19/04/2022 - 08:15

Lợi - hại khi Phần Lan, Thụy Ðiển gia nhập NATO 

MAI QUYÊN (Theo CNA, Al Jazeera)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) mở rộng sang Scandinavia được cho có thể đẩy phương Tây vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” hơn là tìm ra giải pháp đảm bảo an ninh như kỳ vọng.

Thủ tướng Thụy Ðiển Magdalena Andersson (trái) và người đồng cấp Phần Lan Marin trước cuộc họp về tư cách thành viên NATO mới đây. Ảnh: Getty Images

Trong Chiến tranh Lạnh, Thụy Ðiển và Phần Lan là nhóm quốc gia trung lập. Ðến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, cả hai bắt đầu thắt chặt mối quan hệ với Mỹ và đồng minh châu Âu, đặc biệt sau khi tham gia chương trình Ðối tác vì Hòa bình (PfP) năm 1994 và gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 1995. Mặc dù không trung lập về chính trị, nhưng cả hai đứng ngoài bất kỳ liên minh quân sự nào. Mới đầu năm nay, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin còn loại trừ khả năng tìm kiếm tư cách thành viên NATO.

Việc Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi cuối tháng 2 đã thay đổi đáng kể diễn biến chính trị, cũng như dư luận ủng hộ gia nhập NATO ở hai nước vùng Scandinavia. Nếu Stockholm và Helsinki là thành viên chính thức, họ sẽ được bảo hộ dưới cơ chế phòng vệ tập thể. Mặc dù là hai quốc gia thân thiện, nhưng Phần Lan hay Thụy Ðiển không đủ năng lực tự vệ trong một cuộc xung đột, ít nhất về mặt kỹ thuật.

Cơ hội

Tỷ lệ công chúng ủng hộ gia nhập NATO ở Phần Lan và Thụy Ðiển đang ở mức khá cao. Trong đó, khoảng 68% người Phần Lan chấp nhận tình trạng mới (tăng lên 77% nếu chính phủ đề xuất). Con số này ở Thụy Ðiển là 50% và tăng lên 62% nếu Phần Lan cũng tham gia.

Ngoài sự ủng hộ trong nước, các quốc gia lớn thuộc NATO như Mỹ, Ðức, Pháp, Anh, Ba Lan...đều hoan nghênh việc kết nạp Phần Lan và Thụy Ðiển. Những thành viên còn lại cũng không phản đối, điều kiện cần thiết để đơn gia nhập được thông qua. Theo giảng viên chính trị quốc tế Katharine AM Wright tại Ðại học Newcastle (Úc), giao tranh Nga - Ukraine thậm chí rút ngắn lộ trình này khi liên minh cần thể hiện sự đoàn kết trước Nga.

Không xét các yếu tố trên, Thụy Ðiển và Phần Lan tuy không là thành viên chính thức nhưng đã phát triển mối liên kết vững chắc với NATO theo tốc độ cũng như mức độ mà họ lựa chọn nhiều năm qua. Hiện cả hai đều là “Ðối tác Cơ hội Nâng cao” của NATO, quy chế được trao cho đối tác có đóng góp rất quan trọng cho các hoạt động, mục tiêu của liên minh. Ngoài thường xuyên tham gia các đợt tập trận chung đó, quân đội 2 nước cũng có mặt trong nhiều chiến dịch lớn do liên minh dẫn đầu như ở Afghanistan. Cả hai cũng hợp tác chặt chẽ với Mỹ về trang thiết bị và huấn luyện kể từ năm 2015.

Thách thức

Nhưng việc mở rộng ra 32 thành viên có thể làm chậm, thậm chí tạo ra một số thách thức dài hạn đối với hoạt động của NATO bởi một quyết định cần có sự đồng thuận của tất cả đồng minh.

Về phần mình, Phần Lan và Thụy Ðiển đang giữ trạng thái cân bằng khi có thể hợp tác với phương Tây vừa ổn định quan hệ với Nga. Kịch bản NATO mở rộng sang Scandinavia, nó không chỉ mang lại rủi ro cho Stockholm và Helsinki mà còn mâu thuẫn với chiến lược “chống Nga” hiện tại của phương Tây. Theo các nhà phân tích, nếu chiến dịch của Mỹ và đồng minh nhấn chìm kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt thành công, Mát-xcơ-va có thể coi sự hiện diện kế cận của NATO là mối đe dọa hiện hữu cho an ninh quốc gia, dẫn đến nguy cơ leo thang chiến tranh.

Tình thế này cho Nga hai lựa chọn. Hoặc tăng cường sức mạnh thông qua chạy đua vũ trang hoặc giảm bớt mối đe dọa bằng quân sự, bao gồm khả năng tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vào NATO. Trong một cảnh báo gần đây, Ðiện Kremlin xác định NATO là “công cụ hướng tới đối đầu” và rằng quyết định sắp tới của Phần Lan và Thụy Ðiển không mang lại ổn định cho châu Âu. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev để  ngỏ khả năng điều chỉnh cân bằng ở biên giới và không loại trừ việc tái bố trí vũ khí hạt nhân để tăng cường khả năng phòng thủ.

Tóm lại, tranh luận về việc gia nhập NATO ở Phần Lan và Thụy Ðiển nên được xem xét vượt ra ngoài nhu cầu đối phó mối đe dọa trước mắt từ Nga, thay vào đó là hệ quả về an ninh, đặc biệt là nguy cơ chiến tranh hạt nhân nếu cả hai từ bỏ địa vị trung lập và đưa NATO tiến gần hơn đến cuộc đối đầu với Nga.

Chia sẻ bài viết