27/03/2021 - 09:36

Miền Tây vào cao điểm phòng chống cháy rừng 

Miền Tây đang vào cao điểm mùa khô, những cánh rừng càng thêm kiệt nước. Ðây cũng là thời điểm việc phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được đặt lên hàng đầu. Nhiều địa phương bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời nếu xảy ra cháy rừng.

Lực lượng chức năng tỉnh Long An thường xuyên kiểm tra trang thiết bị, diễn tập để sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống xấu xảy ra. Ảnh: AN LONG

Lực lượng chức năng tỉnh Long An thường xuyên kiểm tra trang thiết bị, diễn tập để sẵn sàng chữa cháy khi có tình huống xấu xảy ra. Ảnh: AN LONG

Chủ động các phương án

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có hơn 43.000ha rừng tràm có nguy cơ cháy vào mùa khô, tập trung tại huyện Trần Văn Thời và U Minh. Từ đầu năm, Chi cục đã phối hợp với lực lượng Công an, các địa phương, huấn luyện nghiệp vụ PCCCR cho nhiều đơn vị, chủ rừng; tổ chức họp dân triển khai nhiệm vụ, ký cam kết phối hợp bảo vệ, PCCCR.

Ông Nguyễn Minh Ðức, ở ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Như mọi năm, gia đình tôi và bà con địa phương chủ động làm sạch cỏ, dọn tán cây ven các tuyến kênh, tuyến đường để lưu thông dễ dàng khi có tình huống xấu. Bà con ai cũng cảnh giác, thấy người lạ vào rừng là báo ngay cho cơ quan chức năng. Bản thân hết sức kỹ trong việc sử dụng lửa, vì bảo vệ rừng là bảo vệ “nồi cơm” của gia đình nên không ai lơ là”.

Ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), cho biết toàn diện tích 8.527ha của Vườn Quốc gia U Minh Hạ được bao quanh bởi đất sản xuất nông nghiệp và rừng sản xuất của các hộ dân vùng đệm. Hiện đã có gần 3.500ha rừng khô hạn nên việc đốt bờ làm rẫy, vào rừng săn bắt động vật hoang dã, đánh bắt cá và lấy ong… đều tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng bất cứ lúc nào. “Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong PCCCR là rất quan trọng. Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên kiểm tra, gia cố các cống, đập để đảm bảo giữ nước phục vụ chữa cháy” - ông Dũng cho biết thêm.

Tỉnh Long An hiện có khoảng 24.000ha rừng tràm xen cỏ dại, tập trung ở vùng Ðồng Tháp Mười, trong đó nhiều cánh rừng đã nâng mức cảnh báo cháy lên cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Trước diễn biến rất phức tạp của thời tiết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An đang tăng cường kiểm tra tại các địa phương, các chủ rừng về an toàn PCCCR, nhiều đơn vị phân công lực lượng chốt trực 24/24 giờ. Chuẩn bị các trang thiết bị như máy bơm, xuồng máy, vỏ lãi, vòi phun đảm bảo chữa cháy tại chỗ; tăng cường tuyên truyền vận động người dân xung quanh rừng và những người trực tiếp vào rừng lao động, sản xuất phải nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống cháy rừng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có trên 89.600ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Năm nay thời tiết nắng nóng, khô hạn diễn ra trên diện rộng nên tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Ðể thực hiện tốt công tác PCCCR, Chi cục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Lâm nghiệp, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, tuyên truyền vai trò quan trọng của rừng đối với xã hội, bảo vệ đê biển, bảo vệ môi trường; vận động nhân dân chấp hành và thực hiện quy ước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư ấp, khu phố có rừng.

Tỉnh Ðồng Tháp có hơn 12.000ha rừng, tập trung ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh. Ðến cuối tháng 3, có 6 khu vực ở mức cực kỳ nguy hiểm có khả năng cháy lớn, 4 khu vực cấp nguy hiểm, 6 khu vực có khả năng dễ cháy. Từ đầu mùa khô, ngành chức năng tỉnh đã tổ chức 30 lớp tuyên truyền, huấn huyện nghiệp vụ PCCCR cho 1.746 lượt người; in ấn, cấp phát 8.000 tờ rơi, 300 cuốn tài liệu tuyên truyền PCCCR... Các chủ rừng đã triển khai nhiều biện pháp PCCCR như lợi dụng triều cường đưa nước vào rừng, tiến hành bơm nước để tăng độ ẩm và dự trữ nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị chữa cháy; tăng cường tuần tra kiểm soát, phân công trực 24/24 giờ tại Ban Chỉ huy PCCCR cơ sở, trạm chốt, đài quan sát để ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy rừng.

Ưu tiên “4 tại chỗ”

Theo dự báo của ngành chức năng, năm nay nắng nóng, khô hạn diễn ra trên diện rộng, kéo dài nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng, cháy lớn, cùng lúc xảy ra cháy ở nhiều địa phương. Ðặc biệt khu vực rừng tràm, diện tích rừng tiếp giáp đất nông nghiệp, vườn rẫy rất dễ cháy lan trong cao điểm mùa khô.

Ông Lê Hữu Lợi, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An, cho biết: Chi cục đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo với khoảng 900 thành viên, bố trí lực lượng canh trực 24/24 giờ, trang bị hàng chục máy chữa cháy chuyên dụng, trữ nước trong 3.656km kênh nội đồng, đặt hàng trăm biển báo cấm lửa, bảng tuyên truyền; kiểm tra 13 tổ chức có diện tích rừng lớn về việc tổ chức thực hiện PCCCR và sẵn sàng ứng phó khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện khi cần thiết.

Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau diễn tập PCCCR. Ảnh: HIẾU NGHĨA

Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau diễn tập PCCCR. Ảnh: HIẾU NGHĨA

“Chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ) kịp thời phát hiện và dập tắt đám cháy khi mới xảy ra, hạn chế cháy lan. Qua đó, góp phần làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng” - ông Lợi nói.

Trong năm 2020, toàn tỉnh Kiên Giang đã xảy ra 41 vụ cháy rừng, thiệt hại trên 262ha rừng. Do đó, ngành chức năng tỉnh thường xuyên kiểm tra giám sát các địa phương, chủ rừng trong thực hiện các phương án PCCCR được cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo dõi dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng; tổ chức ứng trực sẵn sàng ứng cứu dập tắt đám cháy mới phát sinh, quyết tâm không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.

Ông Trần Văn Thắng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng, cho biết: Ðơn vị đã khảo sát, đánh giá, xây dựng bản đồ số về các vùng trọng điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng, bao gồm: nguồn nước, giao thông, hướng tiếp cận…; xây dựng phương án, thực tập phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” và phương án có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia theo tình huống đám cháy lan rộng phức tạp để xử lý có hiệu quả khi cháy xảy ra nhằm hạn chế mức thiệt hại thấp nhất.

“Ðối với những khu vực trọng điểm có khả năng xảy ra cháy rừng, đơn vị tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về bảo vệ rừng và PCCCR. Bên cạnh đó, chủ động điều tiết mực nước giữa các phân khu, đảm bảo mục tiêu phát triển rừng và PCCCR. Theo dõi các yếu tố khí tượng thủy văn để kịp thời dự báo nguy cơ cháy rừng, báo cáo kịp thời về Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ tỉnh, huyện” - ông Thắng nói.

Ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, cho biết đã bố trí lực lượng tại các “chốt trực phòng cháy”. Ngoài ra, có một trung đội dân quân tự vệ tập huấn tại đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống cháy xảy ra. “Cơ quan chức năng chủ động là vậy nhưng cũng còn những mối lo trong PCCCR, đặc biệt là tình trạng lén lút vào rừng bắt ong, săn động vật, gây cháy rừng. Chỉ một tàn thuốc có thể gây hậu quả rất nặng nề. Do đó chúng tôi phải thường xuyên tuần tra, giám sát. Rừng có vai trò rất quan trọng, là “lá phổi xanh”, rất mong người dân hiểu được điều đó và có ý thức cùng bảo vệ rừng”- ông Dũng chia sẻ.

HIẾU NGHĨA – AN LONG – ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết