20/01/2009 - 14:59

Luồng gió mới

Phóng sự: Anh Khuyên

Mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới đã được gầy dựng khi Luật HTX được ban hành năm 1996. Tất nhiên là thực tiễn cuộc sống không ngừng vận động, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, nhưng nhiều người ví von Luật HTX năm 2003 (có hiệu lực từ 1-7-2004) là một luồng gió thổi sinh khí mới cho kinh tế tập thể. Các HTX có nhiều điều kiện thuận lợi chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thiết thực cho xã viên, tạo việc làm cho nhiều lao động và được hưởng ứng rộng rãi trong đời sống. Với nhiều hộ gia đình, HTX đã thực sự là chỗ dựa tin cậy...

Biến cỏ lác thành đô-la!

Từ nguyên liệu cói, lác, lục bình, HTX Quang Minh đã tổ chức sản xuất hàng đan đát xuất khẩu với kim ngạch đạt 4,2 triệu đô-la, tạo việc làm cho 4.000 lao động nông thôn có thu nhập 1-1,5 triệu đồng/tháng.

Ảnh: do HTX Quang Minh cung cấp

Về Sóc Trăng, tôi đến gia đình anh Lý Văn Võ ở xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, trong nhà anh đang rộn rịp giao nhận hàng đan đát gia công với 2 chiếc xe tải chuẩn bị đưa hàng đi TP HCM. Vừa ngơi tay kiểm tra hàng, anh Lý Văn Võ mở đầu câu chuyện: “Cuối năm 2005, gia đình tui gánh số nợ tới 200 triệu đồng sau 6 vụ nuôi tôm liên tiếp thất bại. Không còn đường xoay xở, tui đưa vợ ra HTX Ngọc Bích học nghề đan đát và xin nhận hàng về gia công. Vậy mà nhờ nghề này lần hồi tui gỡ được nợ”. Cái Tết năm nay hứa hẹn nhiều niềm vui cho gia đình anh Lý Văn Võ khi đã trả được hơn phân nửa số nợ. Anh còn góp vốn 100 triệu đồng vào HTX Ngọc Bích và vừa được đại hội xã viên bầu làm Phó Chủ nhiệm HTX. Nhưng niềm vui lớn nhứt, theo anh, là thu hút được 1.800 lao động nơi đây đến với nghề đan đát.

Tháng 9-2008, đại hội xã viên HTX Ngọc Bích (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên) đã thống nhất tăng vốn điều lệ lên 800 triệu đồng, tỷ lệ lợi nhuận chia trên vốn góp là 10%. Xã viên còn được chia phần trăm trên giá gia công sản phẩm sản xuất được. Hiện tại, HTX giải quyết được việc làm cho khoảng 3.000 lao động, phần đông là bà con người dân tộc Khmer, với thu nhập từ 400.000-1.000.000 đồng/người/tháng. Chị Huỳnh Ngọc Bích, Chủ nhiệm HTX, tâm sự: “Nghề làm hàng thủ công xuất khẩu vừa giải quyết việc làm cho bà con lúc nông nhàn, vừa giúp bà con có thêm thu nhập từ các công đoạn: trồng, thu hoạch, thu mua nguyên liệu cói, lác, lục bình bán lại cho HTX, nên ý nghĩa xã hội rất lớn. Nếu các HTX cùng ngành nghề có thể liên kết lại để khai thác thị trường sẽ tạo được việc làm cho bà con nhiều hơn”.

Anh Hoàng Văn Hưng, Chủ tịch Liên Minh HTX Sóc Trăng, cho tôi hay: “Chúng tôi vừa tổ chức đoàn tham quan HTX Quang Minh ở Tiền Giang để bàn chuyện liên kết tìm đầu ra cho các HTX tiểu thủ công nghiệp ở Sóc Trăng”. Thông tin này đưa tôi tìm đến HTX Quang Minh – đơn vị vừa được trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ về thành tích “biến cỏ lác thành đô-la”. Anh Cao Dũng Khanh, Chủ nhiệm HTX Quang Minh, nhiệt tình giải thích: “Thị trường nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Hoa Kỳ và châu Âu là miếng bánh lớn mà các nhà cung cấp Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ bé so với Trung Quốc. Vì vậy, tôi không ngại giúp đỡ, hướng dẫn các HTX khác trong việc khai thác thị trường, trong đó, quan trọng nhất là tổ chức sản xuất, kinh doanh để có thể xuất khẩu trực tiếp, gia tăng giá trị của sản phẩm, tăng thu nhập của người lao động”.

Sản phẩm của HTX Quang Minh với hàng trăm loại sản phẩm hầu hết được xuất khẩu trực tiếp. Trong đó, 30% nguồn hàng do HTX tự thiết kế mẫu mã. “Bí quyết” thành công của HTX Quang Minh là: Quy trình sản xuất hoàn thiện tới khâu cuối cùng để đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Bộ phận kinh doanh am hiểu thị trường và các quy trình, thủ tục xuất khẩu, các điều kiện thanh toán, giao nhận hàng. Thường xuyên tham dự các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ngoài để giới thiệu, quảng bá sản phẩm... Anh Cao Dũng Khanh thẳng thắn bày tỏ: “Vấn đề cốt lõi nhất là con người. Phải thu hút được những người giỏi và có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Ở HTX Quang Minh, lương của nhân viên làm công tác quan hệ với khách hàng nước ngoài cao hơn cả lương của chủ nhiệm. Ngoài ra, để HTX phát triển bền vững, cần tuân thủ đúng 4 nguyên tắc: tự nguyện; dân chủ, bình đẳng và công khai; tự chủ, tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi; đề cao tinh thần hợp tác và phát triển cộng đồng”.

Tiếp sức cho nông dân

Năm 2005, giá cả nông sản bấp bênh, bà con ở xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long bị thương lái ép giá nên nhóm họp lại tính cách liên kết làm ăn. Ý tưởng thành lập HTX trồng rau an toàn cung cấp cho doanh nghiệp được hưởng ứng, nhưng nhiều người bỏ câu thòng: “Vô HTX thì vô, mức vốn góp tối thiểu 300.000 đồng cũng được. Nhưng HTX làm trước đi, bán được rau cho tui thì tui lấy tiền đó góp vốn”. Thế là HTX Rau an toàn Thành Lợi được thành lập với 22 xã viên, diện tích canh tác 22 ha, vốn điều lệ 8 triệu đồng. Đến nay, HTX có nhiều khách hàng thường xuyên là các công ty chế biến thực phẩm xuất khẩu ở Vĩnh Long, TP Cần Thơ, TP HCM... Nhờ đó, gần 200 ha trồng rau màu của xã viên HTX và các thành viên liên kết ở các xã khác của huyện Bình Tân và huyện Trà Ôn có đầu ra với giá ổn định.

Trên đường đưa tôi ra thăm đồng, anh Lê Văn Trung, Chủ nhiệm HTX, cho biết, phần lớn bà con nơi đây có diện tích canh tác dưới 1 ha (10 công) nên phải xoay vụ sản xuất rau màu ngắn ngày mới “có ăn”. Câu chuyện bị gián đoạn vì anh Nguyễn Văn Hiệp kéo chúng tôi lại khoe đám cà chua đang cho trái sai oằn, trái nào trái nấy căng mọng, phơn phớt hồng nhìn phát mê. Thấy người lạ, nhưng anh Hiệp vẫn không ngần ngại giới thiệu luôn với khách: “Đây là giống cà chua mới ghép gốc cà tím, HTX vừa đưa về giới thiệu với bà con. Giống cà này có ưu điểm: không bị bệnh héo xanh, kháng bệnh chùn đọt, vàng lá. Tui có 3 công trồng bầu và củ cải, nhưng hy vọng năm nay ăn cái Tết kha khá đặt vào 1 công trồng cà chua này”. Câu chuyện thêm sôi nổi khi anh Dương Văn Bình đang tỉa đậu bắp ở miếng ruộng kế bên nói vói qua. “Năm nay, chuyện giá cả, bán buôn đều suôn sẻ, nhưng mấy ông ở HTX mà lo được chuyện bán phân giá rẻ nữa thì năm sau tụi tui ngon lành”. Anh Trung trả lời luôn: “Có gần một chục người đang xin vào HTX, đợi đại hội xã viên quyết định. Trong đó, có ông Y, chủ đại lý phân bón cấp 1, mấy ông sẽ mua được phân với giá bán của đại lý cấp 1”...

Nói về định hướng phát triển sắp tới của HTX, anh Lê Văn Trung trăn trở: “Liên minh Hợp tác xã tỉnh có chủ trương xây dựng HTX Thành Lợi làm nòng cốt để thành lập Liên hiệp HTX thương mại tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhưng điều tôi băn khoăn nhất hiện nay là bà con mình thiếu vốn, nên khó chủ động sản xuất”.

Tôi nhớ lại những thời điểm khó khăn nhất của thị trường tiền tệ năm 2008, vấn đề vốn đầu tư cho khu vực nông thôn là một trong những bức xúc được quan tâm hàng đầu của Nhà nước. Hệ thống các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) được đánh giá có vai trò quan trọng cung ứng vốn cho nông thôn như những kênh thủy lợi dẫn nước về nội đồng. Ở An Giang, theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh này, QTDND là mô hình hợp tác hoạt động ổn định nhất trong các loại hình HTX ở tỉnh An Giang mà QTDND Mỹ Bình là một điển hình.

Năm 2007, QTDND Mỹ Bình được tặng bằng khen của Chính phủ bằng những thành tích ấn tượng: QTDND Mỹ Bình đã huy động vốn từ các thành viên khu vực thành thị để phát vay cho hơn 4.600 thành viên chủ yếu ở khu vực nông thôn với tổng dư nợ hơn 125 tỉ đồng. Trong nhiều năm, tỷ lệ nợ quá hạn của QTDND Mỹ Bình luôn ở mức dưới 1%. Năm 2008, tỷ lệ nợ quá hạn đã hạ xuống ở mức 0,77%. Trong khi khách hàng vay vốn của QTDND Mỹ Bình chủ yếu là hộ nghèo với địa bàn liền kề các phường, xã, thị trấn. Để làm được điều này, QTDND Mỹ Bình thành lập một mạng lưới cộng tác viên tín dụng là những người có kiến thức, uy tín, có điều kiện gần gũi tâm tình, động viên khách hàng chí thú làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích trong tình làng nghĩa xóm. Chị Huỳnh Thị Ri, Giám đốc QTDND Mỹ Bình, tâm sự: “Qua mạng lưới cộng tác viên hơn 10 người, tôi còn biết được nhiều gia đình thành viên nghèo nhờ vay vốn của chúng tôi mà làm ăn ổn định cuộc sống, nuôi con ăn học thành tài. Nhiều thành viên vươn lên khá giả đã gửi vốn lại cho QTDND Mỹ Bình. Điều đó không những động viên chúng tôi nỗ lực phục vụ tốt hơn, mà còn quan tâm đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng qua các chương trình công tác xã hội...”.

Tìm hướng đi mới

Khách hàng chọn mua hoa kiểng của HTX Mẫn Thanh.

 Ảnh: A.K

Trong danh sách 100 HTX mạnh toàn quốc do Liên minh HTX Việt Nam bình chọn năm nay, TP Cần Thơ có 3 HTX. Trong đó, duy chỉ có 1 trong số 65 HTX nông nghiệp và thủy sản được bình chọn là HTX Thới An chuyên nuôi cá tra. Trong khi đó, theo Chương trình xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, TP Cần Thơ sẽ phát triển nền nông nghiệp sinh thái đô thị. Vấn đề này được anh Nguyễn Quốc Hải, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, giải đáp: “Trong định hướng trên, vấn đề phát triển sản xuất hoa kiểng gắn với nhu cầu phát triển đô thị đang được chú ý nhiều. Vài năm gần đây, nghề hoa kiểng ở TP Cần Thơ đã có nhiều khởi sắc với 3 HTX hoa kiểng được thành lập. Trong đó, HTX Mẫn Thanh đã ký được hợp đồng xuất khẩu hoa kiểng sang Hàn Quốc...”.

Tôi tìm đến HTX hoa kiểng Mẫn Thanh ở đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Thật bất ngờ khi biết HTX nằm ở ngay địa bàn làng hoa Thới Nhựt nhưng hầu hết xã viên là phụ nữ và nghề kinh doanh “tay trái” này xuất phát từ thú chơi hoa kiểng. Quyết định mở mũi làm ăn mới, các chị góp vốn lại được 20 triệu đồng và liên hệ Liên minh HTX thành phố hướng dẫn soạn thảo điều lệ hoạt động và các bước thành lập HTX. Đến cuối năm 2007, chỉ 1 năm sau khi thành lập, HTX Mẫn Thanh đã ký được hợp đồng xuất khẩu đầu tiên giao 100.000 cây kiểng kim phát tài cho thị trường Hàn Quốc trong năm 2008.

“Tiếp tục đổi mới, phát triển HTX, tổ hợp tác phù hợp với nguyên tắc tổ chức của HTX và cơ chế thị trường; hỗ trợ kinh tế tập thể về đào tạo cán bộ quản lý, lao động; tiếp cận các nguồn vốn, trợ giúp kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và các dự án phát triển nông thôn; HTX phải làm tốt các dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân”.

Trích Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”

Phải thuyết phục lắm, chị Huỳnh Thị Chiêu, Chủ nhiệm HTX Mẫn Thanh, mới thố lộ: “Cây kiểng kim phát tài xuất khẩu bị cạnh tranh nhiều với bên Cái Mơn nên giá thấp, xã viên không có lời nhiều. Chúng tôi đã bàn bạc chọn loại cây khác, dễ trồng hơn, giá cao hơn và đang xúc tiến đàm phán cho hợp đồng xuất khẩu năm sau. Hiện tại, tôi đang đầu tư cây giống cho xã viên trồng để “đón đầu” thị trường, khoảng 3 năm nữa sẽ cho thu hoạch”. Hướng đẩy mạnh xuất khẩu ở HTX Mẫn Thanh có nhiều triển vọng và được xã viên nhất trí cao. HTX đã có được sự hỗ trợ của các nhà khoa học ở các Trường Đại học Cần Thơ và ở TP HCM tư vấn về chuyên môn, giới thiệu giống cây mới... Liên minh HTX thành phố cũng thường xuyên quan tâm hướng dẫn các vấn đề về quản lý, lập sổ sách kế toán và kỹ năng đàm phán hợp đồng. Chị Huỳnh Thị Chiêu cũng tính chuyện làm ăn bài bản hơn khi đầu tư cho cô con gái đi học lớp Trung cấp Bảo vệ thực vật để về làm việc cho HTX trong thời gian tới.

Như để sẻ chia mong ước của mình, chị Huỳnh Thị Chiêu tâm sự: “Diện tích sản xuất của làng hoa Thới Nhựt đang thu hẹp dần. Việc duy trì nghề trồng hoa kiểng rất cần thiết để tạo mảng xanh và làm đẹp cho thành phố. Các chị em phụ nữ làm nội trợ như tôi chỉ cần có đam mê với nghề hoa kiểng cũng có thể tham gia. Bởi vì khi tận dụng khoảng trống ở sân nhà, ban công, khu vực giếng trời để trồng hoa kiểng, vừa làm đẹp căn nhà, khu phố, vừa có thêm thu nhập. HTX Mẫn Thanh sẵn sàng cung cấp cây giống, tư vấn về kỹ thuật chăm sóc và nhận ký gửi, tiêu thụ cây kiểng cho chị em”.

***

Hiện nay, ở khu vực ĐBSCL ngày càng có nhiều điển hình HTX thành công nổi bật, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và giúp xã viên từ nghèo khó vươn lên khá giàu, góp phần phát triển đời sống khu vực nông thôn. Ở những HTX mà chúng tôi đã ghé qua, mẫu số chung cho sự thành công chính là: có định hướng phát triển đúng đắn, đặt quyền lợi của xã viên lên hàng đầu; huy động được các nguồn lực của xã viên, phát huy tinh thần đoàn kết “chiến đấu” với đói nghèo; năng động, mở rộng liên kết với các HTX khác để cùng phát triển...

Chia sẻ bài viết