07/04/2013 - 19:48

Dự án Vườn ươm công nghệ

Mở cơ hội cho doanh nghiệp ĐBSCL

Chế biến nông sản là một trong 3 ngành được ưu tiên đầu tư trong VƯCN. Trong ảnh: Chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Trung An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Chế biến nông, thủy sản và cơ khí chế tạo được xác định là 3 lĩnh vực được ưu tiên đầu tư trong Dự án Vườn ươm công nghệ (VƯCN) Việt Nam-Hàn Quốc tại TP Cần Thơ. Mới đây, tại buổi làm việc giữa TP Cần Thơ, đoàn Hàn Quốc và các tỉnh ĐBSCL về việc triển khai Dự án VƯCN, các địa phương đưa ra nhiều ý kiến đóng góp nhằm để Dự án gần gũi với nhu cầu thực tiễn, phát huy thế mạnh của từng địa phương ở ĐBSCL.

Hướng mở

Sự kiện ký kết Biên bản thảo luận giữa Sở Công thương TP Cần Thơ và Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) vào đầu tháng 12-2012 được xem là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình thực hiện Dự án VƯCN. Tiếp đó, TP Cần Thơ phối hợp cùng Viện KITECH, Công ty Tư vấn thiết kế Khảo sát SunJin, các chuyên gia tư vấn Hàn Quốc tiến hành khảo sát thực tế, lập báo cáo dự án khả thi, sau đó thông qua UBND thành phố. Viện KITECH đang tiếp tục chỉnh sửa nội dung, đồng thời sẽ thông qua Bộ Kinh tế và Tri thức Hàn Quốc trong tháng 4-2013. Theo công bố của KITECH về khoản viện trợ ODA đầu tư xây dựng vườn ươm là 17,7 tỉ won, tương đương 17,7 triệu USD. Trong đó, 10 triệu USD phục vụ cho việc xây dựng dự án, 6 triệu USD trang bị máy móc thiết bị và 1,7 triệu USD dùng để đào tạo nguồn nhân lực. Trong bản thiết kế sơ bộ mới nhất, VƯCN được xây dựng tai Khu Công nghiệp Trà Nóc 2 (quận Ô Môn), quy mô mở rộng lên 1,9ha (trước đây là 1,3ha). VƯCN xây dựng gồm 2 tòa nhà: 1 tòa nhà 4 tầng để bố trí khu hành chính, khu nghiên cứu, các phòng chức năng giành cho chuyên gia và các phòng dịch vụ và 1 tòa nhà 2 tầng là nơi chế tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Dự kiến, lễ khởi công Dự án VƯCN diễn ra vào tháng 9-2013 và hoàn thiện phần xây dựng vào năm 2014. Năm 2015, VƯCN chính thức đưa vào vận hành thử, từng bước hoàn thiện và tiến hành chuyển giao cho TP Cần Thơ vận hành, quản lý.

Theo Phó đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Nak Young, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, giúp các mặt hàng nông, thủy sản vượt qua các rào cản kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhập khẩu tại thị trường Hàn Quốc và nhiều nước khác, KITECH sẽ đưa các chuyên gia đến Cần Thơ hỗ trợ lắp đặt trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật vận hành. Đồng thời, phía Cần Thơ cử cán bộ sang Hàn Quốc tiếp thu kinh nghiệm quản lý, vận hành vườn ươm. Để chuẩn các quy trình xây dựng, vận hành và chuyển giao vườn ươm thực hiện một cách bài bản và đúng tiến độ, TP Cần Thơ đã thành lập Tổ chuyên gia xây dựng VƯCN gồm 20 thành viên là các chuyên gia công tác tại Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Tổ chuyên gia được chia thành 4 nhóm: nhóm vận hành, xây dựng, cơ khí và chế biến nông thủy sản…

Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có điểm tương đồng về lợi thế, điều kiện phát triển cũng như nhu cầu ứng dụng đồng bộ máy móc tiên tiến để đưa ngành chế biến nông, thủy sản phát triển bền vững. Vì vậy, việc xây dựng VƯCN đáp ứng được nhu cầu thực tiễn tại địa phương và phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp, thủy sản của vùng. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, chia sẻ: “VƯCN sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp mới thành lập) chia sẻ ý tưởng kinh doanh mới, tính khả thi cao. Các ý tưởng này sẽ được các chuyên gia hỗ trợ từ khi bắt đầu khởi nghiệp đến khi “trưởng thành” trong tất cả các khâu khoa học kỹ thuật, nghiên cứu tạo ra sản phẩm, tiếp thị và thị trường”. Với bản kế hoạch phát thảo sơ bộ về VƯCN đặt tại Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng đây là nền tảng để các doanh nghiệp ĐBSCL  phát triển bền vững trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Sự đồng thuận cao

Hiện hầu hết các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL đã quy hoạch, xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học… Tại buổi làm việc giữa KITECH và các tỉnh, thành ĐBSCL mới đây, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho rằng, VƯCN cần có sự chung sức, liên kết với các tỉnh, thành trong vùng để tận dụng mặt bằng, cơ sở hạ tầng hiện có. Đây cũng là điều kiện để việc “ươm tạo” doanh nghiệp được tiến hành thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển tại từng địa phương… Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, đề nghị: “Kiên Giang đang gặp khó trong khâu khai thác, chế biến và bảo quản nông, thủy sản. Vì vậy, tỉnh mong muốn được hỗ trợ các thiết bị máy móc để hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tiến hành có giới hóa một cách đồng bộ”. Ngoài ra, còn nhiều ý kiến đề xuất: VƯCN là cơ hội và “tài sản” chung của cả vùng, VƯCN cần thể hiện vai trò trung tâm kết nối để các doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản vùng chia sẻ kinh nghiệm, ổn định vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong chuyến làm việc với TP Cần Thơ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý đưa Dự án VƯCN vào Danh mục tài trợ chính thức ODA. “Đây là điều kiện thuận lợi để dự án được hưởng ưu đãi trong khâu thủ tục, hải quan, thuế… TP Cần Thơ đã thu hồi 4,5 ha đất của Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ đang thuê giao Sở Công thương TP Cần Thơ sẵn sàng giao mặt bằng xây dựng vườn ươm khi phía Hàn Quốc yêu cầu”- Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết. Thành phố chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Cục Thuế, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại-Du lịch và các sở, ngành hữu quan của thành phố xây dựng, đề xuất ý kiến tham mưu trình UBND thành phố ban hành những chính sách cần thiết cho việc xây dựng và vận hành vườn ươm… VƯCN đặt tại Cần Thơ còn là cơ hội để thành phố phát huy vai trò trung tâm động lực vùng trên lĩnh vực nông, thủy sản.

Để VƯCN vận hành hiệu quả, các chuyên gia cho rằng ngoài sự đồng thuận cao của các sở, ngành vùng ĐBSCL trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu… rất cần bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật, chính sách ưu đãi đầu tư… ĐBSCL là vựa lúa, thủy sản lớn nhất nước, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, thủy sản, nhưng phần lớn doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu chiến lược quản trị, quy trình công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Do vậy, hy vọng đặt ra là khi VƯCN hoàn thiện sẽ giúp doanh nghiệp địa phương khắc phục những hạn chế, đồng thời thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và thế giới đầu tư vào ĐBSCL.

 Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết