30/11/2012 - 09:36

Mô ghép giúp người khiếm thị “đọc” chữ bằng mắt

Người khiếm thị không lâu nữa sẽ có thể đọc được các bảng chỉ dẫn trên đường phố nhờ sử dụng một mô ghép có khả năng "dịch" chữ cái thành dạng chữ Braille, cho phép họ "đọc" chữ bằng mắt, thay vì sờ tay trên bảng chữ nổi truyền thống. Nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Frontiers in Neuroscience của Thụy Sĩ.

Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã chuyển đổi thành công các ký tự vào một mô điện tử cấy sau cầu mắt của người khiếm thị. Điều đó cho phép họ "nhìn thấy" các từ mà họ có thể "dịch" ra nghĩa chỉ trong vài giây với độ chính xác lên đến 90%. Bước tiến này có thể cách mạng hóa biện pháp chữa trị các bệnh về thoái hóa mắt và giúp ích cho hàng triệu người khiếm thị trên thế giới.

Mô cấy mới được phát triển dựa trên công nghệ có tên là võng mạc nhân tạo Argus II do công ty SecondSight ở California (Mỹ) sáng chế. Argus II sử dụng một camera nhỏ gắn trên cặp mắt kính kết hợp với một con chíp cấy trong võng mạc tạo thành bởi một mạng lưới gồm 60 điện cực rất nhỏ. Một bộ vi xử lý trên mắt kính có nhiệm vụ chuyển đổi tín hiệu từ camera thành các kiểu ánh sáng mà khi được truyền đến mô cấy sẽ cho phép bệnh nhân nhìn thấy hình bóng của các vật thể. Mặc dù hệ thống Argus II có thể giúp người dùng tránh được chướng ngại vật, nhưng không thể giúp họ đọc chữ, vì muốn như vậy thì cỡ chữ phải thật lớn và họ phải mất nhiều thời gian để dịch nghĩa của nó.

Mạng lưới các điện cực cấy sau cầu mắt (ảnh trái) và mô hình
hoạt động của hệ thống Argus II cải tiến. Ảnh: Daily Mail

Để giúp người khiếm thị đạt được mong muốn đó, các chuyên gia tại Second Sight đã nghiên cứu cải tiến Argus II. Chữ Braille được tạo thành từ 6 điểm nổi/chìm và được sắp xếp theo các kiểu khác nhau trong khung hình chữ nhật gồm 2 cột và 3 dòng, để tạo ra các ký tự khác nhau. Nhóm nghiên cứu nhận thấy họ có thể loại bỏ chiếc camera khỏi hệ thống, đơn giản bằng cách tác động trực tiếp đến 6/60 điện cực để tạo ra các kiểu chữ Braille cho bệnh nhân nhìn thấy.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Thomas Lauritzen nói: "Thay vì cảm nhận chữ Braille bằng các đầu ngón tay, những người khiếm thị có thể thấy các mô hình chữ Braille mà chúng tôi tạo ra rồi đọc từng ký tự trong thời gian chưa đến 1 giây với độ chính xác 89%". Không có hoạt động nào chen vào hệ thống ngoại trừ việc kích hoạt các điện cực nên bệnh nhân có thể nhận dạng chữ Braille dễ dàng hơn. Điều đó chứng minh người khiếm thị có được không gian phân giải tốt hơn bởi vì họ có thể dễ dàng phân biệt giữa các tín hiệu khác nhau trên các điện cực khác nhau. Bước đột phá này mang đến hy vọng mới cho những người mắc chứng viêm sắc tố võng mạc (RP) – một dạng bệnh mãn tính làm suy giảm số tế bào thu nhận ánh sáng trong võng mạc và có nguy cơ cao dẫn tới mù lòa.

Hệ thống Argus II cải tiến tuy không thể thay thế hoàn toàn chữ nổi Braille mà người khiếm thị có thể đọc chữ với tốc độ 800 ký tự/phút, nhưng nó có thể giúp họ "đọc" được các bảng chỉ dẫn trên đường hay những nơi công cộng nếu kết hợp với kính tích hợp camera và phần mềm nhận dạng chữ viết để "dịch" từ ngữ sang dạng chữ Braille.

Trong các cuộc thử nghiệm mới nhất, các tình nguyện viên khiếm thị đạt được mức độ chính xác cao khi đọc các từ có 2-4 ký tự. Cụ thể là họ có thể đọc được 80% từ chứa 2 ký tự và 70% từ chứa 4 ký tự. Giáo sư Lauritzen cho biết người dùng có thể đọc chữ với tốc độ ít nhất 1 ký tự/giây, nhanh hơn rất nhiều so với hệ thống Argus II trước đây, thường khiến người đeo mất hàng chục giây để giải mã và mất nhiều phút để đọc 1 từ.

Nhận xét về công nghệ đột phá này, trưởng bộ phận chữ Braille tại Hiệp hội Người khiếm thị Hoàng gia Anh (RNIB) Pete Osborne nói: "Bất cứ sản phẩm nào có tiềm năng mang lại ánh sáng cho người khiếm thị đều là việc làm tốt đẹp. Tôi hy vọng họ (nhóm nghiên cứu) có thể ứng dụng sản phẩm mới của mình trên nhiều người hơn nữa". Theo ông, nghiên cứu này rõ ràng cho thấy công nghệ sẽ tiếp tục tạo ra những đột phá to lớn nhằm giúp những người bị suy giảm thị lực giao tiếp và tương tác với môi trường bên ngoài trong tương lai...

THANH HẢO (Newscientist, Daily Mail, gizmag)

Chia sẻ bài viết