28/07/2019 - 14:32

Lực đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh 

Những năm gần đây, TP Cần Thơ thực hiện nhiều giải pháp để huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước được xem là yếu tố then chốt cho sự phát triển.

Thành phố luôn tạo điều kiện cho DN hoạt động. Trong ảnh: Gia công hàng xuất khẩu tại Công ty Cổ phần May Meko, KCN Trà Nóc.

► Thay đổi phương thức quản lý

Trong 5 năm (2014-2018), Chính phủ liên tục ban hành các nghị quyết, thể hiện quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực hiện Nghị quyết 19, các bộ, ngành và địa phương đã chủ động tham gia, hàng ngàn điều kiện kinh doanh bất hợp lý được rà soát và bãi bỏ; hơn 50% DN đã đánh giá môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu đã được đổi mới cơ bản theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với nhiều loại hàng hóa; số lượng dịch vụ công trực tuyến cũng tăng nhanh. Các địa phương đều chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và bước đầu tạo được phong trào trong giới trẻ, lĩnh vực nông nghiệp...

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Sở đã tham mưu UBND thành phố kế hoạch thực hiện gắn với nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố. Trong 2 năm (2016-2017) thành phố ban hành 4 Chương trình hành động, 4 Kế hoạch và 2 Chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI, qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức các sở, ngành, quận huyện và người dân. Nhiều sở, ngành và cơ quan đã chỉ định đầu mối chuyên trách việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19, cũng như theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. Các sở, ngành và địa phương đều chú trọng cải cách hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ; giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân và DN.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, công tác hỗ trợ và phát triển DN cũng đạt kết quả khả quan, thu hút đầu tư được tăng cường, hệ sinh thái khởi nghiệp dần hình thành rõ nét. Đăng ký DN qua mạng điện tử quốc gia được vận hành hiệu quả; thủ tục gia nhập thị trường, thời gian đăng ký DN rút ngắn từ 7 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc và đang phấn đấu giảm còn 2 ngày làm việc, gần 100% hồ sơ đều được xử lý trước và trong hạn. Thu, nộp Bảo hiểm xã hội giảm mạnh từ 150 giờ xuống còn 49,5 giờ; thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế 6 ngày làm việc, đối với hồ sơ kiểm tra trước khi hoàn thuế là 40 ngày làm việc; thời gian kiểm tra thuế thực hiện không quá 5 ngày, thanh tra thuế không quá 30 ngày; cấp phép xây dựng được rút ngắn tứ 30 ngày xuống còn 15 ngày; cấp phép xây dựng trong khu chế xuất, công nghiệp rút xuống còn 10 ngày… Những nỗ lực này đã góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng trên địa bàn thành phố.

► Chung sức hỗ trợ DN

Sự chuyển động tích cực của thành phố trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh đã được DN ghi nhận và đánh giá cao. Tổng số DN hoạt động trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8.128 DN, vốn đăng ký bình quân 9,76 tỉ đồng/DN. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ DN quay trở lại nền kinh tế sau khi tạm dừng hoạt động đạt 67,12%, tỷ lệ hộ kinh doanh đủ điều kiện đồng ý chuyển sang hoạt động theo loại hình DN đạt trên 14%; tỷ lệ DN đăng ký tăng vốn trên 30,8%, với số vốn bình quân 15 tỉ đồng/DN.

Mặc dù đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, nhưng vẫn còn nhiều DN cho rằng, nhiều nơi vẫn còn thực hiện hình thức trong việc tiếp xúc DN, những kiến nghị của DN chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là các vấn đề liên quan đến quy trình, thủ tục đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, tín dụng… DN thường xuyên gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, thị trường, tiếp cận tín dụng, mặt bằng kinh doanh. Thêm vào đó, việc rà soát, đánh giá để loại bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tại thành phố còn nhiều khó khăn, do các thủ tục hành chính do Trung ương ban hành và công bố.  

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho rằng, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển cần tăng cường hỗ trợ DN vừa và nhỏ, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ môi trường pháp lý; hỗ trợ khởi sự DN, đảm bảo mục tiêu tăng nhanh về số lượng và chất lượng DN trên địa bàn thành phố. Trong đó cần quan tâm chuyển đổi khoảng 10% hộ kinh doanh cá thể lên hoạt động theo các loại hình DN. Những nội dung này cần sự chung sức của các sở, ngành và quận, huyện để cùng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để hấp dẫn DN, nhà đầu tư đến với thành phố, lãnh đạo thành phố và các sở, ngành cần tăng cường đối thoại với DN để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn; tiếp tục rà soát, kiến nghị Trung ương bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian, chi phí và rủi ro cho DN.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương thành phố, Sở chỉ đạo phòng chức năng tạo điều kiện và cấp C/O cho DN nhanh nhất để rút ngắn thời gian xuất khẩu cho DN. Song, hiện hầu hết thị trường nhập khẩu hàng nông sản của DN Việt Nam, trong đó có Cần Thơ, đặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu, họ kiểm tra 100% các lô hàng, chứ không kiểm ngẫu nhiên như trước nữa. Do vậy, rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm rất gay gắt. Để hỗ trợ DN về thị trường xuất khẩu, ngành công thương thành phố sẽ phối hợp với ngành chức năng thành phố, Bộ Công thương xúc tiến sang thị trường Nam Mỹ, Đông Âu, ASEAN để thay thế cho các thị trường khó tính, hỗ trợ DN.

Bài, ảnh: SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết