22/04/2012 - 09:23

Mênh mang sông nước, cù lao

Chúng tôi có hẹn đến thăm các bạn viết trẻ ở Mỹ Luông khi mùa lúa đông xuân vừa xong. Chúng tôi đi từ cù lao Năng Gù ra sông Hậu để đến cù lao Ông Chưởng. Con đường từ bờ Tây cù lao đến bờ Đông chạy dài theo kinh Đình Bình Thủy. Con kinh tuổi đã gần bảy mươi, in đậm nhiều dấu ấn tuổi thơ của tôi. Ngày nay cây hai bên bờ kinh không còn nhiều nữa, nhường chỗ cho những ngôi nhà khang trang. Là một cù lao nhỏ nhưng Năng Gù có rất nhiều kiến trúc xưa, đó là nhà của các cụ hương chức hội tề những năm 1930 còn lại. Các kiến trúc nầy vừa mang đậm dấu ấn Á Đông nhưng cũng vừa phối hợp hài hòa với các hoa văn phương Tây khá độc đáo. Cù lao Năng Gù cũng nổi tiếng là “đất học” vì hiện là xã có số lượng tiến sĩ, thạc sĩ khá nhiều.

Tây An cổ tự. 

Qua khỏi con kinh là đến bến đò qua cù lao Ông Chưởng. Bến đò nằm cặp ngay vàm kinh. Lòng sông quá rộng, những về lục bình trôi cũng quen thuộc y như hàng trăm dòng sông, kinh rạch ở vùng đất nầy. Đã là quy luật, hễ bên nầy lở thì bên kia bồi, sau hết một chu kỳ nào đó, con sông lại đổi dòng, bên lở trở thành bồi còn bên bồi lại lở ngược lại. Và, cứ thế tháng năm trôi... “Ơi An Giang hai mùa mưa nắng, những dòng sông bên lở bên bồi, mưa nắng có nhau, lở bồi chia sớt, tự bao giờ và cho cả mai sau...” (nhạc Hoàng Hiệp). Lại nhớ về câu ca dao thuở nào những người mẹ người bà vẫn thường hay hát ru con “Chiều chiều quạ nói với diều / Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”. Thỉnh thoảng vẫn thấy những đàn chim lượn lờ trên mặt sóng, nhưng biết bây giờ quạ có còn thì thầm với diều như trong câu hát tuổi ấu thơ nữa hay không ? Mà, ngày nay với điện thoại, máy vi tính, máy phát nhạc... còn lại được mấy người còn hát ru con ?

Đường đi hơi xấu, nhiều “ổ voi” nhưng khung cảnh thì lại làm mát lòng người. Thỉnh thoảng vẫn thấy mắt cay cay vì mấy ngọn khói đốt đồng bay mờ mờ trước mặt. Bên trái chúng tôi là đồng lúa vừa mới thu hoạch còn trơ gốc rạ. Thỉnh thoảng có chợ. Chợ quê không đông, nhưng có không khí bình dị, thân thương. Còn bên phải là dòng sông Hậu trong veo, chỗ rộng, chỗ hẹp, lững lờ trôi. Gió ngoài sông thổi vào mát rượi...

Chúng tôi tranh thủ ghé lại Tây An cổ tự trước khi qua sông Ông Chưởng. Nơi đây xưa Đức Phật Thầy Tây An từng dựng cốc nhỏ trị bệnh và truyền khai mối đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Sau bao thăng trầm, ngôi cổ tự hiện khá khang trang nhờ được trùng tu. Cổng chùa xây dựng kiểu tam quan cao hơn. Bên trong khuôn viên có vài người lau chùi, quét sân, không khí của chùa tĩnh lặng. Trước sân có cây bồ đề lớn mát rượi, vài hàng cây kiểng tạo cho ta không khí yên ả, bình an. Kiến trúc chùa vẫn như cũ, tinh tế, sắc sảo nhưng cũng rất trang trọng, kết hợp với cẩn gốm tráng men. Hàng chữ “Tây An cổ tự - tổng Định Hòa - thôn Long Kiến” có lẽ xưa lắm rồi vẫn trầm mặc cùng năm tháng.

Trước cổng chùa là cầu mới xây mang tên “Dân sinh”. Vài năm trước nơi đây là bến đò. Sau đó nhân dân đóng góp để xây cầu treo. Người nông dân xứ mình cần cù, sáng tạo, mà cũng rất “chịu chơi”. Họ đã thành công.

Qua cầu, chúng tôi tiếp tục đi về phía Mỹ Luông. Khoảng gần mười giờ chúng tôi đến được trung tâm thị trấn, tranh thủ nhâm nhi tí cà phê cùng bạn bè. Nhóm bạn viết trẻ ở Mỹ Luông đón tiếp chúng tôi khá nồng hậu, có Lê Quang Trạng, Lê Nguyễn Huy Giang là hai cây bút triển vọng mà tôi biết, cùng vài người bạn học chung trường.

Buổi chiều, chúng tôi đi thăm cù lao Giêng. Trước mặt là “dòng sông tuổi thơ” mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã hằng mong được trở về. “Con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát, con sông cho tôi nặng một tình yêu nước non quê nhà...”. Trải bao bộn bề của cuộc sống, ta lại trở về, lại được dòng sông quê ôm vào lòng, lại được mở căng buồng phổi hít gió vàm sông mát rượi. Con đò đi từ Mỹ Luông qua cù lao Giêng chầm chậm lướt nhẹ. Nhìn từ phía Mỹ Luông, bên bờ cù lao Giêng đã lở khá nhiều, hầu như vách dựng đứng. Lở, lở, lở mãi... Đất đai trăm năm cứ mòn dần, mòn dần, và trôi theo sóng nước mênh mông.

Nước có thể cuốn trôi đất đi, nhưng đâu dễ gì cuốn đi cái tình nghĩa của những con người sông nước.

Xe chúng tôi chạy chậm trên con đường quê khá vắng vẻ, còn đậm đặc hương vị miệt vườn với hai bên là những vườn cây xum xuê. Buổi trưa miền quê sông nước nơi đây thật yên ả, thanh bình. Lòng vẫn thấy mát dù nắng đang đổ gay gắt. Ở đây còn khá nhiều di tích mang dấu ấn cổ xưa, dầu qua thời gian trăm năm, qua nắng mưa của trời đất và mưa nắng của nhân tình, nhưng những di tích ấy vẫn sừng sững giữa làng quê thanh bình. Rêu phong đã phủ nhiều, tường gạch lở lổm chổm, màu vôi không còn trắng như thuở nào nữa... trải bao cuộc bể dâu, người ta tìm đến chúng như một sự hoài niệm, nhớ nhung, và cả thương yêu về một cái thời xa lắm.

Chúng tôi dừng lại ở chùa Thành Hoa, như thăm lại một dấu tích của người xưa, của một thời xa xôi nào đó mà chúng tôi vẫn nghe bà kể qua các câu chuyện cổ tích. Chùa mang tên Thành Hoa, nhưng người ta vẫn biết nhiều hơn với tên gọi “chùa Đạo Nằm”. Sở dĩ thế là vì vị tôn sư khai đạo từng “cửu niên diện bích” - nằm chín năm tu hành. Ngôi chùa đặc sắc với các tượng Phật rất lớn, kiến trúc nổi bật, sắc sảo. Đặc biệt, sau khi đi một vòng quanh chùa, tôi mới nhận thấy sự tôn kính mà tín đồ dành cho vị tôn sư của họ là rất lớn. Một ngôi “Tổ đường” với chiếc ghế gỗ chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng như một cái ngai dành cho những bậc quý tộc ngày xưa. Những dụng cụ, khánh thờ, chân dung, bàn ghế... cũng được trang hoàng hết sức lộng lẫy. Có thể nói, dù diện tích nhỏ, nhưng kiến trúc bên trong nhà thờ Tổ còn đặc sắc hơn chánh điện thờ Phật. Bên cạnh chánh điện có chiếc ghe dài là nơi ông đạo Nằm đã nằm chín năm ngày xưa, nay được trang hoàng lại và trưng bày cho khách thập phương xem. Ngoài ra, còn có ngôi tháp của ông Đạo Nằm, nơi lưu giữ nhục thân của ông. Tháp không có gì đặc sắc về chiều cao, diện tích, hình dáng... nhưng nổi bật là ở những hoa văn họa tiết đắp nổi bằng gốm tráng men trên cổng tháp, nổi bật là ở những bức tranh xi măng đắp nổi nhiều màu sắc về ông Đạo Nằm xung quanh các mặt của tháp. Tôi đã từng đi một số trung tâm tôn giáo, so với các nơi khác thì những kiến trúc thờ phượng tôn thờ ông Đạo Nằm ở đây cũng không kém gì ông Trần ở Vũng Tàu hay Hộ pháp Phạm Công Tắc của đạo Cao Đài. Trong khuôn viên chùa có hồ sen mát mẻ, thanh tịnh, rất nhiều cây cối đã làm cho không gian như trải rộng ra.

Chúng tôi rời chùa Đạo Nằm để đến hai nơi cũng mang đậm dấu ấn xưa, đó là Nhà thờ Cù lao Giêng - nhà thờ đầu tiên của miền Tây Nam bộ, và tu viện thánh Phanxicô. Không gian hai nơi trầm mặc, vắng lặng. Cái thánh giá trên nóc giáo đường và cái tháp chuông bên cạnh đứng trầm ngâm ngỡ như ngàn năm vẫn thế vậy.

* *

*

Xuống bến đò rời cù lao Giêng để trở về Mỹ Luông và cũng là để kết thúc chuyến hành trình vòng quanh các cù lao ở huyện Chợ Mới. Tôi cảm thấy có một cái gì đó mênh mông lắm, lại nghe vang bên tay mấy câu hát “Sông vẫn như thuở ấy, vẫn con đò ngang đón đưa người sang và từng đêm hát ru đôi bờ...” (nhạc Hoàng Hiệp). Con đò rẽ sóng cập vào bến, dòng người xe hối hả di chuyển, những âm thanh lao xao của tiếng máy, tiếng sóng, tiếng người hòa quyện vào nhau giữa không gian lắng đọng của xứ cù lao ngày hè. Không còn thấy khói đốt đồng như những nơi mà tôi đã đi qua ban sáng. Nhìn lại những nơi mình đi qua, cố ghi lại mấy hình ảnh mờ nhạt vào lòng để mai nầy còn có dịp đem ra để nhớ nhung. Đây là cù lao nhiều vườn cây trái, mát mẻ, chim hót ríu rít, đó là thị trấn miền sông thanh bình với màu nắng tinh khôi, tất cả không ồn ào, vội vã, mà chậm dần, chậm dần như con sông chảy hoài không nghỉ. Phút giây lắng lòng trên con đò dài ra hơn, trống trải hơn...

Có lẽ màu nắng nơi nầy đã ám ảnh tôi, và... mai tóc đen dài bay trong gió, đôi mắt tròn xoe tinh nghịch của em cũng đã ám ảnh tôi. Xin chia tay màu nắng xứ cù lao, chia tay cả mái tóc bồng bềnh trôi theo gió, chia tay xứ sở cổ kính trầm mặc. Biển người mênh mông, bao giờ tôi lại bắt gặp được xứ cù lao đầy nắng nầy để nhớ nhung. “Con đò ngang đón đưa người sang” không biết bao giờ mới có dịp đón chúng tôi một lần nữa.

Bài, ảnh: VĨNH THÔNG

Chia sẻ bài viết