Tổng kết công tác an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2017 cho thấy, các sở, ban, ngành có nhiều nỗ lực đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, nỗi lo mất ATTP vẫn còn hiện hữu trong các báo cáo của ngành chức năng và qua phát biểu của các đại biểu...
Cần quyết liệt hơn
Theo Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP thành phố, có 74,8% các chợ được kiểm soát ATTP, tăng gần 45% so với năm 2016. Ngoài ra, 100% các cửa hàng tiện ích, siêu thị và trung tâm thương mại được kiểm soát ATTP. Thành phố cũng đảm bảo ATTP cho hơn 25 sự kiện, lễ hội, khánh tiết quốc gia, quốc tế; xây dựng 10 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng; bước đầu đã xây dựng được các mô hình phường, xã điểm về ATTP thức ăn đường phố; diện tích trồng lúa, rau quả, nuôi thủy sản an toàn ngày càng được mở rộng…
Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra kho lạnh bảo quản thực phẩm tại khách sạn Victoria.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối nguy ATTP được chỉ ra. Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, Đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu xét nghiệm nhanh (test) 293 mẫu thực phẩm, phát hiện 8 mẫu không đạt (dương tính hàn the). Trong 31 mẫu xét nghiệm chỉ tiêu vi sinh, phát hiện đến 11 mẫu không đạt, chủ yếu là các mẫu nước đá và nước uống đóng chai. Về chỉ tiêu hóa lý, số mẫu không đạt chiếm 9,2% do có hàn the, chất vàng O, chất kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi thủy sản… Ngành nông nghiệp đã lấy 1.252 mẫu nông sản và thủy sản, có 13,6% mẫu vi phạm do nhiễm vi sinh vật; kháng sinh cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàn the, vàng O…
Hiện nay, mặt hàng thực phẩm do 4 ngành thanh, kiểm tra là y tế, công thương (lực lượng quản lý thị trường), nông nghiệp và công an. Qua công tác kiểm tra, các ngành chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm. Riêng ngành nông nghiệp, trong năm qua, tất cả thông tin kết luận thanh tra và xử lý vi phạm (kể cả đường dây nóng) đều được công bố qua cổng thông tin điện tử của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên vẫn chỉ là “phần nổi của tảng băng”, Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an thành phố lo ngại: “Thực phẩm được tập kết 1 điểm và giao cho các nhà hàng, quán ăn... Nếu không phát hiện được thì rất nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng. Thực phẩm có nhiều ngành chức năng, chính quyền địa phương quản lý nhưng không quản nổi, khi công an kiểm tra mới phát hiện ra. Tôi không yên tâm chất lượng thực phẩm. Còn 1 tháng nữa là Tết, tôi đề nghị các ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa”.
Để thực phẩm kém chất lượng không còn “đất” sống
Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống đề nghị các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương quan tâm thực phẩm sạch, an toàn bởi nếu không an toàn, bán không được mà cho cũng chẳng ai lấy. Ông Võ Thành Thống đặt ra yêu cầu đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Trong công tác tuyên truyền, cần đổi mới, sát thực tế, chú trọng vào người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có kiến thức, thì thực phẩm kém chất lượng không còn “đất” sống.
Cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố test nhanh mẫu thực phẩm tại các cơ sở kiểm tra.
Với các chợ “mọc” lên chỉ phục vụ dịp Tết Nguyên đán, ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, Sở Công thương đề nghị các Phòng Kinh tế - Hạ tầng quận, huyện, đội Quản lý thị trường trực tiếp kiểm tra và yêu cầu các hộ tiểu thương ký cam kết bán đúng giá và đảm bảo ATTP.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2018, ngành tiếp tục triển khai thí điểm xác nhận các sản phẩm an toàn và cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn, công bố trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân chọn lựa. Đồng thời, thanh, kiểm tra đột xuất, thường xuyên... công khai các vi phạm của các cơ sở. Ngành thường xuyên lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, xây dựng và triển khai năm cao điểm thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp và kế hoạch hành động năm cao điểm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố...
Thành phố cũng vừa triển khai đề án nâng cao năng lực quản lý và chất lượng vệ sinh ATTP đến năm 2020. Mục tiêu: xây dựng 6 mô hình điểm về thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện và 12 phường điểm về ATTP; 100% người quản lý có kiến thức cơ bản về quản lý ATTP; tỷ lệ cơ sở vi phạm về ATTP giảm dưới 10%; tỷ lệ mẫu thực phẩm kiểm tra đạt ATTP trên 75%; giảm 30% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên được ghi nhận (so với trung bình giai đoạn 2011-2015); tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính được ghi nhận dưới 2 người/100.000 dân; kiểm nghiệm được các chỉ tiêu các kim loại nặng (Pd, Cd, Cu, Mn, Cr, Ni, Sb, Se, As, Hg) trong nước uống đóng chai và nước đá; 100% xã, phường, thị trấn được trang bị bộ test nhanh...
Đề án có các hoạt động: khảo sát, đánh giá đầu vào, đầu ra nâng cao năng lực cán bộ, công chức, viên chức làm công tác ATTP; cử cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý ATTP quận, huyện và các phường thực hiện mô hình điểm về thanh tra chuyên ngành ATTP hoặc phường điểm về ATTP đi đào tạo lớp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành về ATTP và lớp chứng chỉ về kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm…; tập huấn, tuyên truyền ATTP; rà soát, thống kê tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; hướng dẫn nâng cấp nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị và lập thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, ký cam kết bảo đảm ATTP; tăng cường thanh, kiểm tra; ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm cấp tính và nâng cao năng lực kiểm nghiệm…Kinh phí thực hiện đề án là trên 5,6 tỉ đồng, từ kinh phí địa phương.
H.HOA