26/04/2021 - 11:19

Malaysia với tham vọng trở thành nước phát triển 

Chính phủ Malaysia vừa thông qua Khát vọng đầu tư quốc gia (NIA), khung chính sách tăng trưởng hướng tới tương lai sẽ vạch ra cơ sở cho sự thay đổi các chính sách đầu tư của quốc gia Ðông Nam Á.

Malaysia quyết tâm trở thành nước phát triển trước năm 2030. Ảnh: Reuters

Malaysia quyết tâm trở thành nước phát triển trước năm 2030. Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố hôm 21-4, Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Azmin Ali khẳng định NIA sẽ tập trung vào tái tạo môi trường đầu tư của Malaysia, thu hút đầu tư chất lượng cao và tạo ra các việc làm có thu nhập cao, đặc biệt là thời kỳ hậu đại dịch COVID-19.

Niềm tin của chính phủ

Trước đó, Bộ trưởng Redzuan Yusof thuộc Văn phòng Thủ tướng Malaysia  nhấn mạnh Kuala Lumpur vẫn quyết tâm trở thành nước phát triển trước năm 2030 và tin rằng mục tiêu này có thể đạt được bất chấp những ảnh hưởng kinh tế do COVID-19 gây ra. “Nếu giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID-19 hiệu quả trong năm nay và với kế hoạch tiêm chủng toàn dân đang được triển khai, chúng tôi tin rằng Malaysia có thể trở thành quốc gia có thu nhập cao trước năm 2030”, ông Yusof trả lời phỏng vấn.

Thu nhập bình quân đầu người của Malaysia trong năm 2019 đạt 11.230USD, được xếp loại quốc gia có thu nhập trung bình cao. Trong khi đó, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người ít nhất 12.536USD được xem là quốc gia phát triển. Trở thành nước có thu nhập cao trong 9 năm tới là mục tiêu mà Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin “kế thừa” từ người tiền nhiệm Mahathir Mohamad.

Hồi tháng 10-2019, Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Mahathir từng công bố Tầm nhìn thịnh vượng chung 2030 (WKB2030) với mục tiêu biến Malaysia thành “Con hổ châu Á mới” và đưa nước này gia nhập nhóm các quốc gia phát triển trước năm 2030. Theo ông Mahathir, các chính phủ tiền nhiệm đã có những chiến lược và chính sách sai lầm trong 15 năm (2003-2018) dẫn tới việc Malaysia không kịp trở thành quốc gia phát triển vào năm 2020 như mục tiêu đặt ra trong Tầm nhìn 2020 mà ông khởi xướng hồi năm 1999.

Cựu Thủ tướng 96 tuổi nhấn mạnh với WKB2030, tất cả 33 triệu dân Malaysia sẽ được hưởng lợi nhờ nguyên tắc không một ai bị bỏ lại phía sau. “Có 3 mục tiêu chúng ta mong muốn đạt được thông qua WKB2030, đó là phát triển cho tất cả; giải quyết sự bất bình đẳng về tài sản và thu nhập; xây dựng một quốc gia thống nhất, thịnh vượng và phẩm giá”, ông nêu rõ.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 3, WB nhận định Malaysia nhiều khả năng sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao là từ năm 2024-2028. Chính phủ Malaysia sẽ thêm tự tin khi WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế nước này có mức tăng trưởng trong khoảng 6-8% trong năm 2021. Nếu vậy, đây sẽ là sự hồi phục nhanh chóng sau khi GDP năm ngoái giảm tới 5,6%, tệ nhất kể từ khi Malaysia tăng trưởng âm 7,4% trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Những thách thức mới

Yeah Kim Leng - Giáo sư kinh tế tại Ðại học Sunway (Malaysia) - lập luận rằng nhiều thách thức và rủi ro mới có thể không chỉ cản trở mục tiêu trở thành nước phát triển, mà còn cả những khát vọng khác, bao gồm tạo ra xã hội đa sắc tộc đoàn kết, tiến bộ và cân đối. Theo đó, ông Yeah nhấn mạnh Malaysia cần đầu tư vào sự hồi phục hậu đại dịch COVID-19 để xây dựng nền kinh tế vững chắc hơn, có thể đương đầu với cuộc khủng hoảng sức khỏe tiếp theo, mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và những cú sốc khác trên toàn cầu. WB cũng lưu ý nước này cần thực hiện thêm nhiều cải cách mạnh mẽ và táo bạo để có thể gia nhập hàng ngũ những nền kinh tế phát triển.

Năm 1969, Malaysia và Hàn Quốc cùng chạm ngưỡng để được xem là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Nhưng đến năm 1988, xứ kim chi đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình cao và có thu nhập cao vào năm 1995. Hiện nay, mỗi người dân Malaysia chỉ còn thiếu 1.335USD/năm để có GDP bình quân đầu người đạt mức cao, nhưng con đường thực hiện mục tiêu này không thật dễ dàng và suôn sẻ.

 HẠNH NGUYÊN (Theo Nikkei Asia)

Chia sẻ bài viết