09/01/2016 - 15:18

Liều lượng sử dụng những thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch

Để phòng tránh hoặc điều trị cảm cúm hiệu quả, các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo ngoài việc giữ ấm cơ thể, chúng ta nên bổ sung những loại thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch, với liều lượng cụ thể như sau:

1 tép tỏi/ ngày

 

Mặc dù có thể khiến hơi thở có mùi hôi, nhưng tỏi có công dụng cải thiện sức khỏe hệ miễn dịch nhờ chứa nhiều thành phần chống vi-rút và kháng khuẩn tự nhiên. Loại thực phẩm này còn là nguồn bổ sung dồi dào các hợp chất có chứa sulfuric, chẳng hạn như allicin – chất tăng cường miễn dịch. Vì vậy, những ai cảm thấy không được khỏe nên nhai tỏi sống để phòng bệnh. Nếu ngại hôi miệng, bạn có thể nuốt trọng vài lát tỏi.

1 muỗng đầy sữa chua mỗi sáng

Sữa chua chứa men vi sinh probiotic – loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột và đóng vai trò quyết định đối với 70-80% sức khỏe hệ miễn dịch. Theo chuyên gia dinh dưỡng, dùng một muỗng đầy sữa chua mỗi sáng sẽ duy trì hệ miễn dịch mạnh khỏe cả ngày. Không chỉ vậy, món ăn này còn giúp đường ruột tiêu hóa thức ăn dễ dàng.

2-3 chén cải bó xôi/tuần

 

Nổi tiếng là "siêu thực phẩm" chứa nhiều lợi ích sức khỏe, cải bó xôi cung cấp hàm lượng cao vitamin C và axít folic (hóa chất giúp tái tạo tế bào), qua đó tăng cường hệ miễn dịch và duy trì sức khỏe tổng thể. Thông thường, một chén cải bó xôi nấu chín chứa hàm lượng kali nhiều hơn cả một chén chuối cắt lát. Loại rau này còn là nguồn bổ sung tốt nhất hai dưỡng chất kali và magiê – vốn là các chất điện giải giúp cơ thể không mất nước và duy trì mức năng lượng cân bằng.

Ít nhất 2 phần bông cải xanh/tuần

Do là rau họ cải, nên bông cải xanh cũng giúp cơ thể giải độc tự nhiên và ngăn ngừa bệnh tật. Loại rau này chứa choline, loại axít amin giúp duy trì chức năng của các tế bào và bảo vệ niêm mạc ruột luôn khỏe mạnh. Hơn hết, bông cải xanh chứa hàm lượng cao vitamin C và can-xi, hai khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch và giúp xương chắc khỏe.

Một ít bột quế

 

Không chỉ có đặc tính kháng khuẩn, kháng vi-rút và kháng nấm, vỏ cây quế còn chứa một loại dầu giúp cải thiện tiêu hóa. Nhờ công dụng tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể nên tiêu thụ quế cũng tốt cho tay chân vào mùa lạnh, giúp loại bỏ độc tố trong cơ thể và làm ấm thận. Cách dùng đơn giản nhất là ướp hoặc rắc thêm bột quế khi chế biến món ăn.

Ăn hàu 1-2 lần/tháng

 

Hàu chứa hàm lượng cao chất kẽm - khoáng chất giúp củng cố hệ miễn dịch, đồng thời làm giảm triệu chứng của bệnh cảm cúm. Không chỉ vậy, hàm lượng kẽm trong loại hải sản này còn giúp tăng cường testosterone, hoóc-môn sinh dục nam thường giảm sút vào mùa lạnh hoặc khi bị quý ông bị cảm cúm.

Dùng nước hầm xương gà 3 lần/tuần

Đây là một trong những "bài thuốc" chữa cảm lạnh lâu đời nhất được ghi nhận. Món ăn này hiện trở thành xu hướng cải thiện hệ miễn dịch phổ biến, nhờ tác dụng bổ sung nước và dinh dưỡng cho cơ thể. Theo đó, canh gà chứa nhiều khoáng chất như magiê, phốt-pho, lưu huỳnh và các axít amin có tác dụng kháng viêm (bao gồm glycine, arginine và proline).

Thường xuyên ăn dưa hấu

 

Nhờ chứa hàm lượng cao vitamin C, A và đặc biệt là chất chống ôxy hóa lycopene, dưa hấu cũng được xem là thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch, với các đặc tính chống nhiễm trùng, kháng viêm và loại bỏ các gốc tự do có hại.

Nấm

Chúng ta có thể phòng chống cảm cúm đơn giản bằng cách thêm nấm vào thức ăn thường này, như rau trộn, món canh hoặc món xào. Ngoài chứa các thành phần kháng khuẩn và kháng vi-rút, nấm là một trong số ít những thực phẩm chứa vitamin D (loại sinh tố cơ thể thường không tổng hợp đủ) và là nguồn bổ sung tuyệt vời chất kẽm giúp hỗ trợ miễn dịch.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết