04/01/2021 - 08:41

Lúa đông xuân sớm tránh hạn mặn an toàn 

Từ kinh nghiệm phòng tránh hạn mặn đầu vụ, nhiều địa phương vùng khô hạn, vùng ven biển ĐBSCL xuống giống sớm lúa đông xuân 2020-2021. Đến nay một số vùng lúa trổ chín, sắp thu hoạch.

Thăm đồng lúa sớm

Vụ lúa đông xuân này vùng ÐBSCL có kế hoạch xuống giống trên 1,5 triệu héc-ta. Từ đầu tháng 10-2020 một số địa phương các tỉnh vùng ven biển nguy cơ khô hạn xuống giống sớm hơn gần một tháng so với lúa đông xuân cùng kỳ mấy năm trước đây. Ðến nay toàn vùng có hơn 100.000ha lúa trổ, 200.000ha lúa làm đòng, 700.000ha lúa đẻ nhánh.

Trên vùng lúa sớm vùng Nam sông Hậu, thăm đồng lúa vừa gieo sạ 12 ngày của nông dân Trần Thống Nhất, ở ấp Ðông A, xã Ðông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Ông Nhất khoe lúa thơm Jasmine 85 gieo cấy máy đang trong giai đoạn nở bụi xanh mơn mởn. Nhờ có dự án VnSAT tập huấn kỹ thuật lúa cấy chỉ tốn 8kg lúa giống/công, trong khi trước đây tốn đến 22-25 kg/công, nhưng lợi ích rõ nhất là giúp giảm sâu bệnh, giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật 30-40% so với trước đây. Lúa đông xuân mùa này nước lên đồng dồi dào, đảm bảo chủ động sản xuất.

Qua vùng lúa ở Hậu Giang, đoàn công tác đến thăm cánh đồng lúa của nông dân Nguyễn Văn Nam, ấp Trường Lợi, Trường Long A, huyện Châu Thành A. Ông Nam có 11 công lúa, xuống giống 15 ngày xanh mịt. Năm nay nhờ hệ thống đê bao chủ động nước sản xuất nên phòng trừ ốc bươu vàng cho giai đoạn đầu vụ. Hiện quanh cánh đồng Trường Long A nông dân chăm bón lúa xanh tốt đặt nhiều hy vọng khi thời giá lúa tăng cao.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm đồng lúa đông xuân sớm ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm đồng lúa đông xuân sớm ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2020-2021 Cần Thơ đã xuống giống trên 76.000ha, đạt 100% so với kế hoạch. Nhiều vùng lúa áp dụng cơ giới hóa, đạt tỷ lệ gieo sạ bằng máy trên 95% diện tích. Nông dân chọn giống lúa có phẩm chất gạo ngon cơm như Ðài Thơm 8, Jasmine 85, OM 5451, RVT. Ðặc biệt các huyện ngoại thành có vùng liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, duy trì trên 130 cánh đồng lớn với diện tích hơn 32.300ha. Nhờ thời tiết khá thuận lợi nên lúa phát triển xanh tốt.

Ðến nay lúa đông xuân ở tỉnh Hậu Giang xuống giống đợt 1 từ giữa tháng 11, đợt 2 từ ngày 20 đến cuối tháng 12-2020. Theo kế hoạch, vụ lúa đông xuân này, nông dân Hậu Giang gieo sạ 76.600ha và chia ra làm 2 đợt xuống giống. Ðến nay nông dân Hậu Giang đã xuống giống được hơn 30.000ha.

Lúa chín sớm vùng ven biển

Ðến vùng lúa trổ chín sớm ở Hợp tác xã (HTX) Phú Lợi, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Trên cánh đồng rộng mênh mông hàng trăm héc-ta lúa trổ cong trái me, lác đác chín vàng, nặng hạt. Cách đây hơn 2 tháng, trên cánh đồng này thí điểm gieo sạ lúa đông xuân sớm hơn một tháng để né tránh hạn và mặn xâm nhập đến sớm như năm 2019.

Nông dân Dương Thanh Tùng, thành viên HTX có 5ha lúa Ðài Thơm 8, cho biết: Lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh nên chi phí vật tư nông nghiệp thấp. Thời tiết khá thuận lợi, nguồn nước đảm bảo sản xuất nên ước bông trổ đều khả năng cho năng suất 6,5-7 tấn/ha. Trong những ngày qua nhiều nông dân rất vui mừng khi thương lái báo giá thu mua lúa ở mức 6.700 đồng/kg. Với mức giá lúa cao như hiện thời, nông dân ước tính có khả năng thu nhập 45-46 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 25-27 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Từ kinh nghiệm né tránh hạn mặn mùa khô 2019-2020, vào vụ lúa đông xuân năm nay tỉnh chủ trương chủ động chuyển đổi lịch thời vụ, khuyến cáo nông dân xuống giống sớm trước khoảng một tháng so vụ đông xuân cùng kỳ mấy năm trước. Ðến nay riêng vùng có nguy cơ đe dọa hạn mặn ven biển hằng năm đã xuống giống trên 30-40 ngày, trên 100.000ha. Còn lại khoảng 60.000ha ở các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, thị xã Ngã Năm đang chờ nước rút và lần lượt xuống giống trễ hơn. Ðến nay, vùng lúa ven biển có cánh đồng lúa đã trổ, làm đòng. Nguồn nước ngọt trên sông và những cơn mưa cuối mùa đảm bảo cung cấp chủ động sản xuất. Tình hình sâu bệnh hại lúa ít nên có thể nói đạt ngưỡng an toàn, khả quan, chuẩn bị vào kỳ thu hoạch.

Theo Cục Trồng trọt, qua khảo sát tình hình lúa đông xuân 2020-2021 tại các tỉnh ven biển ở ÐBSCL cho thấy các trà lúa đang sinh trưởng rất tốt, nhất là trên diện tích lúa thường xuyên bị nguy cơ hạn mặn cao. Ðó là nhờ bà con nông dân tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành chức năng, chủ động gieo sạ sớm. Do đó trên cánh đồng lúa tại Long Phú (Sóc Trăng) lúa tươi tốt đang vào giai đoạn trổ chín chuẩn bị thu hoạch, hoàn toàn né được hạn mặn.

Thời giá lúa trên thị trường cuối năm đang tốt, nông dân đặt nhiều kỳ vọng lúa trúng mùa. Trước nguy cơ hạn mặn vẫn còn, nên nông dân các địa phương không chủ quan, cần tiếp tục tích nước, trữ nước, áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm, phù hợp. Nông dân thường xuyên thăm đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trị kịp thời, nhất là rầy nâu và bệnh đạo ôn. Ðồng thời cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương cần chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng ứng phó khi hạn mặn xảy ra.

GS Tăng Đức Thắng, chuyên gia Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, cho biết: Mùa khô năm 2020-2021 có thể sẽ ít nước trên cả vùng hạ lưu sông Mekong nên có khả năng ảnh hưởng nguồn nước về vùng ĐBSCL. Do vậy có khả năng mặn sẽ lên sớm và kéo dài. Vì vậy, chúng ta cần có những giải pháp chuẩn bị chủ động để ứng phó kịp thời, nhất là vụ lúa đông xuân, từ khoảng tháng 10-2020 đến tháng 1, tháng 2 năm 2021. Nếu dịch chuyển lịch thời vụ sớm cho vùng ven biển có thể né tránh được hạn mặn. Năm nay tuy nguồn nước thấp, ít nhưng chúng ta có thể vượt qua được. Đến thời điểm giữa tháng 12-2020 rất nhiều vùng lúa đã qua hơn 2 tháng và chỉ cần một thời gian ngắn nữa lúa đã thu hoạch.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết