28/08/2018 - 21:28

Mở lối cho nông nghiệp đồng bằng 

Theo đánh giá của các nhà khoa học, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đang đối mặt với hàng loạt thách thức do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nhiều yếu tố bất lợi tác động đã làm cho sản xuất nông nghiệp của vùng ngày càng kém bền vững, giảm thiểu khả năng cạnh tranh của những sản phẩm chủ lực. Vì vậy, những cơ hội và thách thức của vùng cần được nhận diện để đưa ra hướng thích ứng phù hợp nhằm tái cơ cấu và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập.

Nhiều tiềm năng nhưng dễ tổn thương

Đó là đánh giá chung của các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu về ĐBSCL trong nhiều năm qua. ĐBSCL được xác định là vùng đất rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên. Các hiện tượng bất thường của thời tiết đã tác động đến nhiều lĩnh vực cuộc sống. Trong đó, ĐBSCL là vùng đất thấp, ven biển của Việt Nam là khu vực bị tác hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống, sản xuất nông nghiệp mà còn tác động trực tiếp đến chất lượng nông sản sau thu hoạch cũng như vấn đề an ninh lương thực. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ, có 3 yếu tố tác động đến ĐBSCL là biến đổi khí hậu, khai thác nước thượng nguồn và canh tác cường độ cao. Việc canh tác cường độ cao là nhờ phát triển hệ thống đê bao tương đối ổn định, từ canh tác 1 vụ lúa/năm lên 3 vụ/năm hoặc 2 năm 7 vụ. Tuy nhiên, khi năng suất tăng cao cũng đồng nghĩa với việc phải đổ vào đó lượng phân bón hóa chất tương ứng. Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự đoán, tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ bị khai thác quá mức, việc thâm canh, tăng vụ trồng trọt với cường độ cao của vùng cũng góp phần làm cho vấn đề trở nên gay gắt hơn.

ĐBSCL có nhiều điều kiện để sản xuất các loại rau quả phục vụ nội địa và xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất rau thủy canh theo công nghệ Israel tại TP Cần Thơ.

ĐBSCL đóng góp 50% sản lượng lúa gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây các loại và ngành trồng trọt, nuôi trồng thủy sản có nhiều cơ hội để phát triển. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, ngành sản xuất và chế biến rau quả ở ĐBSCL có nhiều thuận lợi nhờ sản lượng lớn nên dễ thương mại hóa; đa dạng về chủng loại và rải vụ quanh năm thuận lợi cho hoạt động chế biến; nhu cầu tiêu thụ trong nước mạnh; có sự quan tâm lớn của nhà nước về quy hoạch để phát triển. Việt Nam đã ký kết và đang thực hiện một số hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các nước để mở rộng thị trường nông sản đối với lúa gạo và rau quả. Tuy nhiên, những hạn chế của ngành là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nông dân còn nghèo nên khả năng đầu tư thấp nên khó áp dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa. Chi phí giá thành sản xuất cao. Chất lượng sản phẩm cao nhưng không đồng nhất, sản lượng không đáp ứng yêu cầu. Các mối liên kết trong chuỗi cung ứng chưa chặt chẽ, khó quản lý chất lượng. Công nghệ bảo quản và chế biến còn lạc hậu, manh mún, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Thay đổi tư duy sản xuất

Theo các nhà khoa học, những tổn thương của vùng ĐBSCL là tất yếu nhưng cần có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn những tổn thương này diễn tiến đến mức nghiêm trọng. Nhiều tổ chức quốc tế đã nhận thấy ĐBSCL là 1 trong số 3 đồng bằng bị tác động nặng nề nhất trên thế giới và nhiều tổ chức, chương trình nước ngoài đã đầu tư nghiên cứu, hỗ trợ ĐBSCL. Đây là cơ hội lớn cho ĐBSCL để chuyển hóa sự tổn thương sang hướng phát triển bền vững hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Các chương trình, tổ chức nước ngoài nghiên cứu về ĐBSCL cùng với việc chủ trương của Nhà nước về ĐBSCL đã có cái nhìn mới là cơ hội để sắp xếp lại hệ thống cây trồng ở ĐBSCL. Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL là sự nghiệp của cả nước, đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, sản xuất thân thiện với môi trường, thuận thiên, không can thiệp thô bạo vào ĐBSCL. Như vậy, đây là những cơ hội để tổ chức, sắp xếp lại hệ thống sản xuất cây trồng có hiệu quả và bền vững hơn ở ĐBSCL. Nhưng thách thức lớn hiện nay cần giải quyết là: Sản xuất lúa 2 vụ/năm phải chắc chắn bền vững hơn, sử dụng ít nước hơn nhưng phải đạt giá trị kinh tế cao hơn 3 vụ/năm và phải thực hiện việc cơ giới hóa đồng bộ cây màu (cây trồng luân canh lúa) để giảm chi phí sản xuất, tạo sức cạnh tranh với sản xuất ngoại nhập.

Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, cho rằng: Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cho một số loại rau quả chủ lực và có thị trường xuất khẩu, ứng dụng phương pháp sản xuất tiên tiến, thực hành sản xuất theo GAP để đảm bảo chất lượng của lúa gạo và rau quả tại thời điểm thu hoạch. Tiếp tục xây dựng, củng cố các chuỗi liên kết từ sản xuất đến thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến và phân phối đến tiêu thụ của một số loại rau quả chủ lực của vùng, đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của các thị trường trong nước và xuất khẩu. Phối hợp nghiên cứu, khuyến khích hỗ trợ đầu tư các nhà cơ chế, đóng gói tại các địa bàn sản xuất tập trung, ứng dụng các quy trình công nghệ và thiết bị trong làm sạch, phân loại sơ chế, xử lý và bảo quản để kéo dài thời gian bảo quản và mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số loại rau ăn lá, rau ăn trái, một số loại trái cây chủ lực, đặc sản của vùng ĐBSCL. Xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho các loại nông sản, rau quả chủ lực.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết