01/01/2008 - 09:14

Lý và tình

Không biết nên xem chuyện này là nhỏ hay lớn, bởi vốn liếng của nó chỉ từ năm bảy trăm ngàn đến năm mười triệu đồng mà thôi. Đó là nói về giá trị của một chiếc xe ba gác, một chiếc xe lôi ở vùng đồng bằng sông nước này (và hàng trăm ngàn chiếc xe cùng loại trong cả nước). Giá trị chỉ chừng đó thôi nhưng những chiếc xe ba gác, xe lôi đã gồng gánh, nuôi sống biết bao gia đình trong những tháng năm khó nhọc. Nó gần như là phương tiện kiếm sống cuối cùng của rất nhiều gia đình lao động nghèo ở đô thị. Giờ đây, lệnh cấm lưu hành xe lôi, xe ba gác đã có hiệu lực thi hành. Lệnh cấm ấy không phải đột ngột được ban ra trong vài ngày qua mà đã được báo trước hàng năm rồi.

Nhưng điều muốn nói ở đây là tính hiệu quả của một lệnh cấm được ban ra, một khi nó va chạm tới đời sống của hàng trăm ngàn người (cả người hành nghề và người sử dụng nó). Lý do cấm xe ba gác, xe lôi (gọi chung là xe tự chế) thật đơn giản: Vì an toàn, vì mỹ quan thành phố. Nhưng đằng sau mục đích ấy vẫn đang là một khoảng trống quá lớn cho những giải pháp thỏa đáng để giải quyết tới nơi tới chốn đời sống của người lao động nghèo - những người (và gia đình họ) nhiều năm nay đã sống nhờ vào chiếc xe lôi, xe ba gác.

Hình như từ rất lâu rồi, nhiều người trong chúng ta có thói quen thật đáng trách là ít dám “nói ngược lại”, mà giờ đây chúng ta vẫn gọi là phản biện. Chính vì không có phản biện hoặc phản biện “cho có” mà trong thực thi quản lý nhà nước từ Trung ương tới cơ sở gặp không ít tổn thất, mất lòng dân trong nhiều trường hợp không đáng có. Cấm xe ba gác, xe lôi và các loại xe tương tự là cần thiết, nếu chúng ta có lộ trình chuẩn bị đầy đủ về thời gian cùng các giải pháp thay thế hợp lý, hợp tình. Hơn ai hết, trách nhiệm này thuộc về Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có liên quan.

Đâu phải tất cả xe ba gác, xe lôi từ trước tới nay không có giấy phép, không có giám định an toàn của ngành giao thông ở các địa phương. Bởi xe ba gác và xe lôi đâu phải chỉ xuất hiện sau năm 1975. Nó thật sự là phương tiện thiết yếu cho người dân đi lại trong các chợ búa, thị xã, thị trấn, trong vận chuyển hàng hóa cho người buôn bán nhỏ... Còn bây giờ, khi lệnh cấm có hiệu lực thì nhiều người dân gặp biết bao lúng túng, khó khăn, trong khi chưa thấy cấp chính quyền nào trả lời suôn sẻ, thỏa đáng về việc lo cho những người hành nghề xe lôi, xe ba gác.

Một số người có trách nhiệm ở các địa phương bảo sẽ hỗ trợ cho mỗi chủ xe một vài triệu đồng để họ chuyển nghề “cấp tốc”. Nhiều người biết, đó là cách nói... cho có. Có khi nào những người ấy đặt mình trong hoàn cảnh của người chạy xe ba gác, xe lôi? Rồi bây giờ thì mỗi địa phương nói một phách: chỗ thì bảo phải cương quyết xóa, chỗ thì nói cần phải gia hạn... Có chỗ thì “đối với các loại xe ba bánh nhập khẩu (do Trung Quốc sản xuất), Phòng Cảnh sát giao thông vẫn tiến hành cho đăng ký bình thường”- Thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM (báo Tuổi Trẻ, 30-12-2007). Có lẽ nào ngành cơ khí Việt Nam không sản xuất ra được một chiếc xe như thế và không đủ trình độ giám định an toàn, để đến đỗi phải nhập từ Trung Quốc mới được “đăng ký bình thường”?

Không chỉ tôi mà nhiều người đang mang nỗi buồn và trông chờ nghe tiếng nói phản biện từ các nhà quản lý kinh tế, với tư cách là nhà phản biện chuyên nghiệp đặt vấn đề trước thực trạng này. Xét ra, vấn đề cấm xe ba gác và xe lôi không phải căng thẳng, nan giải, phức tạp đến như vậy. Nhưng có lẽ do nhiều nơi, chính quyền địa phương còn quá hờ hững trước đời sống của người dân nghèo nên nhiều người mới lâm vào tình cảnh bức bối như hiện nay.

LÊ CHÍ

Chia sẻ bài viết