25/09/2017 - 20:57

Liên kết tạo động lực mới 

Ngày 26-27/9, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH). Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã dành cho Báo Cần Thơ cuộc trao đổi về sự kỳ vọng của thành phố tại “Hội nghị Diên Hồng”.

SỰ CHUYỂN ĐỘNG CỦA CẦN THƠ

“Hội nghị Diên Hồng” nhằm huy động sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi với tầm nhìn đến năm 2100. Đây là hội nghị quan trọng để bàn một cách có hệ thống toàn vùng trong việc chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL trong điều kiện BĐKH.

* Thưa ông, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của thành phố đang dựa trên các trụ cột nào?

-Trong giai đoạn 2011 - 2015, thành phố đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng phát triển theo chiều sâu, hằng năm đóng góp cho vùng khoảng 12-12,5% GDP.

Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng thời gian qua chủ yếu dựa trên các trụ cột sau:

Thứ nhất, tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng nội địa hóa trong sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập quốc tế; quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố giữ vị trí thứ hai của vùng.

Thứ hai, phát triển ngành dịch vụ đa dạng với nhiều loại hình và bước đầu thể hiện vai trò tổng đại lý, trung tâm phân phối hàng hóa cho toàn vùng ĐBSCL.

Thứ ba, ngành nông nghiệp-thủy sản phát triển theo hướng sản xuất tập trung, tổ chức lại sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao; hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị…

Thành phố cũng xác định hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng và các tỉnh, thành trong cả nước là động lực trong phát triển. Từ đó, tạo điều kiện phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tận dụng được lợi thế so sánh của từng địa phương để đẩy mạnh công cuộc đổi mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước.

*  Thưa ông, điểm nhấn quan trọng để thành phố tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020?

-Thành phố xác định tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược. Cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm phát triển ổn định kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh và tạo nguồn lực cho phát triển, đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

KỲ VỌNG CỦA THÀNH PHỐ

Với quan điểm chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng theo chiều rộng sang kết hợp giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu. TP Cần Thơ đã và đang từng bước gắn kết giữa phát triển kinh tế với sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó BĐKH.

* Cần Thơ là 1 trong 2 thành phố của Việt Nam thực hiện Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu. Ông có thể nói cụ thể hơn về Kế hoạch hành động của thành phố?

-Cuối tháng 6-2017, thành phố đã triển khai thực hiện dự án 100 thành phố có khả năng chống chịu (gọi tắt là Chương trình 100RC) do Quỹ Rockefeller tài trợ. Chương trình 100RC hỗ trợ thành phố tiếp cận và xây dựng khung tổng thể để đánh giá về khả năng chống chịu và thực hiện các hành động nhằm xây dựng khả năng chống chịu dựa trên 4 trụ cột chính.

Đó là: Vấn đề an toàn sức khỏe và phúc lợi, đảm bảo lợi ích, thu nhập ổn định của người dân đô thị. Phát triển cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái cung cấp những dịch vụ thiết yếu thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và kết nối tốt giữa các cư dân đô thị. Tạo cơ hội, môi trường phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Có sự lãnh đạo và quản lý nhịp nhàng, hiệu quả với tầm nhìn dài hạn.

Ngoài Chương trình 100RC, thành phố đang triển khai nhiều dự án nhằm tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng đô thị, ứng phó hiệu quả với BĐKH. Trong đó, dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị, với vốn vay từ Ngân hàng Thế giới là một ví dụ.

Việc kết nối tốt trong quá trình thực hiện các Chương trình, dự án đang triển khai tại thành phố sẽ là cơ hội lớn cho thành phố huy động các nguồn lực và phát huy nội lực mạnh mẽ thích ứng trước các áp lực và cú sốc mà thành phố đã, đang và sẽ đối mặt.

* Nguồn lực (con người và tài chính) là mấu chốt quan trọng cho sự phát triển của các địa phương. Ông nhận định gì về vấn đề này?

-Tôi rất đồng thuận với cách tiếp cận nói trên. Thành phố đã có nhiều văn bản thể hiện quyết tâm trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như: Nghị quyết số 17/2014/NQ-HĐND ngày 05-12-2014 của HĐND thành phố Cần Thơ về chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực TP Cần Thơ; Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 10-3-2015 về thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2020.

Nông sản ĐBSCL trưng bày tại Hội chợ Nông sản sạch và an toàn Cần Thơ tháng 8-2017. Ảnh: ANH KHOA

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngày 27-12-2016 Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực TP Cần Thơ đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Theo đó, một trong những mục tiêu Nghị quyết là “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thành phố đảm bảo cơ cấu, số lượng, chất lượng và tính kế thừa. Từng bước hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phục vụ tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Nguồn lực con người có tốt, có mạnh thì mới góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đảm bảo sinh kế cho người dân cần sự kết nối mang tính vùng, liên vùng. Ông nhận định gì về sự kết nối của vùng ĐBSCL thời gian qua?

-Trong tình hình hiện nay, việc thực hiện các mô hình liên kết vùng để kết nối và cùng nhau phát triển là một xu thế tất yếu. Các địa phương trong vùng đều thống nhất nhận thức, chuẩn bị chung về các nội dung liên kết cũng như các mục tiêu và giải pháp liên kết mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Quá trình liên kết, hợp tác luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của lãnh đạo các địa phương. Qua đó, tạo được mối quan hệ, sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý và công tác chuyên ngành giữa các địa phương với nhau.

Song, việc thực hiện Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL còn chậm. Trong công tác điều phối chung của Vùng Kinh tế trọng điểm ĐBSCL, các địa phương tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn lúng túng, hiệu quả chưa cao. Các nội dung liên kết thực hiện còn rất chậm.

Công tác liên kết, hợp tác “song phương” giữa các địa phương thời gian qua còn mang nặng tính hình thức, ít đi vào thực tế. Việc triển khai các nội dung liên kết chỉ mới diễn ra ở mức ban hành các kế hoạch, tổ chức hội thảo, hội nghị, ít đi vào tổ chức thực hiện.

Năm 2015-2016, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL nhiệm kỳ 2015 - 2016, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã chủ động đề xuất Kế hoạch liên kết phối hợp toàn vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020 và thống nhất thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL nhiệm kỳ 2015 - 2016, khắc phục được hạn chế chưa có quy chế phối hợp, kế hoạch liên kết hợp tác chung. Bước đầu đã tạo được tiếng nói chung, tạo được sự đồng thuận trong việc xác định vai trò của từng thành viên, nội dung hợp tác và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ chung cho vùng.

* Để nâng cao chất lượng công tác liên kết thời gian tới, cần sự kết nối nào, thưa ông?

-Tôi nghĩ rằng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần xem xét, cho ý kiến về mặt chủ trương cho TP Cần Thơ nghiên cứu xây dựng Đề án liên kết vùng. Xác định cụ thể vị trí của Cần Thơ với vai trò là trung tâm động lực lan tỏa thúc đẩy toàn vùng ĐBSCL. Đồng thời hỗ trợ nguồn lực tài chính và các cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ thực hiện thành công Đề án này.

Song song đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì, khẩn trương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành và các địa phương liên quan rà soát, đánh giá lại hiệu quả các mô hình liên kết trong vùng ĐBSCL hiện nay.

Có thể thay thế các mô hình liên kết trong vùng ĐBSCL bằng giải pháp về chính sách, về vốn, về nhân lực, về khoa học công nghệ… để triển khai đồng bộ. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi đã tích hợp nhiều quy hoạch và các định hướng phát triển của vùng.

Các địa phương cùng rà soát đánh giá tất cả các nội dung liên kết “song phương” thời gian qua. Phân tích, lựa chọn nội dung liên kết thời gian tới để xác định cụ thể nội dung cần đạt được trong liên kết và nội dung gì có thể cung cấp, hỗ trợ cho địa phương bạn trên nguyên tắc “có qua có lại” và không dàn trải.

* Xin cảm ơn ông!

THU HÀ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết