16/10/2013 - 14:20

Lối ra cho rau an toàn

Bến Tre chưa có chợ nào bán rau an toàn.

Mô hình sản xuất rau sạch, an toàn được ngành nông nghiệp khuyến cáo nhiều năm qua, nhưng đến nay, nhiều địa phương vẫn lúng túng trong xây dựng và nhân rộng mô hình. Nguyên nhân chính là giá đầu ra của rau an toàn không cao so với mô hình trồng truyền thống, nông dân không được bao tiêu sản phẩm, trong khi họ phải tuân thủ rất nhiều tiêu chí nghiêm ngặt của mô hình (ghi chép nhật ký sản xuất, chi phí đầu tư cao…). Theo nhận định của ngành nông nghiệp, để giải quyết rào cản trong sản xuất nông nghiệp hiện tại, cần sự quyết tâm của nông dân và chính sách phát triển hợp lý của Nhà nước.

Thiếu động lực thị trường

Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, thành lập năm 2010 với 10 thành viên, sản xuất trên diện tích 3ha. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn (DBRP Bến Tre), các thành viên tổ hợp tác được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, được hỗ trợ một phần vật tư nông nghiệp, tham quan mô hình hợp tác ở Củ Chi - TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, mỗi thành viên của tổ còn được Hội Nông dân xã cho vay 5 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân để sản xuất. "Sau một năm trồng rau, nhưng bà con chưa tuân thủ đúng quy chuẩn nên chúng tôi khuyến khích bà con tiếp tục sản xuất thêm một mùa vụ nữa để được chứng nhận đủ điều kiện rau an toàn. Nhưng, khi chúng tôi trở lại chỉ còn 3 hộ đăng ký, dù trước đó lãnh đạo xã Châu Hưng nói sẽ vận động ít nhất 30 hộ tham gia"- ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Bến Tre (QLCL NLS&TS) cho biết. Lẽ đó, nguồn vốn xây dựng mô hình ở đây được chuyển sang Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm. Và Tổ trồng rau ấp Hưng Bình trở thành tổ có rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đầu tiên của tỉnh, vào năm 2012.

Vì sao mô hình trồng rau an toàn ở Châu Hưng xây dựng bất thành? Theo ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Hưng, nông dân mặn mà với cây ớt hơn, do đầu ra của rau chưa ổn định, giá cả cũng không cao hơn so với rau thường nên không thu hút được nông dân. Hiện nay, khắp các chợ trên địa bàn tỉnh Bến Tre, ngoài siêu thị Co.opmart thì không chợ nào có quầy bán rau an toàn. Trước đây, khu vực chợ Bến Tre có một quầy bán rau an toàn ở đường Hùng Vương, nhưng năm 2009, khi Chi cục QLCL NLS&TS Bến Tre được thành lập, đơn vị đã đến kiểm tra quầy rau này và phát hiện các sản phẩm rau ở đây không có giấy tờ chứng nhận đạt chuẩn an toàn. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLCL NLS&TS Bến Tre, khi đó quầy rau ở chợ Bến Tre lấy rau từ vùng trồng rau ở Sơn Đông (TP Bến Tre) nhưng vùng trồng chưa được chứng nhận đủ điều kiện rau an toàn, nên quầy rau phải tạm giải tán. Kể từ đó, không còn điểm bán rau an toàn nào ở các chợ. Hiện gần 9ha trồng màu ở Hưng Nhượng dù đạt chứng nhận an toàn, nhưng được bán lẫn lộn với các loại rau khác.

Theo ông Dũng, dù mô hình rau an toàn trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều trở ngại trong xây dựng, nhân rộng, nhưng nhận thức của nông dân được nâng cao so với trước. Đây là động lực để ngành chức năng tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp xanh.

Cần sự quyết tâm

Mô hình rau an toàn của xã Châu Hưng thất bại, ngành chức năng tỉnh đã chuyển sang xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, nông dân tham gia mô hình rất phấn khởi và có cách nhìn khác hẳn. Ông Trần Văn Bon, Tổ trưởng Tổ trồng rau ấp Hưng Bình (xã Hưng Nhượng), cho biết, tổ hiện có 13 hộ tham gia mô hình trên diện tích 8,9ha và được một thương lái kinh doanh rau ở chợ đầu mối phường 8, thành phố Bến Tre bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Giá bán rau an toàn không cao hơn với rau trồng bình thường, nhưng nông dân ấp Hưng Hòa Tây đang nhân rộng thêm 3,2ha. Theo tính toán nông dân, trồng theo tiêu chuẩn an toàn giảm phân, thuốc, cách chăm sóc hợp lý giảm chi phí đầu tư nên dù bán bằng giá rau trồng bình thường, nông dân vẫn có lãi cao hơn. Rõ ràng, một mô hình thành công không chỉ có nỗ lực của ngành chuyên môn, mà nhận thức của người dân mới là nhân tố chính. Khi người dân đồng thuận và quyết tâm sẽ thúc đẩy tiến trình phát triển của ngành nông nghiệp và việc nhân rộng mô hình dễ dàng hơn.

Tỉnh Bến Tre đang có chủ trương xây dựng vùng trồng rau an toàn, tiến tới mở rộng trên tất cả diện tích trồng màu của tỉnh. Đó cũng là yêu cầu bắt buộc của Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Song, trên thực tế, giải quyết đầu ra cho rau an toàn chính là vấn đề cốt lõi để thực hiện điều này. Mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý cho Chi cục QLCL NLS&TS tỉnh phối hợp với ông Nguyễn Minh Tâm (xã Sơn Đông, TP Bến Tre) xây dựng nhà xưởng sơ chế rau an toàn. Từ nguồn vốn nông thôn mới, Dự án DBRP và sự tham gia của chủ cơ sở, nhà máy sơ chế và cung cấp rau an toàn đầu tiên của tỉnh dự kiến vận hành vào cuối năm 2013 với tổng kinh phí đầu tư gần 200 triệu đồng. Một lối mở quan trọng cho sản xuất rau an toàn của tỉnh.

Hiện tại, ngoài vùng trồng rau ở Hưng Nhượng được chứng nhận an toàn, Chi cục QLCL NLS&TS tỉnh tiếp tục xây dựng mô hình rau an toàn tổng diện tích hơn 50ha, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, Chi cục đã xây dựng ở Phú Long và Long Hòa (Bình Đại) mỗi xã có 10ha, Hữu Định (Châu Thành) 11 ha, Phú Nhuận (thành phố Bến Tre) 15ha và Tân Thủy (Ba Tri) 6ha; và nguồn vốn Dự án DBRP đầu tư 3ha ở Tân Thanh (Giồng Trôm)… Ông Nguyễn Văn Dũng, cho biết: "Nếu nông dân xử lý kỹ thuật, chăm sóc đúng hướng dẫn thì đến cuối năm 2013, các mô hình này sẽ được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Chúng tôi đang ráo riết hỗ trợ đơn vị hợp tác xây dựng nhà xưởng để rau an toàn đến sớm với người tiêu dùng". Nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao nên thực phẩm an toàn là lựa chọn số một. Sản phẩm rau an toàn, không chỉ phục vụ người tiêu dùng ở các chợ, các bếp ăn tập thể trong trường học, công ty cũng đang thiếu nguồn cung. Theo ông Dũng, khi vùng rau an toàn đạt chứng nhận, đầu ra ổn định với số lượng tương đối, Chi cục sẽ quản lý chặt hơn nguồn rau đầu vào ở các chợ cũng như các bếp ăn tập thể; đồng thời, tiến hành mở rộng vùng nguyên liệu. Đảm bảo tiêu chí an toàn sẽ trở thành thói quen của cả người sản xuất và tiêu dùng.

Bài, ảnh: Hải Lam

 

Chia sẻ bài viết