15/03/2013 - 16:04

NHÂN NGÀY QUỐC TẾ VỀ QUYỀN NGƯỜI TIÊU DÙNG 15-3 :

Luật chưa thực sự đi vào cuộc sống

Lãnh đạo TP Cần Thơ tìm hiểu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại Chương trình “Kết nối nhà sản xuất - phân phối”.
Ảnh: MỸ THANH

Tròn hai năm sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đi vào cuộc sống nhưng dường như người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa thực sự hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, hoặc những người hiểu thì tâm lý e ngại vẫn đè nặng trở thành rào cản để họ thực thi những quyền lợi được hưởng. Đó là điều trăn trở không chỉ của một mình ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội BVQLNTD. Xuất phát từ thực tế đó, Hiệp hội BVQLNTD đã đưa ra chủ đề cho ngày Quốc tế về Quyền NTD (15-3) năm nay là: “Thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Lúng túng với rào cản

Tại Khoản 2, Điều 42, Luật Bảo vệ người tiêu dùng có nêu rõ, khi mua và sử dụng phải sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, chất lượng thì lỗi thuộc về nhà sản xuất và nhà sản xuất cũng như đơn vị bán hàng phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề của khách hàng. Tuy nhiên, do việc hướng dẫn thực hiện còn nhiều hạn chế nên đến thời điểm này, việc triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong khi đó, vai trò của các tổ chức xã hội tham gia và hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD nói chung và các tổ chức bảo vệ NTD nói riêng còn khá lúng túng.

Mới đây, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.512 cơ sở kinh doanh gas và xăng dầu đã phát hiện 255 cơ sở có những vi phạm về đo lường, chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của NTD. Phần lớn các vi phạm gồm: sử dụng phương tiện đong đếm không bảo đảm tiêu chuẩn, cố tình lắp đặt thêm những chi tiết để làm sai lệch kết quả...Việc vi phạm xảy ra trên hầu khắp các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn, đô thị nơi có sức mua cao và ổn định. Chưa có số liệu chính xác nào về tổn thất về vật chất, nhưng những thiệt hại về sức khỏe, thậm chí đe dọa về tính mạng của NTD thì đã rõ và được đề cập liên tục trên phương tiện thông tin đại chúng và dư luận. Người ta chưa thể quên những vụ việc đáng sợ như sữa nhiễm độc, nước mắm có phân đạm, rượu uống vào “chết ngay”, hóa mỹ phẩm “lột da” mặt siêu tốc...Tuy nhiên, khi NTD được hỏi về vấn đề “Quyền lợi NTD đã được bảo vệ thiết thực chưa sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đi vào cuộc sống” thì câu trả lời vẫn chỉ là: Chưa có gì chuyển biến so với trước khi luật ra đời. Đáng quan ngại hơn, nhiều NTD còn cho biết, không để ý Luật đó như thế nào, quyền lợi họ được hưởng là gì.

Chẳng hạn như trường hợp chị Lương Hoàng Giang, nhân viên văn phòng tại phố Quán Sứ cho biết: Nhiều lần đi mua hàng, chị bị cân thiếu, hoặc mua quần áo ở mác áo đề “Made in Việt Nam” nhưng lật ra đằng sau mới té ngửa ra là “Made in China”. Biết quyền lợi của mình đã bị xâm hại song, chị Giang vẫn tặc lưỡi bỏ qua và cho rằng: “Chuyện nhỏ, kiện cáo chỉ mất thêm thời gian”. Hay có những trường hợp khác khi được hỏi về quyền lợi, NTD mới té ngửa ra mình được bảo vệ. Tâm lý e ngại, ngại va chạm cũng là rào cản để NTD đấu tranh đòi quyền lợi của mình đến cùng. Đơn cử như trường hợp của chị Giang nói trên, dù biết rõ ràng mình bị xâm hại quyền lợi, và chị cũng biết về Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã thực thi 2 năm nay, song chị vẫn không “gõ cửa” cơ quan công quyền để nhờ can thiệp vì ngại va chạm là tâm lý đè nặng NTD lâu nay, nhất là trong những trường hợp thiệt hại không lớn, NTD thường dễ dàng bỏ qua nhưng họ không thấy rằng thiệt hại cho cộng đồng là lớn.

Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), nguyên nhân chính của việc Luật BVQLNTD chưa đi sâu vào cuộc sống bởi công tác tuyên truyền Luật đến với NTD còn nhiều hạn chế. Hiện nay, đang tồn tại một thực trạng là, chỉ những người trong cuộc mới hiểu rõ Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đưa ra 8 quyền lợi mà NTD được hưởng, trong khi đó ngay chính bản thân NTD lại không biết mình được hưởng những quyền lợi gì. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa khiến NTD vẫn thờ ơ với Luật là bởi Luật ra đời nhưng những biểu hiện cụ thể của những người thực thi pháp luật lại chưa được thể hiện rõ ràng. Họ chưa thực sự “xắn tay” vào cuộc hoặc có vào cuộc thì quá chậm trễ, khiến NTD nản và thiếu niềm tin vào cơ quan nắm quyền.

Ông Mừng cho biết thêm: NTD luôn là đối tượng được pháp luật bảo vệ tuy nhiên kết quả của việc này chưa được như ý, còn thấp xa so với yêu cầu thực tiễn và của NTD. Nguyên nhân chủ quan do lực lượng thực thi mỏng, còn thiếu chế tài- quy định pháp lý đủ mạnh để có thể xử lý nghiêm và xóa bỏ được vấn nạn này. Đặc biệt, hiện lực lượng chuyên trách để tiếp thu các vụ việc, trực tiếp giải quyết những vụ việc còn rất thiếu về quân số và chưa đạt yêu cầu về nghiệp vụ, nhất là chưa thể đạt trình độ chuyên nghiệp. Trong khi đó, trang thiết bị cũng còn sơ sài và thiếu. Hiệp hội bảo vệ NTD và Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam cũng chưa thể phát huy hết chức năng, chủ yếu mới dừng ở việc hòa giải, thương lượng giữa các bên liên quan. Đồng thời, dư luận lại chưa tỏ rõ quan điểm, chưa thống nhất và tạo ra làn sóng đủ mạnh để lấn át và triệt tiêu các vụ vi phạm về quyền của NTD.

Chủ động bảo vệ mình

Để đảm bảo quyền lợi cho NTD, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các doanh nghiệp nên tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ NTD đến đông đảo quần chúng nhân dân. Mỗi doanh nghiệp nên treo pano, áp phích ghi 8 quyền lợi NTD tại các điểm bán hàng... Cùng với đó, vấn đề cốt lõi phải là hoàn thiện cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ NTD xuyên suốt từ trung ương đến địa phương mà Sở Công Thương là cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Ngoài ra, cần tăng cường ý thức của cả người sản xuất- chế biến và tiêu thụ, tuyên truyền sự cần thiết chấp hành quy định của Nhà nước và khuyến khích sự phát hiện, đấu tranh với các vi phạm quyền của NTD trên diện rộng; nâng cao năng lực và kỹ thuật xét nghiệm, phân tích mẫu sản phẩm.

Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NTD là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Do đó, Nhà nước cần khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ NTD và thực hiện pháp luật về bảo vệ NTD. Mặt khác, phát hiện và khuyến cáo cộng đồng về hàng hóa, dịch vụ có chất lượng hoặc độ an toàn thấp, có nguy cơ gây ảnh hưởng môi trường và sức khỏe của NTD và các thương nhân có dấu hiệu không thực hiện đúng trách nhiệm về bảo vệ NTD cũng là việc cần làm ngay.

Về phía doanh nghiệp, theo ông Hùng cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với NTD theo quy định trong Luật BVQLNTD và các văn bản khác có liên quan. Mặt khác, các lực lượng chức năng sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước đẩy lùi tình trạng kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi NTD và uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đặc biệt, các đại diện của NTD kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội cần chú trọng, quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ NTD ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Về phía các địa phương cần hoàn thiện bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền lợi NTD. Đặc biệt, NTD cần hiểu biết các quyền của mình và chủ động bảo vệ quyền lợi của mình.

UYÊN HƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết