Truyện ngắn NGUYỄN CẨM THE
Dẫu trời có mưa dầm dề đến mấy, dẫu hoa cà hoa bí sau vườn rũ rượi vì mưa, dẫu hàng bông râm bụt của nhà bên không treo những lồng đèn đỏ rực giữa ngày mưa hối hả, thì giàn hoa giấy nhà ông vẫn điềm nhiên trổ hoa tím hồng.
Ở xóm nghèo này, người ta quen gọi nhà ông là "cái nhà có giàn hoa giấy". Khách phương xa hỏi thăm đường người ta lấy giàn hoa nhà ông làm mốc. Thân cây hoa giấy được ông uốn cong thành cái cổng ra vào, mấy mùa hoa tươi tốt, kết thành một giàn che rợp cả khoảng sân, đứng trong nhà nhìn ra thấy một vòm trời màu hồng tím. Người ta cũng quen gọi ông là người chung thủy, vợ bỏ đi lâu rồi mà ông vẫn ở vậy để hoài mong. Ai nói gì thì nói, ông cười, nụ cười buồn rười rượi. Thấy ông lão với vầng trán rộng, mái tóc hoa râm, cái miệng móm mém hay cười buồn, mà người ta lại nhớ lại dáng vẻ của người đàn ông năm cũ, nhớ một mối tình như một chuyến quá giang.
* * *
Buổi chiều nhạt nắng người đàn ông đạp xe lôi qua chợ, thấy cô gái ngồi khóc dưới bến sông, đi qua được một đoạn nghe lòng bối rối nên ông mủi lòng quay lại hỏi cô về đâu, tôi cho quá giang. Cô gái nhìn ông rồi lấy tay quệt dòng nước ràn rụa trên má: "Tôi cũng không biết đi về đâu. Còn mấy nhánh hoa chưa bán kịp, về nhà dượng tôi đánh chết". Vậy là ông chở cô gái tội nghiệp ấy về nhà. Trong lúc ông còn đang suy tính mình sẽ đưa cô về đâu thì mấy nhánh hoa giấy của cô đã bén rễ vào đất nhà ông. Cây vừa lên cao ông uốn thành cánh cổng. Sáng sáng cô gái quét sân nhìn những nụ hoa đầu hé nở, cười:"Hoa giấy nhà mình có hoa rồi kìa anh Hai". Ông cũng nhìn cô mà cười.
Hoa giấy sớm đơm bông kết thành chiếc cổng thành hôn, mái nhà nhỏ ngập tràn hạnh phúc. Thấy vợ ham may vá nên ông bán chiếc xe lôi đạp, mua bàn máy may cho vợ, rồi xin đi phụ hồ cho mấy công trình xây dựng. Công trình đi tới đâu, ông đi đến đó. Cô ở nhà may vá và chăm con. Ông đặt tên đứa con gái đầu lòng là Quý bởi ông quý con, quý gia đình bé nhỏ mà ai cũng trầm trồ khen ngợi.
|
|
Mấy mùa hoa nở rộ, bé Quý đã biết lượm những cánh hoa giấy bỏ vô gáo dừa chơi nhà chòi với ba. Những bữa ông đi làm xa, bé Quý chơi một mình ngoài giàn hoa giấy. Có bữa ông thầy giáo hay lại may đồ cũng đến chơi cùng. Ông thầy ở tỉnh về đẹp trai hết sức, ăn nói thiệt có duyên, như bận lại nhà may đồ, ông thầy khen:"Cô may áo tôi mặc ai cũng khen", rồi thì "Bé Quý đẹp giống hệt mẹ, nhìn sao thương quá". Cô cười: "Thiệt hông?". Rồi thầy giáo nói: "Cô khéo tay như vầy mà ở đây ít khách thiệt uổng quá, phải chi cô ra tỉnh thì phải lẽ hơn không? Người cô sang trọng vầy mà phải ở chốn này thiệt tiếc quá. Phải về thị thành sống mới đúng!". Cô nghe xong thì thấy sợi chỉ trong tay mình rối. Ông thầy giáo nói đúng đó chứ! Cô thợ may ở tỉnh chắc sẽ sang trọng. Một mái nhà ở phố, vợ may vá, chồng xách cặp sáng đi chiều về thì có vẻ hạnh phúc hơn mái nhà quê vợ chồng quần quật kiếm gạo từng lon, có bữa chạy tiệm mua chịu chút dầu hôi, nước mắm. Con thèm mấy cục kẹo xanh đỏ mà không có tiền mua. Thầy giáo ở tỉnh nên nhìn xa trông rộng, nói cái gì cũng đúng hết.
Những ngày mưa gió lại về qua xóm nhỏ, mưa làm giàn hoa trước nhà rụng tim tím khoảng sân, những cánh hoa mỏng manh ướt sũng nước. Bé Quý ngủ dậy không thấy mẹ đâu. Nó khóc khan giọng, hàng xóm chạy qua hỏi chuyện gì? Nó nói mẹ con mất tiêu rồi. Người ta chạy quanh tìm kiếm rồi đồn rằng vợ thằng Hai nhà có cây hoa giấy bỏ nhà theo trai mất tiêu rồi! Bữa đó ông đang phụ hồ xây nhà xóm bên, nghe mà giận: "Ai mà ác nhơn đồn kỳ cục vậy?". "Thiệt mà! Hổng tin về nhà coi đi Hai". Làm sao ông có thể tin người vợ mình hết lòng yêu thương lại rời bỏ đột ngột. Ông bần thần đi xuống xuồng, chèo một hơi về nhà. Nước sông hôm ấy dường như đang chảy ngược, chèo mãi không thấy tới, ông lả người đuối sức, cảm giác còn mệt hơn lúc ông đạp xe lôi chở khách lên dốc cầu dựng đứng.
Quý đang ngồi khóc ở giàn hoa giấy, xóm giềng dỗ dành thế nào Quý cũng không nín. Tiếng gọi mẹ của con ông đã lạc giọng, ông như chết lặng cả người. Giữa tiếng xì xào của hàng xóm, ông ôm bé Quý vào lòng. Chạy vào nhà, thấy đồ đạc vợ còn y thinh, ông phân bua: "Không có đâu, chắc vợ tôi có chuyện khó nói, đi đâu đó vài ngày rồi về". Ông chỉ: "Đây nè, vợ tôi còn mới may bộ đồ mới cho tôi nè, cái áo con Quý còn chưa ráp xong cái tay áo nè, thấy chưa
". Ông cố tìm những bằng chứng như thể vợ mình mới ở đây, như cổ đang ở ngoài vườn, hay bên nhà hàng xóm, tí nữa cổ về.
Nhưng mà ông phải chết lặng thừa nhận cô ra đi không mang theo thứ gì, kể cả quần áo, như thể cô không cần gì trong nhà này hết, đi không vướng víu, nhẹ nhàng gọn hơ như đi chợ. Cái khăn rằn còn hơi ướt vắt ngay cửa sau như thể cô mới vừa gội đầu rồi vắt khăn ngay ấy. Cái áo bà ba còn treo trên vách như cô vừa mới mặc đi gom củi
Đồ đạc nằm im ru chỗ cũ, chỉ có bé Quý gọi mẹ nháo nhào, chỉ có lòng ông tan tác. Hàng xóm ra về, đi qua giàn hoa giấy người ta ngoái lại hỏi nhau: "Vợ thằng Hai sẽ về thiệt hông? Hồi sáng thấy ra chợ đón chiếc đò dọc đi chung với ông thầy giáo ở tỉnh rồi mà". Người ta ngoái lại nhìn vô nhà, thấy hình như ông đang ôm con mà khóc, thấy mấy cánh hoa tím hồng lác đác rơi chao đảo trong cơn gió chiều thổi qua buồn bàng bạc.
* * *
Quý lớn lên từng ngày, thời gian cũng từng lúc nhuộm màu trên mái tóc của ông. Giàn hoa giấy vẫn đầy bông, thân cây to dần, từng lớp vỏ bong ra theo ngày tháng. Mấy người chơi cây kiểng đi ngang trầm trồ khen giàn hoa đẹp quá, hỏi: "Bé ơi có bán gốc hoa giấy này không?". Quý cười: "Dạ, ba con không bán đâu". Cô Bảy độc thân bán tiệm tạp hóa ở xóm mỗi bận đi ngang đều nói: "Bán cây này mình trồng cây khác mà anh Hai". Ông cười: "Không được đâu cô Bảy". "Sao vậy?". Ông bỏ vô trong nhà, Quý đáp: "Dạ, ba con nói để cho mẹ con biết nhà mà về". Cô Bảy lại đi về, giận hờn dữ lắm, chẳng lẽ nói: "Ông chờ chi cái người vô tình ấy, sao ông không nghĩ tới người có tình đang đứng ở đây". Quý lớn rồi nên Quý cũng hiểu, Quý cũng thương cô Bảy vì hồi mẹ đi một tay cô Bảy lo cho Quý chứ ai. Nhưng ngặt nỗi ba Quý thì cứ quay mặt đi vô nhà.
Ba Quý càng già, đôi mắt lúc nào cũng nặng như có đám mây sắp mưa. Ông ra ngó giàn hoa giấy, lại thấy vợ mình cười trên môi con gái, thấy dáng chị đâu đó quanh nhà khi Quý quét sân, gom củi. Hoa giấy vẫn tím hồng ngoài ngõ và ông già vẫn tin tình yêu cũ sẽ quay về, dù người ta nói cuộc tình kia như một chuyến quá giang qua một khúc đời ông.