04/07/2009 - 08:58

Liệu Mỹ có "buông" Iraq ?

An ninh được thắt chặt trong chuyến thăm Iraq của Phó Tổng thống Mỹ Biden.
Ảnh: Reuters

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du 2 ngày tới Iraq, với nhiệm vụ như lời ông nói là “tái lập sự tiếp xúc” với các nhà lãnh đạo Iraq, và thúc giục chính quyền Baghdad giải quyết các cuộc tranh chấp trong nước về việc phân chia nguồn thu từ dầu, cũng như chia sẻ quyền lực giữa các phe phái. Chuyến đi của ông Biden được cho là dài hơn bình thường đối với một quan chức cấp cao như vậy. Trước đây khi tới Iraq, Tổng thống Barack Obama chỉ ở lại vài giờ, còn cựu Tổng thống George Bush cũng không ở lại quá một ngày.

Chuyến thăm không báo trước của ông Biden, bắt đầu từ tối 2-7, diễn ra chỉ 2 ngày sau khi các lực lượng chiến đấu của Mỹ chính thức rút khỏi các thành phố, giao lại việc kiểm soát an ninh cho người Iraq. Tờ New York Times cho rằng việc Tổng thống Obama yêu cầu ông Biden tới Iraq như một “đặc phái viên không chính thức” cho thấy Nhà Trắng rất lo ngại về nguy cơ mất an ninh ở quốc gia vùng Vịnh này.

Trong khi ca ngợi việc rút quân Mỹ khỏi các thành phố ở Iraq là “bước ngoặt quan trọng”, Tổng thống Obama cũng bày tỏ lo ngại khi nói rằng ông không thấy có sự tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán giữa người Sunni, Shiite và Kurd. Bạo lực cũng có dấu hiệu bùng phát trở lại ở Iraq. Hôm 2-7, các vụ đánh bom ở Baghdad đã làm ít nhất 6 người chết và hơn 20 người bị thương, trong khi đó một vụ đánh bom xe khác ở gần thành phố Kirkuk làm 1 người chết và 6 người khác bị thương...

Bên cạnh lo ngại về an ninh, Washington dường như cũng cảm nhận được nguy cơ phải đối phó với các thế lực tranh giành ảnh hưởng. Vài giờ trước khi ông Biden tới Baghdad, chính phủ Iraq thông báo đã đạt được thỏa thuận về việc mua vũ khí của Pháp và một loạt hợp đồng kinh tế với các công ty Pháp. Thông báo trên được đưa ra khi Thủ tướng Pháp Francois Fillon đang ở thăm Baghdad, với sự tháp tùng của khoảng 30 nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Thông báo không nói rõ Baghdad muốn mua loại vũ khí nào của Paris, nhưng cần nhắc lại rằng giai đoạn 1970-1980, Pháp là nhà cung cấp vũ khí chính cho Iraq. Về kinh tế, Iraq kêu gọi các doanh nghiệp Pháp tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như đường sá, nhà máy xử lý nước và nhà máy xi măng, cũng như một sân bay ở phía Nam Baghdad để đáp ứng nhu cầu hành hương của hàng triệu người tới 2 thành phố Najaf và Karbala mỗi năm.

Những thỏa thuận giữa Iraq và Pháp cho thấy sự khôi phục mối quan hệ gần gũi vốn có giữa hai nước từ thời chế độ độc tài Saddam Hussein. Mối quan hệ này bị gián đoạn do cuộc tấn công của liên quân do Mỹ dẫn đầu hồi năm 2003, cuộc chiến mà Tổng thống Pháp Jacques Chirac khi đó kịch liệt phản đối. Hồi tháng 2 năm nay, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thăm Baghdad, đáp lại Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cũng tới Pháp hồi tháng 5.

Trong khi đó, quan hệ giữa Baghdad và Washington đang thay đổi. Dưới thời Tổng thống Bush, Nhà Trắng thường xuyên điện đàm với Thủ tướng Maliki về các biện pháp kiểm soát tình hình Iraq. Nhưng điều đó đã chấm dứt từ khi ông Obama lên nắm quyền. Theo các trợ lý của ông Obama, chủ nhân Nhà Trắng cho là sẽ hợp lý hơn nếu để Đại sứ Mỹ tại Iraq Chistopher Hill và Tư lệnh quân đội Mỹ tại Iraq Ray Odierno thực hiện các cuộc tiếp xúc hàng ngày như vậy. Cử phó tướng Biden gấp rút tới Iraq, có lẽ ông Obama đã nhận ra rằng Mỹ không thể “buông” Iraq lúc này nếu không muốn mất dần ảnh hưởng ở đây.

N.MINH (Theo NYT, WSJ, AP)

Ngày 2-7, hồ sơ an ninh Mỹ vừa được giải mật tiết lộ rằng hồi năm 2004, cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã nói với các nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) rằng ông cố tình để cho thế giới tin là nước này sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt vì không muốn yếu thế trước Iran.

Trong hồ sơ thẩm vấn vừa được công bố, cựu Tổng thống Iraq đã gọi giới chức Iran là “cuồng tín”, đồng thời cho rằng trùm khủng bố Osama Bin Laden là phần tử “quá khích”. Cựu lãnh đạo chính quyền Iraq cũng khẳng định ông không có liên hệ nào với mạng lưới Al Qaeda. Ông cũng thừa nhận đôi khi hối tiếc rằng lẽ ra ông nên cho phép Liên Hiệp Quốc chứng kiến việc phá hủy kho vũ khí của Iraq hồi năm 1991. (TTXVN)


An ninh được thắt chặt trong chuyến thăm Iraq của Phó Tổng thống Mỹ Biden. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết