31/08/2020 - 06:03

Điện mặt trời mái nhà

Lợi ích kép cho khách hàng 

Phát triển điện từ năng lượng mặt trời mái nhà (ĐMTMN) được xem là giải pháp tiết kiệm năng lượng hóa thạch và tạo ra nguồn năng lượng “xanh” phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Từ những lợi ích thiết thực, Công ty Điện lực TP Cần Thơ (PC Cần Thơ) đã và đang tích cực tuyên truyền để các khách hàng sử dụng điện triển khai hiệu quả mô hình này.

Cán bộ PC Cần Thơ đang giới thiệu mô hình ĐMTMN với khách hàng.

Cán bộ PC Cần Thơ đang giới thiệu mô hình ĐMTMN với khách hàng.

Lắp đặt ĐMTMN có nhiều ưu điểm, ngoài việc tiết kiệm và khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch, công trình điện năng lượng còn giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình nhà ở, phân xưởng. Hơn nữa, các công trình ĐMTMN còn lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải, tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư, làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống. Mô hình ĐMTMN hiện đang được nhiều khách hàng áp dụng. Bởi thực tế, vốn đầu tư cho việc lắp đặt không quá lớn (khoảng 17-20 triệu đồng/kWp), thời gian sử dụng lâu dài. Khách hàng sử dụng ĐMTMN đấu với điện lưới thông qua một bộ phận hộp kỹ thuật. Nếu như công suất ĐMTMN không sử dụng hết, truyền tải bán lại cho ngành điện có thêm thu nhập. Vào ngày râm mát, công suất sử dụng ĐMTMN thiếu, điện lưới sẽ cấp bù bảo đảm nhu cầu sử dụng cho bà con và các đơn vị. Theo tính toán của một khách hàng, từ 18 tấm pin năng lượng mặt trời đã phát ra được 309kWh, tương đương 659.406 đồng tiền điện (ngành điện trả). Trong khi đó, trong tháng 6, gia đình khách hàng này sử dụng 220kWh, số tiền điện gần 500.000 đồng. Như vậy, số tiền dư từ việc bán điện cho ngành điện nhận lại được gần 200.000 đồng. Tính toán số tiền trung bình dư ra hằng tháng, sau khoảng 5 năm rưỡi sẽ hoàn vốn đầu tư. Với tuổi thọ tấm pin là 25 năm, thời gian hao mòn sau 11 năm sử dụng còn 80% công suất ban đầu, tính ra việc đầu tư này mang lại lợi nhuận tốt.

Ngày 6-4-2020, Thủ tướng ký ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 13). Quyết định này thay thế Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực từ ngày 30-6-2019. Theo Quyết định 13, giá mua ĐMTMN là 8,38 US cent/kWh (khoảng 1.943 đồng). Các mức giá này chưa gồm thuế VAT, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD và áp dụng trong 20 năm từ ngày dự án vận hành thương mại. Với các dự án ĐMTMN, để được hưởng mức giá 8,38 US cent/kWh, dự án phải vận hành phát điện, xác nhận chỉ số công tơ trong thời gian từ ngày 1-7-2019 đến ngày 31-12-2020.

Từ thực tế đó, PC Cần Thơ đã thúc đẩy phát triển ĐMTMN bằng các  giải pháp như: thanh toán tiền điện hằng tháng cho khách hàng, tổ chức các hội thảo về ĐMTMN cho khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình có sản lượng tiêu thu điện từ 400 kWh/tháng trở lên tham gia. Tổ chức cho khách hàng tham quan mô hình lắp đặt ĐMTMN tại các đơn vị trực thuộc Công ty, đồng thời đẩy nhanh tiến độ ký hợp đồng và lắp công tơ 2 chiều cho khách hàng... Nhờ đó, các công trình ĐMTMN được triển khai mạnh mẽ ở các doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo PC Cần Thơ, hiện nay Công ty đã thực hiện thanh toán cho 720 khách hàng với sản lượng điện đã thanh toán 2.754.694 kWh, tổng số tiền đã thanh toán gần 6 tỉ đồng. Theo kế hoạch năm 2020, Tổng Công ty Điện lực miền Nam giao PC Cần Thơ công suất 12.000kWp ĐMTMN, phấn đấu 16.000kWp. Qua 8 tháng, PC Cần Thơ đã phát triển mới 640 khách hàng, công suất dự kiến lắp đặt 3.700kWp, đạt 31% kế hoạch thực hiện và 23% so với kế hoạch phấn đấu. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã ký thỏa thuận đấu nối ĐMTMN cho 25 doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Trà Nóc, Thốt Nốt và khu chế biến gạo Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với công suất dự kiến lắp đặt 19.200kWp. Ước thực hiện đến cuối năm 2020 công suất đạt 23.000kWp, đạt 192% kế hoạch thực hiện, phấn đấu đạt 143% kế hoạch Tổng Công ty giao.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để hỗ trợ phát triển ĐMTMN, nhất là tại các địa phương có tiềm năng, thời gian tới, EVN và các đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân và doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở có diện tích mái lớn. Các Tổng Công ty Điện lực luôn đồng hành, hỗ trợ khách hàng bằng những việc làm cụ thể như: đơn giản hóa các thủ tục, kiểm tra điều kiện nối lưới, lắp đồng hồ 2 chiều và ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời ngay khi có yêu cầu. Ngoài ra, EVN còn vận động cán bộ công nhân viên lắp đặt ĐMTMN, giúp khách hàng thấy rõ những lợi ích thiết thực của loại hình này.

Hiệu quả đầu tư không chỉ mang lại lợi ích kép cho khách hàng, mà còn góp phần tạo thêm nguồn năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng xanh và bền vững. Theo các chuyên gia, để phát huy thế mạnh của điện mặt trời, Nhà nước cần nghiên cứu, đưa việc lắp đặt ĐMTMN thành yêu cầu bắt buộc đối với các công trình xây mới của cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước... Đồng thời, đề xuất các chương trình hỗ trợ lắp đặt ĐMTMN tương tự như chương trình hỗ trợ cho khách hàng lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời đã triển khai rất hiệu quả trong những năm trước đây.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết