 |
Tổng thống Obama (phải) tin tưởng Jim Yong Kim có thể gánh vác trọng trách ở WB.
Ảnh: Xinhua |
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm qua đã chốt lại danh sách các ứng viên cho chức chủ tịch của một trong những định chế tài chính quốc tế hàng đầu thế giới, thay thế đương kim Chủ tịch Robert Zoellick sẽ thôi chức sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vào tháng 6 tới. Theo đó, 3 nhân vật được nêu tên, gồm: Ông Jim Yong Kim, người Mỹ gốc Hàn Quốc và là Chủ tịch Đại học Dartmouth, do Mỹ đề cử; bà Ngozi Okonjo-Iweala, Bộ trưởng Tài chính Nigeria, do Nam Phi đề cử; và ông José Antonio Ocampo, cựu Bộ trưởng Tài chính Colombia, do Brazil đề cử.
Bất ngờ ở chỗ sự xuất hiện của Jim Yong Kim nằm ngoài dự đoán của dư luận, vượt qua tất cả những ứng viên mà họ cho là sáng giá nhất có thể lọt vào “tầm ngắm” của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi quyết định chọn ai để giới thiệu cho WB, như nhà kinh tế học lừng danh Jeffrey Sachs, cố vấn Nhà Trắng Larry Summer và Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice. Vậy Jim Yong Kim là ai mà ngay cả Jeffrey Sachs, người cách đây khoảng một tuần đã được 27 nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đồng ký tên vào một bức thư gửi Tổng thống Obama để tiến cử, cũng phải thừa nhận: “Jim Kim là một người được chỉ định tuyệt vời cho vị trí số 1 WB. Tôi ủng hộ ông ấy 100%”?
Jim Yong Kim năm nay 52 tuổi. Ông được sinh ra ở Hàn Quốc và theo gia đình sang Mỹ định cư từ lúc mới 5 tuổi. Ông tốt nghiệp Đại học Brown năm 1982, lấy bằng y khoa Trường Y Harvard năm 1991, sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về nhân chủng học tại Đại học Harvard vào năm 1993. Ông giữ cương vị Chủ tịch Đại học Dartmouth, bang New Hampshire, từ năm 2009 và từng đảm nhiệm chức vụ giám đốc bộ phận chuyên trách về HIV/AIDS tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Có thể nói, ông là người Mỹ gốc châu Á đầu tiên được đề cử làm Chủ tịch WB. Những đời chủ tịch trước đó của định chế tài chính quốc tế này thường là những người dày dạn kinh nghiệm trong giới tài chính- ngân hàng hoặc các chính trị gia hay như trường hợp của Chủ tịch đương nhiệm Robert Zoellick - một nhà kỹ trị từng có chân trong Chính phủ Mỹ. Trong khi đó, Tiến sĩ Kim tự nhận mình là người của học thuật và nghiên cứu phát triển. Tuy nhiên, khi đề cử Jim Yong Kim, Tổng thống Obama đã nêu rất rõ: “Đã đến lúc để một chuyên gia phát triển lãnh đạo tổ chức phát triển quy mô nhất thế giới”.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Obama chọn Jim Yong Kim là để dập tắt những lời chỉ trích trên thế giới rằng Mỹ vẫn muốn “thâu tóm” WB, bất chấp việc các nền kinh tế mới nổi như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil lâu nay đòi hỏi Mỹ phải “nhường ghế”. Thực tế cho thấy kể từ khi được thành lập năm 1944, người đứng đầu WB luôn là một người Mỹ, khiến dư luận cứ râm ran rằng đã tồn tại một thứ gọi là “luật bất thành văn” trong quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, theo đó chức Chủ tịch WB sẽ do người Mỹ đảm nhiệm, còn chức Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ thuộc về người châu Âu. Tổng thống Obama nói: “Jim có kinh nghiệm toàn cầu thật sự, đã dành hơn 20 năm công tác để cải thiện điều kiện tại các quốc gia đang phát triển trên khắp thế giới. Tôi không nghĩ WB có thể có một sự lựa chọn tốt hơn”.
Nhưng nói gì thì nói, Jim Yong Kim vẫn là công dân Mỹ, do chính người Mỹ đề cử, nên khó tránh khỏi điều tiếng. Dư luận cho rằng khả năng ông Kim trở thành Chủ tịch tiếp theo của WB là rất cao, dù ông có bị cho là “người ngoại đạo”.
NHẬT QUANG