18/06/2014 - 20:46

Loay hoay tìm lối ra cho khu công nghiệp Hưng Phú 2A

Khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú 2A nằm trên địa bàn quận Cái Răng, TP Cần Thơ chính thức thành lập năm 2009, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Lãnh đạo thành phố đã có nhiều cuộc làm việc với chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC (BMC) để cùng gỡ khó khăn nhưng vẫn chưa có lối mở khả thi.

Ì ạch GPMB

 Đường vào KCN Hưng Phú 2A.

KCN Hưng Phú 2A được UBND thành phố giao cho BMC làm chủ đầu tư từ năm 2007 và được thành lập chính thức vào năm 2009. Sau thời gian tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân, BMC đã GPMB được 34ha, song phần diện tích này lại trong tình trạng “da beo” gây khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng, mời gọi nhà đầu tư thứ cấp. Vừa qua, UBND TP Cần Thơ cùng các sở, ngành hữu quan đã có buổi làm việc với lãnh đạo BMC về tình hình triển khai KCN Hưng Phú 2A và đề ra những giải pháp để gỡ khó cho KCN này. Chủ đầu tư than khó do suất đầu tư hạ tầng cao, giá thuê đất cao nên đơn vị rất khó cạnh tranh mời gọi với các KCN lân cận. Lãnh đạo thành phố yêu cầu chủ đầu tư phải tỏ rõ quyết tâm của mình trong đầu tư KCN, thành phố sẽ tạo điều kiện để cùng chủ đầu tư vượt qua khó khăn.

KCN Hưng Phú 2A thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng có diện tích 134ha. Trừ 38ha thành phố đã giao cho 3 nhà đầu tư trước khi thành lập KCN, phần diện tích được giao cho BMC hiện nay là 96ha. Đến tháng 6-2014, BMC đã thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được 34ha và bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định của quận được 1ha (Quyết định số 973/QĐ-UBND ngày 29-3-2012 của UBND quận Cái Răng). Diện tích đã bồi thường, GPMB chiếm 36,5% diện tích được giao với tổng giá trị 130,2 tỉ đồng. Do phần đất thỏa thuận được không liền thửa nên BMC chưa san lấp mặt bằng được toàn bộ diện tích này. Công ty chỉ san lấp được 5ha đất dự án nằm sát lô số 12 và mặt tiền đường Quang Trung. Về hạ tầng phục vụ KCN, BMC đã hợp tác với Công ty Cấp thoát nước lắp đặt xong đường ống cấp nước đi qua KCN với giá trị 1,8 tỉ đồng và đã thi công xong 350m đường ống cấp nước trong KCN theo đường số 12 từ đường Quang Trung đến lô 13C. Về phần cấp điện, Công ty đã đầu tư 2,2 tỉ đồng lắp đặt xong 2 trạm biến áp với 1 trạm biến áp 560 KVA để cấp điện cho nhà đầu tư theo đường số 12 và 1 trạm 1.250 kVA tại đường số 11 cho Công ty Dầu khí Đông Phương.

Từ khi được giao triển khai dự án đến nay, BMC đã đầu tư 192,4 tỉ đồng để bồi thường và giải phóng mặt bằng, thu hồi đất được 35/96ha đất KCN và 17/33 ha đất dành cho khu tái định cư lô 14B. Song do chưa có nhà đầu tư vào thuê đất nên hiệu quả đầu tư dự án đang bị ảnh hưởng rất lớn, BMC bị đọng vốn lớn đồng thời phải gánh thêm áp lực trả lãi vay ngân hàng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Chi nhánh Công ty BMC, cho biết: “Hiện giá cho thuê đất công nghiệp tại KCN Hưng Phú 2A là 85 USD, tương đương khoảng 1,785 triệu đồng/m2/vòng đời dự án (50 năm). Tuy nhiên nếu tính gộp các chi phí bồi thường GPMB, đầu tư hạ tầng cùng hệ số khai thác đất công nghiệp, giá thành thực tế để có đất sạch là 3,3 triệu đồng/m2. Chi phí này rất cao so với giá cho thuê đất hiện tại. Do vậy công ty gặp khó trong đầu tư hạ tầng, tạo quỹ đất sạch và khó mời gọi nhà đầu tư thứ cấp do giá cho thuê đất thiếu tính cạnh tranh”…

Cần sự tiếp sức

Lý giải về việc ì ạch trong GPMB KCN, chủ đầu tư cho rằng do thiếu vốn đầu tư nên Công ty BMC chỉ hoàn thiện được 1 phần cơ sở hạ tầng và chờ khi có nhà đầu tư thứ cấp đến đăng ký thuê đất, công ty mới triển khai hoàn thiện mặt bằng (ứng một phần vốn của nhà đầu tư thứ cấp khi đến đầu tư vào KCN). BMC mong muốn sự trợ lực từ chính quyền địa phương. Theo bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, BMC tiếp nhận dự án KCN Hưng Phú 2A từ năm 2007. Lúc này Cần Thơ đã là thành phố loại I trực thuộc Trung ương nên chi phí đầu tư hạ tầng cao hơn so với một số KCN đã được xây dựng trước đó và gây áp lực lớn cho chủ đầu tư. Mặt khác, để thu hút đầu tư hiệu quả, bên cạnh việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng trong KCN, thành phố cũng cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa trong và ngoài KCN. Các hạ tầng hỗ trợ về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục cũng phải được hoàn thiện để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư thứ cấp.

Một nguyên nhân khách quan khác khiến GPMB KCN Hưng Phú 2A chậm do thời gian qua, các chính sách về đất đai, GPMB có nhiều thay đổi, phương án bồi thường của KCN Hưng Phú 2A cũng phải được điều chỉnh lại cho phù hợp. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ GPMB KCN trong thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam yêu cầu BMC cần thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiếp tục triển khai dự án trên cơ sở điều chỉnh quy mô triển khai dự án sao cho phù hợp với khả năng đầu tư và phân kỳ thời gian đầu tư hợp lý. Trước mắt, BMC phải phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố triển khai nhanh chóng các phương án GPMB vì đã hết thời gian tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân trong vùng dự án. Đồng thời, phải hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư và sắp xếp, bố trí tái định cư hợp lý để người dân yên tâm nhận nền tái định cư. “Các sở, ngành thành phố cần tiếp tục hỗ trợ BMC nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc trong GPMB và tái định cư cho người dân vùng dự án. Ngoài ra, quận Cái Răng có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trong KCN, xử lý các tình trạng xây dựng nhà không phép và vận động nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng để BMC thuận lợi hoàn thiện xây dựng hạ tầng KCN”- Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam nói.

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” này, BMC cần chủ động tháo gỡ bằng cách sắp xếp lại những phần đất đã được GPMB để tập trung đầu tư hạ tầng tạo quỹ đất sạch. Phần nào công ty không thực hiện được, thành phố có thể tìm kiếm nhà đầu tư mới có năng lực vào để triển khai tiếp tục. Thành phố cũng có thể tham gia ứng vốn hoàn thiện hạ tầng sau đó cho nhà đầu tư vào đấu giá để triển khai cho thuê lại. Ngoài ra, quy mô của khu tái định cư cũng phải quy hoạch lại cho phù hợp. Phần diện tích còn lại có thể cho người dân tự cải tạo theo quy hoạch để quản lý và giảm áp lực cho chủ đầu tư hạ tầng.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết