06/07/2020 - 10:50

Mô hình trồng cây ăn trái hút lao động 

Hơn chục năm trở lại đây, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều nông hộ mạnh dạn chuyển đất trồng lúa cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây ăn trái lâu năm, có giá trị kinh tế cao. Qua đó, mô hình này trở thành thế mạnh về kinh tế của xã và còn là kênh giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ rất hiệu quả.

Lao động ở xã Thới Hưng bao trái xoài chuẩn bị giao cho thương lái. 

Giới thiệu với chúng tôi khu vườn cây ăn trái rộng 1,2ha, đã hơn 2 năm tuổi, xanh mướt mắt, ông Ngô Phước Hậu, ngụ ấp 3, xã Thới Hưng huyện Cờ Ðỏ cho biết: “Hiện nay, xung quanh đây không còn mấy hộ làm lúa, nông dân lên vườn gần hết rồi. Trước đây, 12 công đất này cũng là đất lúa, mỗi năm làm 3 vụ nhưng cho hiệu quả kinh tế không cao. Hơn 5 năm trước, tôi lên 1 công đất vườn trồng  thử 100 gốc xoài cát Hòa Lộc, thấy xoài phát triển tốt, sau 3 năm bắt đầu cho trái, mang lại hiệu quả kinh tế khá nên tôi tiếp tục cải tạo đất, trồng 200 gốc mít Thái, 600 gốc mãng cầu xiêm, năm nay cũng bắt đầu cho trái chiếng. Mấy tháng trước, tôi mới trồng thêm 200 gốc xoài cát Hòa Lộc và 20 gốc sầu riêng”. Chọn cây ăn trái lâu năm, ít công chăm sóc nhưng vì có nhiều loại cây nên vợ chồng ông Hậu gần như làm việc miệt mài suốt ngày ngoài vườn. Ðến kỳ bao trái cho xoài, mãng cầu hay thu hoạch, vận chuyển trái cây, tỉa cành, tạo tán lại cho cây ông phải thuê thêm lao động.

Còn anh Huỳnh Hữu Lộc, thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Lộc Hưng, ở ấp 8, xã Thới Hưng trước đây có 3,2ha đất ruộng trồng lúa. Hơn 10 năm trước, anh đã bắt đầu manh nha chuyển đổi cơ cấu cây trồng vì thấy hiệu quả kinh tế từ cây lúa không bằng cây xoài. Ðầu tư theo kiểu cuốn chiếu, đến nay, tổng diện tích 3,2ha đất đã được chuyển hết thành vườn cây ăn trái với gần 1.000 gốc xoài cát Hòa Lộc và xoài Ðài Loan với nhiều độ tuổi khác nhau. Ngoài lao động trong gia đình, những đợt cắt cành, tạo tán, xử lý ra hoa hay đặc biệt là công đoạn bao xoài và hái trái, anh Lộc thuê thêm 4-5 lao động, có lúc đến hơn 10 lao động phụ tiếp, với giá tiền công 200.000-250.000 đồng/người/ngày.

Năm 2015, diện tích trồng cây ăn trái của xã Thới Hưng là 1.149ha, đến đầu năm 2020, xã có 2.714 hộ trồng cây ăn trái với tổng diện tích 3.359ha. Xã Thới Hưng hiện có 3 HTX nông nghiệp, với các loại cây trồng thế mạnh gồm: xoài, nhãn, mãng cầu, cam,… Theo ông Phan Văn Tây, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc Hưng, hầu hết các thành viên trong HTX trước đây cũng chuyên canh cây lúa. Khoảng 17 năm nay, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra mạnh mẽ. Ða số các thành viên của HTX chuyên canh cây xoài, gần đây có thêm vài hộ trồng mít Thái và bưởi da xanh. Với mô hình trồng cây ăn trái, trung bình mỗi hộ tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động trong gia đình và hơn chục lao động vào mùa vụ. HTX nông nghiệp Lộc Hưng hiện có 19 thành viên, canh tác gần 41ha vườn cây ăn trái, giúp tạo việc làm thường xuyên có 15 nhân công địa phương chuyên hỗ trợ các công đoạn: cắt cành, tạo tán, phun thuốc bảo vệ thực vật và bao trái. Với định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cải tiến khâu sơ chế sau thu hoạch, trái cây có mã code truy xuất nguồn gốc, giúp nâng cao giá trị kinh tế; đồng thời nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân còn nhiều, thời gian tới, mô hình vườn cây ăn trái sẽ còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương hơn nữa. Riêng gia đình ông Phan Văn Tây hiện canh tác 27ha xoài, bưởi và mít Thái, mỗi vụ thu hoạch rộ, gia đình ông cũng giúp tạo việc làm cho 8 lao động với mức tiền công 250.000 đồng/người/ngày.

Dù sản xuất và bán nông sản đã đi vào nền nếp, tuy nhiên, hầu hết các nông hộ và thành viên HTX ở xã Thới Hưng vẫn còn phụ thuộc vào khâu trung gian là thương lái. Vì thế, việc trúng mùa, mất giá vẫn còn xảy ra, khiến nhiều nông hộ lâm cảnh khó khăn. Ông Ngô Phước Hậu, ở ấp 3, xã Thới Hưng cho biết: “Vụ thu hoạch sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, xoài cát Hòa Lộc chỉ được giá 12.000 đồng/kg (loại nhất), còn mãng cầu xiêm giá chỉ có 6.000 đồng/kg, tôi phải chịu lỗ. Ðể tìm thêm nguồn thu lấy ngắn nuôi dài, tôi trồng thêm vài trăm gốc đu đủ nhưng hơn tháng nay, giá bán trái đu đủ cũng ở mức rất thấp khiến tình hình càng thêm khó khăn”.

Không chỉ làm tốt hơn nữa khâu liên kết, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, địa phương rất cần quan tâm việc quy hoạch vùng trồng và sản lượng tùy loại cây ăn trái theo nhu cầu thị trường. Qua đó, hạn chế việc mở rộng diện tích trồng cây ăn trái theo phong trào, nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế vườn cây ăn trái và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết