các DN đang hoạt động, CBA có mối quan tâm đặc biệt đối với các DN mới hoặc đang khởi nghiệp. Nếu không có một nền tảng kiến thức kinh doanh vững vàng, DN khó thể điều hành thành công hoạt động của công ty, nhất là các công ty mới thành lập, doanh nhân trẻ mới khởi nghiệp. Trong năm 2016, ngoài các chương trình đào tạo thường xuyên, CBA thực hiện chương trình "Thay đổi tư duy lãnh đạo của DN nhỏ và vừa để cạnh tranh và phát triển bền vững" do Chính phủ Úc tài trợ thông qua Quỹ Châu Á (The Asia Foundation). Đồng thời, CBA cũng tiếp nhận nguồn tài trợ của Chính phủ Phần Lan qua dự án IPP để thực hiện chương trình đổi mới và sáng tạo cho DN, đặc biệt thực hiện phong trào khởi nghiệp tại địa phương.

Mục tiêu thứ ba là tiếp tục mở rộng liên kết, hợp tác với các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước để làm phong phú và hiệu quả hơn hoạt động của CBA. Mục tiêu này là sự tiếp nối hoạt động của các nhiệm kỳ trước, khi lần đầu tiên CBA có sáng kiến tổ chức một chương trình hợp tác các hiệp hội DN năm 2006 với 4 hiệp hội tham gia. Hiện nay, chương trình này được mang tên Chương trình liên kết, hợp tác giữa các Hiệp hội DN các tỉnh thành phía Nam, với sự tham gia chính thức của 19 hiệp hội DN các miền: miền Tây Nam bộ, miền Trung Tây nguyên và TP. HCM.

Dây chuyền sản xuất nước ép trái cây tại Công ty cổ phần Vườn Trái Cửu Long, khu Công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy. Ảnh: MỸ THANH

* Trước áp lực cạnh tranh toàn cầu, DN hoạt động đơn lẻ sẽ gặp nhiều bất lợi. Theo bà, DN Cần Thơ đang ở vị trí nào trên bản đồ cạnh tranh?

- Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, DN trong nước mở rộng tầm nhìn, học tập được nhiều hơn về kinh nghiệm quản lý và kiến thức kinh doanh; tiếp nhận công nghệ và thông tin trên thế giới để bổ sung, hoàn thiện công việc kinh doanh. DN Cần Thơ cũng vậy, dù đang ở trong một điều kiện thị trường kém sôi động và cạnh tranh thua TP HCM. Một điều thiệt thòi cho DN là do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố lịch sử, kinh tế, DN Việt Nam, hay nói riêng là DN Cần Thơ yếu về nhiều mặt: nhân lực, tài lực, công nghệ, kỹ năng quản lý… Việt Nam thực hiện kinh tế thị trường sau các nước khác, nền hành chánh của ta cũng đang trên đường hoàn chỉnh nên môi trường pháp lý cũng chưa đảm bảo cho DN kinh doanh thuận lợi. Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua lại làm DN mất đi nhiều nguồn lực và cơ hội phát triển. Những công ty hiện nay đang hoạt động cũng mới được phục hồi. Khó khăn còn ở phía trước. Tất cả đều đang nỗ lực để vươn lên. Còn đứng ở đâu trong vị trí nào trong bản đồ cạnh tranh toàn cầu thì DN nào cũng có thể tự nhận biết.

* Như vậy, để hỗ trợ DN hội viên nâng cao năng lực quản trị và hội nhập, CBA sẽ đột phá vào vấn đề nào, thưa bà?

- Năm 2016, CBA thực hiện chương trình "Thay đổi tư duy lãnh đạo của DN nhỏ và vừa để cạnh tranh và phát triển bền vững" do Chính phủ Úc tài trợ thông qua Quỹ Châu Á, CBA đã thiết kế chương trình theo thực tế ghi nhận tình hình DN qua một cuộc khảo sát. Chương trình đào tạo này nhằm bổ sung những điểm còn thiếu hoặc yếu mà DN đã bộc lộ, trên cơ sở một nền tảng kiến thức đi từ thấp đến cao. Từ trước đến nay, các chương trình đào tạo quản trị kinh doanh đều được thiết kế theo cơ sở lý thuyết học thuật với các chủ đề kinh điển. Chương trình do CBA thực hiện lần này xuất phát từ thực tế sinh động dựa trên nhu cầu của DN, được chuẩn hóa từ kinh nghiệm của Quỹ Châu Á để cấu trúc và hoàn thiện chương trình. Điều quan trọng mà CBA mong muốn là "thay đổi tư duy lãnh đạo" vì nói như một chuyên gia trong buổi Hội thảo giới thiệu Dự án ngày 12-4-2016 tại Cần Thơ vừa qua: "Con đường Sài Gòn - Cần Thơ nay chỉ đi khoảng 3 tiếng đồng hồ, nhưng nếu tư duy lãnh đạo của DN vẫn như trước đây- tức từ Cần Thơ đi Sài Gòn mất 6-7 tiếng thì khó cạnh tranh và phát triển...". Kinh doanh trong thời đại kinh tế tri thức không thể thiếu kiến thức và kỹ năng. Nếu không tư duy đúng e rằng DN cũng chỉ "lây lất qua ngày" như từ xưa tới nay.

* Đồng hành cùng DN, chia sẻ khó khăn với DN và là cầu nối giữa DN với chính quyền địa phương, CBA sẽ kiến nghị những vấn đề gì với Chính phủ và chính quyền thành phố, thưa bà?

- DN đang đứng trước một tương lai cạnh tranh không cân sức. Vì vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi và ít thay đổi luôn luôn là mong ước của tất cả DN. Trong cuộc gặp của Thủ tướng với DN ngày 29-4-2016 vừa qua, nhiều ý kiến của DN được đề đạt lên Thủ tướng và mong được sự giải quyết kịp thời của Thủ tướng, cùng các Bộ để DN có một môi trường kinh doanh thông thoáng so với các nước khác trong khu vực và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh hội nhập. Các vấn đề về lãi suất ngân hàng, về chi phí bảo hiểm xã hội, về thuế, về thủ tục hành chính, về quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật, về giấy phép con, các quy định giờ làm việc theo Luật Lao động… là những vấn đề tồn tại từ lâu, nhưng vẫn còn là rào cản hoạt động của DN. Chúng tôi nghĩ rằng sự thay đổi cũng cần thời gian, nhưng nếu quy định nào đã tốt rồi thì nên giữ nguyên, đừng thay đổi. Sự thay đổi liên tục khiến DN mệt nhoài khi cập nhật và điều chỉnh kế hoạch hoạt động để tuân thủ.

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có sự phân cấp, phân quyền cho địa phương quyết định và cấp phép trong các lĩnh vực mà địa phương có thể quản lý và hiểu rõ thay vì tập trung về Trung ương sẽ làm mất nhiều chi phí, thời gian và cả cơ hội của DN. Trong các quy định của pháp luật hiện nay, nhiều quy định cần được điều chỉnh để sát hợp hơn với tình hình thực tế kinh doanh. Trong khi thực hiện các cơ quan địa phương cũng nhận biết vấn đề này. Chúng tôi hy vọng địa phương sẽ giúp DN kiến nghị Trung ương điều chỉnh, sửa đổi những bất cập này cùng với DN. CBA cũng mong được chính quyền hỗ trợ nhiều hơn các hoạt động của CBA để giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình, cũng là đóng góp cho sự phát triển của thành phố Cần Thơ.

* Cảm ơn bà!

Thu Hà (thực hiện)

Chia sẻ bài viết