02/05/2021 - 19:28

Lục quân Mỹ muốn thống trị Bắc Cực 

Lục quân Mỹ vừa công bố chiến lược Bắc Cực mang tên “Giành lại sự thống trị ở Bắc Cực”, trong đó phác thảo cách lực lượng này theo đuổi mục tiêu bảo vệ lợi ích của Washington tại khu vực.

Tìm kiếm sự giúp đỡ của đồng minh

Binh sĩ Mỹ trong cuộc tập trận Sói Bắc Cực. Ảnh: US Army

Binh sĩ Mỹ trong cuộc tập trận Sói Bắc Cực. Ảnh: US Army

Chiến lược nhấn mạnh, trong bối cảnh Nga và Trung Quốc gia tăng hoạt động ở Bắc Cực, Lục quân Mỹ “cần phải có chương trình huấn luyện phù hợp để kéo dài khả năng chống chịu môi trường Bắc Cực khắc nghiệt, cần phải có các thiết bị có khả năng hoạt động ở địa hình phức tạp với nhiệt độ khắc nghiệt và hệ thống cơ sở hạ tầng có thể hỗ trợ các lực lượng Mỹ ở bất cứ nơi đâu”.

Do đó, Lục quân Mỹ tại Alaska gần đây đã tiến hành cuộc tập trận mang tên Sói Bắc Cực, thể hiện quyết tâm được đưa ra hồi năm ngoái là sẽ “tập trung vào những thời điểm lạnh nhất trong năm”. Tham gia cuộc tập trận còn có một đơn vị của Canada, qua đó phản ánh quan hệ quốc phòng lâu đời của 2 nước láng giềng Bắc Mỹ.

“Những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện là mở rộng quan hệ của chúng tôi với các đồng minh và đối tác khác. Chúng tôi đã được bật đèn xanh để bắt đầu hợp tác với các đồng minh và đối tác khác tại khu vực, gồm Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Chúng tôi biết rằng có rất nhiều điều mà chúng tôi phải học hỏi, bởi Na Uy rõ ràng có lịch sử tuyệt vời về hoạt động trong môi trường đặc biệt đó” - Tướng Peter Andrysiak, Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Alaska, cho biết.

Theo tờ Business Insider, Mỹ trong năm nay còn tham gia cuộc tập trận tác chiến mùa đông của Phần Lan, trong khi Mũ nồi xanh, lực lượng tác chiến đặc biệt trực thuộc Lục quân Mỹ, thì tham gia cuộc tập trận tác chiến mùa đông của Thụy Điển. Ngoài ra, Lục quân Mỹ còn tham khảo ý kiến của các lực lượng nước ngoài khi tập hợp tài liệu cho chiến lược Bắc Cực, trau dồi kiến thức cũng như đúc kết kinh nghiệm từ các đồng minh về cách hoạt động trong thời tiết khắc nghiệt, trên địa hình đồi núi và ở những nơi có độ cao lớn.

Là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), Na Uy trong nhiều thập kỷ qua đã hợp tác với quân đội Mỹ về bảo quản thiết bị và huấn luyện quân đội. Trong khi đó, Thụy Điển và Phần Lan tuy không thuộc NATO nhưng đã hợp tác chặt chẽ với liên minh này giữa lúc căng thẳng với Nga ngày càng gia tăng.

Lục quân Mỹ tại Alaska còn hợp tác huấn luyện và tập trận với binh sĩ Ấn Độ trong điều kiện núi tuyết tại Himalaya. Trong cuộc xung đột đẫm máu giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực này hồi năm ngoái, Mỹ đã hỗ trợ New Delhi thông tin tình báo và thiết bị chịu lạnh, điều này giúp Washington hiểu rõ những yêu cầu tác chiến ở điều kiện tương tự.

Vẫn còn nhiều thách thức

Trong số các mục tiêu của chiến lược Bắc Cực, có việc thành lập một trụ sở hoạt động được trang bị và huấn luyện đặc biệt, sẵn sàng hoạt động ở Bắc Cực và đảm trách huấn luyện lực lượng Mỹ trong khu vực. Mục đích là để các binh sĩ Mỹ có khả năng tham gia vào các hoạt động khắc nghiệt không chỉ ở Alaska mà trên khắp Bắc Cực hay bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, thời tiết cực lạnh, tuyết và địa hình không bằng phẳng là những thách thức mà Lục quân Mỹ phải đối mặt trong những tháng mùa đông.

Chiến lược cũng kêu gọi đầu tư vào các thiết bị có thể sử dụng được trong điều kiện nhiệt độ -65°C. Song, phần lớn các thiết bị của Lục quân Mỹ như lều, pin cũng như các loại xe quân sự đều không thể hoạt động tốt, thậm chí không hoạt động được trong điều kiện quá lạnh. Nhiệt độ đóng băng cũng cản trở việc nấu nướng cũng như các hoạt động thiết yếu khác, gây ảnh hưởng tới các thiết bị điện tử, hệ thống thủy lực, hệ thống phanh, thậm chí là các loại vũ khí.

“Với những lớp tuyết dày tới 41-46cm, nếu không dọn lối đi thì các thiết bị khó có thể hoạt động được. Ngay cả trong những tháng ấm hơn, việc di chuyển cũng gặp nhiều khó khăn khi sông, hồ, đầm bắt đầu tan băng” - Tướng Andrysiak lo ngại. Được biết, trong những năm 1980, Lục quân Mỹ tại Alaska có tới 700 phương tiện có thể dễ dàng di chuyển trên tuyết, nhưng hiện tại con số này còn chưa tới 50.

Theo Elizabeth Felling, nhà hoạch định chiến lược của Lục quân Mỹ, dù có nhiều căn cứ trên khắp Alaska, các khu vực của bang này vẫn thiếu cơ sở hạ tầng vận tải, đường sá hay cảng. “Nếu chúng ta muốn đưa lực lượng tới các vùng xa xôi khắc nghiệt, hoặc chúng ta phải có các loại phương tiện hoạt động để giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, hoặc chúng ta phải xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn sẽ mất khá nhiều thời gian” - Tướng Andrysiak nhấn mạnh.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết