24/12/2008 - 20:16

Màn kịch “Hào hoa”

Như mọi ngày, đúng 6 giờ sáng, cửa hàng bán mỹ phẩm kèm đồ trang sức của chị Kim Hoàng ở chợ bắt đầu mở cửa đón khách.

Sau khi chị và cô em dâu Tuyết Anh sắp xếp lại hàng hóa trong các ngăn tủ kiếng cho ngăn nắp, có hai thanh niên đi chung xe máy đời mới bóng láng dừng lại phía cửa rồi bước vào bên trong. Thấy khách ăn mặc lịch sự, sang trọng đến mở hàng, Tuyết Anh nhanh nhẩu: “Chào hai anh, mời hai anh xem và mua mở hàng giúp!”. “Chị cho tôi xem chiếc vòng bạc này!” - Một trong hai thanh niên lên tiếng. Cầm chiếc vòng trên tay, hai thanh niên ra vẻ sành điệu, nhận xét đây là loại vòng chỉ “khá đạt” về mặt thẩm mỹ; độ tinh xảo không bằng chiếc đã mua trước đây bên Mỹ. Nhận xét xong, người thanh niên đi đi lại lại xem hàng.

Sau vài phút im lặng, Tuyết Anh nghĩ, sáng nay, hai chị em đã gặp được “khách sộp” nên càng tỏ ra thân thiện hơn: “Hai anh mua giúp giùm cửa hàng, đây là số nữ trang thời thượng, bọn em mới đem từ Sài Gòn về hồi đầu tuần”. Khách chưa kịp phản ứng gì, Tuyết Anh tiếp lời: “Chắc hai anh mua để tặng cho bạn gái?”. Nghe vậy, người thanh niên nói giọng hơi cứng liền đưa đẩy: “Sao em đoán “trúng phóc” vậy? Hai anh mới về nước mấy hôm. Bữa nay, trên đường ngang qua, thấy cửa hàng có người đẹp nên ghé vào mua vài món mang sang Cần Thơ làm quà”. Nghe vậy, Tuyết Anh cười mỉm, góp thêm: “Mấy chị bên ấy có phước thật, được bạn trai Việt kiều về nước chăm sóc chu đáo, em nghe mà phát ghen!”. Nói đoạn tất cả cùng cười vui vẻ. Lát sau, một trong hai thanh niên hỏi: “À, cửa hàng mình có đổi đô (đô-la) không em?”. “Dạ được, mấy anh cứ thanh toán bằng đô!”. Sau đó, hai thanh niên tiếp tục hỏi và xem qua nhiều mặt hàng khác trong tủ, như dây chuyền, vòng bạc, vòng mã não, kẹp tóc...

Cuối cùng, hai thanh niên chọn mua một số nữ trang trị giá gần 500 ngàn đồng. Người có giọng hơi cứng mở bóp lấy ra tờ mệnh giá 100 đô-la trao cho Tuyết Anh. Trong lúc Tuyết Anh thanh toán và ghi hóa đơn bán hàng, anh này nói: “Em thông cảm, cho bọn anh đổi thêm ba tờ nữa, ở Sài Gòn mới xuống nên chưa kịp đổi tiền xài...”. “Dạ được, hai anh cần thì em giúp cho!” - Tuyết Anh đáp.

Sau khi nhận lại tiền thối và nhận đủ tiền đổi, cả hai thân mật chào Tuyết Anh ra đi. Vài phút sau, họ liền quay trở lại và người trực tiếp giao dịch với Tuyết Anh, nói nhỏ: “Xin lỗi phải làm phiền em lần nữa. Hôm nay, ngoài đến thăm bạn gái, anh tính có chút đỉnh đô để gửi cho mẹ cô ấy, nhưng bây giờ đã đổi hết ra tiền Việt rồi...”. Thấy Tuyết Anh do dự như chưa hiểu ý, người thanh niên đi cùng nói thêm vào: “Em ơi, bạn anh đây tính “lấy le” với “mẹ vợ” tương lai. Đô ảnh chưa kịp rút. Thôi em cảm phiền một chút nhận lại số tiền Việt mới đổi khi nãy, mai mốt ghé lại, tụi này sẽ mua nhiều hơn”. Nghe vậy, Tuyết Anh đáp khẽ: “Dạ không có chi, ba trăm đô của anh vẫn còn nguyên đây mà!”.

Chiều hôm đó, khi lấy tiền thối cho khách hàng, chị Kim Hoàng phát hiện số tiền mà hai thanh niên gửi lại cho Tuyết Anh hồi sáng có nhiều tờ mệnh giá 50 ngàn đồng là tiền giả. Đến lúc này, hai chị, em có thêm bài học cho mình trong chuyện buôn bán kinh doanh: Chớ nên nhẹ dạ cả tin, đánh mất cảnh giác trước những màn kịch lừa bịp của bọn xấu.

T.P.T

Chia sẻ bài viết