Thành lập từ năm 1993, Trung tâm Bảo trợ Xã hội (TTBTXH) tỉnh Cà Mau đã nuôi dưỡng hơn một trăm mảnh đời cơ nhỡ đủ mọi lứa tuổi. Bằng tình thương yêu, sự cảm thông sâu sắc của các cán bộ TT cũng như những người cơ nhỡ dành cho nhau, nơi đây thật sự đã trở thành một mái ấm gia đình của các cháu nhỏ, người già không nơi nương tựa... Và đã có những tia sáng được lóe lên trong cuộc đời trẻ thơ bất hạnh.
Nhặt những tiếng khóc từ bụi rậm
 |
Trẻ em cơ nhỡ ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Cà Mau vui chơi vào mỗi buổi chiều. |
Anh bảo vệ của TTBTXH tỉnh Cà Mau trực đêm trong phòng bảo vệ. Anh đã nhiều lần bật dậy giữa đêm khuya vì một tiếng khóc thất thanh trong bụi rậm gần đó. Lần đầu tiên, anh điếng người lên, chạy thẳng vào phòng cô Hai Tân (Trại trưởng Trại Nuôi dưỡng người già cơ nhỡ của TT) la hơi hới. Đến khi ra xem, mọi người mới phát hiện đó là một đứa trẻ còn đỏ hỏn bị người ta bỏ rơi. Dần dà, anh cứ nghe tiếng khóc là biết lại có một sinh linh mới đang “gõ cửa” TT. Chỉ mấy tháng cuối năm 2007, anh đã ôm về TT 8 trẻ sơ sinh từ những bụi rậm gần phòng bảo vệ của mình. “Năm 2007, TT chúng tôi thu nhận mới 15 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Con số cao nhất từ trước đến nay”, anh Đào Minh Hoàng, Giám đốc TTBTXH tỉnh Cà Mau, buồn bã nói.
Rồi anh Hoàng bắt đầu kể lại lần đi nhặt các “chú chim non” bị bỏ rơi ở huyện U Minh vào năm 2006. Lần đó, được tin báo ở xã Khánh Lâm, huyện U Minh có 5 đứa trẻ sắp chết đói, anh thân chinh lên đường. Tới nơi, anh Hoàng đứng như trời trồng trước cảnh tình thảm thương của 5 anh em Nguyễn Quốc Thoại (13 tuổi) Nguyễn Quốc Lập (12 tuổi) Nguyễn Quốc Nhờ (10 tuổi); Nguyễn Thị Diền (7 tuổi) và Nguyễn Út Nhỏ (6 tuổi). Thằng út nằm thoi thóp, nước dãi chảy đầy miệng. Đứa anh cả là Thoại đang nấu nồi chuối xanh. Thằng Út Nhỏ thều thào: “Chú ơi con muốn ăn cơm, 3 ngày nay con không có ăn cơm”. Anh Hoàng trầm ngâm nói: “Những cảnh tình như thế, tôi gặp nhiều rồi, nhưng mỗi lần gặp lại cứ nghe lòng mình như dao cắt. Cuộc đời này còn quá nhiều trẻ thơ bất hạnh”.
Câu chuyện của chúng tôi tạm gián đoạn khi một nhân viên mang vào cho chị Ánh Nguyệt (Phó Giám đốc TT) bức thư của Ni gửi hai em: Ngân và Út. 3 anh em Ni bị cha mẹ bỏ rơi, sống với bà nội, được chị Nguyệt mang về năm 2005. Sau khi các em có cuộc sống ổn định tại TT, Ni đã quay về quê để chăm sóc bà. Những lời thơ con cóc, mộc mạc, chân quê rằng Ni rất nhớ hai em: “Chim anh cất tiếng gọi đàn, mà sau tiếng đáp xa xăm nơi nào”. Và còn có một nỗi nhớ, nỗi hờn cũng đang quay quắt trong lòng Ni: “Càng thương càng đợi càng hờn, hờn sao chim mẹ bỏ bầy chim non”. Hơn ai hết, chị Ánh Nguyệt cũng từng nếm vị đắng đời trẻ mồ côi nên chị hiểu những câu thơ con cóc của Ni. Chị thút thít: “Nỗi buồn tủi ấy chỉ có những người từng trải mới thấm thía, mới tường tận. Nó là sự mất mát không có gì lớn hơn”.
Nơi nương tựa của những “chiếc lá vàng”
Những ngày cận Tết Mậu Tý, nhành mai trước sân TT đâm nụ lác đác. Các cụ trong TT rủ nhau đánh lá mai. Từng cây mai trụi lá lộ ra một mảnh khăn tang trắng. Cô hai Tân, Trại trưởng Trại Nuôi dưỡng người già cơ nhỡ của TT, trầm giọng bảo: “Ngoại Sáu đã để lại cho chúng tôi số kiểng này. Những mảnh tang này để tri ân người đã khuất. Ngoại Sáu là một con người bình thường nhưng hữu ích, hữu ích ngay khi ở cái chốn được người đời xem là tận đáy cuộc đời này”.
 |
Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Cà Mau. |
Lúc mới về TT ngoại Sáu đã là một ông lão 90 tuổi nhưng hết sức hữu ích. Mười mấy năm ở với TT, ngoại Sáu chưa bao giờ làm phiền bất kỳ ai từ việc giặt giũ cho quần áo đến lau nhà, rửa bát. Không những thế, ngoại còn trồng được hàng trăm cây kiểng, tạo một màu xanh đẹp mắt cho TT ngày nay. Năm 2005, ngoại Sáu bị bệnh, những đứa con nuôi của ngoại đưa ngoại về Hà Nội. Một tháng sau, lúc nửa đêm, trời mưa tầm tã, ngoại Sáu lại tìm về TT. Sau lần đó, ngoại Sáu bộc bạch với Giám đốc Hoàng: “Ngoại muốn được chết ở tại TT, đừng đưa ngoại đi đâu hết... Ngoại sinh ra để trồng cây, con sinh ra để trồng người, mà là những người cơ nhỡ!”. Trước khi nhắm mắt, ngoại Sáu nắm chặt bàn tay của anh Hoàng nhắn nhủ: “Con phải nhang khói bàn thờ của Bác Hồ thay ngoại”.
Không chỉ những cụ ông, cụ bà có đóng nhiều đóng góp, suy nghĩ đáng quý như ngoại Sáu, TT còn cưu mang, “khuất phục” những cụ già trái tính trái nết, quen cuộc sống ngang dọc nơi đầu đường xó chợ như cụ Dương Thị Thiện. Cụ Thiện, 91 tuổi, cả đời quen sống dưới dạ cầu thớt thịt nên khi mới đưa về TT, cụ cứ đòi đi và chửi bới inh ỏi. Cụ bảo: “TT tào lao, người ta không cần mà cứ ép”. Các ngoại xúm nhau vận động, năn nỉ cụ ở chơi với TT vài ngày, kể cho TT nghe chuyện phiêu bạc giang hồ mấy mươi năm ngoài đời của cụ. Nghe có lý nên cụ ở lại vài ngày để kể chuyện cho mọi người nghe và cụ đã ở lại TT cho đến bây giờ. Và còn nhiều những câu chuyện về các cụ ông, cụ bà có tính tình kỳ lạ như cụ Huỳnh Phong Le, 83 tuổi được mệnh danh là “Chí Phèo”, dám mắng chửi và đòi cắn cổ y tá bệnh viện vì họ có thái độ không tốt với bệnh nhân; ngoại Sao đổ oan cho ngoại Út Ly trộm vàng, sau hai năm mới có dũng khí đứng ra nhận lỗi...
Tình yêu thương trong đại gia đình 143 thành viên
Hiện nay, TTBTXH tỉnh Cà Mau đã có 113 thành viên cơ nhỡ và trên 30 cán bộ công nhân viên nương tựa nhau như một đại gia đình có nề nếp gia phong hẳn hoi. Các cụ ông, cụ bà được xem như ngoại, được chăm sóc tốt về sức khỏe lẫn tinh thần. Các em, cháu nhỏ thì chỉ việc giúp nhau phấn đấu học tập. Mọi việc khác về cơm áo gạo tiền đã có các cô chú (được xem như cha, mẹ) lo toan. Gia quy của đại gia đình này là con cháu phải kính trọng cha mẹ, ông bà, chăm ngoan học hành, đỡ đần cho đàn em mới. Bậc ông bà phải tôn trọng lẫn nhau, sống có văn hóa.
Với những đứa trẻ bị bỏ rơi, tính khí càng khác thường, nhiều cháu mới về TT cứ muốn tìm cách bỏ đi hoặc học hành sa sút. Các cán bộ TT phải dùng tình thương, sự cảm thông sâu sắc để dạy bảo, uốn nắn. Trước đây, em Nguyễn Văn Vũ cũng mấy lần học hành xuống dốc vì buồn tủi. Chị Nguyệt đã phải tốn cả tháng để tâm sự, động viên, Vũ mới lấy lại tinh thần học tập và đã tiến bộ hơn. Hiện nay, Nguyễn Văn Vũ đang học năm thứ 2 tại Trường Đại học Cần Thơ. Chị Nguyệt kể: “Vũ đã lớn vậy chứ nhõng nhẽo lắm. Mỗi lần về thăm là đến sà vào lòng tôi. Lần nào tôi cũng cho nó 50.000 đồng, nó mừng lắm. Tôi cảm nhận được trong lòng nó xem tôi như mẹ ruột. Nó cảm thấy hạnh phúc được mẹ yêu thương. Tình thương đối với trẻ bị bỏ rơi quý hơn tất cả”.
Nhắc đến Vũ, mọi người lại nhớ đến trường hợp bé Hằng. Có lần Hằng tan học lại không về TT mà trốn theo mấy đứa bạn bụi đời. Cả đêm mọi người trong TT đã đổ ra đi tìm bé. Gặp bé, mọi người lắng nghe bé nói mới biết vì xấu hổ bởi kết quả học tập không tốt nên bé không dám về TT. Các cháu là vậy, tâm lý, tình cảm khác rất nhiều so với những đứa trẻ có đầy đủ cha mẹ. Cũng chính sợi dây tình cảm đã kết chặt các thành viên nơi đây lại với nhau.
* * *
Cuộc họp cuối năm 2007 kết thúc, ai cũng mừng ra mặt với nhiều thành công mới. Đặc biệt, những thành viên trong đại gia đình này càng vui hơn khi nghe nói về chuyện em Nguyễn Văn Vũ tiếp tục đạt được những thành tích tốt đẹp ở trường đại học. Chẳng ai biết được rồi sẽ còn bao nhiêu mảnh đời cơ nhỡ tìm đến TT. Giám đốc Hoàng không lo thiếu cơm, thiếu áo cho họ, nhưng anh biết lấy gì để chữa lành vết thương ở tâm hồn những trẻ thơ bị cha mẹ bỏ rơi. Còn anh bảo vệ TT thì có một mơ ước: “Giá mà trong những bụi rậm gần lô cốt của anh không còn tiếng khóc của trẻ thơ nữa!”.
Phóng sự TRẦN VŨ