24/02/2020 - 10:47

Liên kết sản xuất và làm du lịch cộng đồng 

Thành lập chưa tròn năm nhưng Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất gắn với du lịch cộng đồng ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Tổ liên kết) đạt được nhiều hiệu quả trong hoạt động. Vừa góp phần quảng bá văn hóa, sản phẩm du lịch địa phương, với phương châm hoạt động đoàn kết cùng giúp nhau phát triển, Tổ liên kết đang phát huy vai trò tạo việc làm, tăng thu nhập cho tất cả các thành viên.

Tham gia Tổ Phụ nữ liên kết sản xuất gắn với du lịch cộng đồng, bà Nguyễn Thị Ngọt có điều kiện duy trì, phát triển nghề làm bánh truyền thống.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọt, 72 tuổi, ngụ khu vực Long Châu miệt mài giữ và phát triển nghề làm bánh dân gian của gia đình hơn 30 năm nay. Bà Ngọt cho biết: “Trước đây, tôi chỉ làm bánh bỏ mối cho các cửa tiệm trên địa bàn phường và nhận đặt hàng của bà con địa phương mỗi khi có đám tiệc. Mấy tháng nay, từ khi tham gia Tổ liên kết, chúng tôi bán thêm bánh cho khách du lịch. Nguồn khách mở rộng, con trai thứ ba thuận lợi hơn khi quyết định theo nghề làm bánh của gia đình”. Theo anh Nguyễn Thanh Tú, con trai của bà Ngọt, từ khi tham gia Tổ liên kết, số lượng khách hàng tăng lên đáng kể. Trong đó có nhiều khách hàng đến từ các tỉnh, TP HCM, Việt kiều hoặc kể cả khách du lịch nước ngoài. Với lợi thế là bà Ngọt từng đoạt Huy chương vàng Hội thi bánh dân gian tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ 8, năm 2019, nên chất lượng bánh của gia đình càng được nhiều thực khách tin dùng. Trung bình mỗi ngày, bà Ngọt và anh Tú làm khoảng 20-40kg bánh gai. Bên cạnh đó, bà và con trai còn có bánh bột đậu, bánh dăm bào, bánh kẹp,… Để kịp đáp ứng nhu cầu thực khách, bà Ngọt thường thuê thêm 2 lao động hỗ trợ các khâu ép và nướng bánh.

Chị Đồng Ngọc Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thốt Nốt, cho biết: “Tổ liên kết khi mới thành lập có 30 thành viên. Tới nay đã phát triển thêm 6 thành viên nữa. Các mô hình kinh tế của thành viên trong Tổ xoay quanh đặc sản địa phương, dịch vụ ẩm thực và tham quan. Trong đó, tất cả các thành viên giữ mối liên hệ chặt chẽ, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Với mô hình này, hiện Tổ đang góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 100 lao động. Đó là chưa kể lực lượng lao động thời vụ. Trong số các mô hình của Tổ, có mô hình sản xuất mắm và khô cá tra thu hút lao động đông nhất, kế nữa là các mô hình trồng cây ăn trái, cần lượng lao động hỗ trợ chăm sóc và thu hoạch trái cây”.

Bà Lê Hồng Điệp, Tổ trưởng Tổ liên kết, chia sẻ: “Các thành viên trong Tổ liên kết rất đoàn kết. Khách du lịch tham quan vườn trái cây này nhưng muốn mua thêm loại trái cây khác hoặc đặc sản địa phương, đặt tiệc,... các thành viên sẵn sàng giới thiệu cho nhau để cùng làm, cùng có thu nhập. Như nhà tôi, bên cạnh cung cấp dịch vụ tham quan vườn ổi, còn có cung cấp các món ăn đặc sản đồng quê tại chỗ và giao tận nơi. Nhờ các thành viên khác giới thiệu, khách gọi đặt đồ ăn ở chỗ tôi mang đến tận nơi khá nhiều. Tính riêng từ Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, tôi phục vụ khoảng từ 500-700 lượt khách. Với mô hình phục vụ khách du lịch, thu nhập của gia đình tôi tăng lên khoảng 40% so với trước”. Những ngày lễ, Tết hoặc cuối tuần, khách đông, ngoài 4 lao động cố định của gia đình, bà Điệp thuê thêm 2-3 lao động gần nhà phụ tiếp mới kịp phục vụ khách.

Cách vườn ổi bà Điệp không xa là vườn nho thân gỗ của vợ chồng cô giáo Võ Kim Nớt. Tham gia Tổ liên kết khoảng 9 tháng nay, gia đình cô Nớt đã phát triển mô hình dịch vụ kinh doanh tại nhà khá ổn định, tạo việc làm, thêm thu nhập cho ít nhất 3 lao động. Vừa hoàn thiện gian nhà kinh doanh quán giải khát khá khang trang dưới tán cây rợp bóng chưa lâu, vợ chồng cô đã hoàn thiện công trình trải đá làm đường đi phục vụ khách tham quan khu vườn có hàng trăm cây nho thân gỗ đang tuổi cho trái cùng nhiều loài cây quý vô cùng đặc biệt khác. Với mô hình này, vợ chồng cô Nớt cũng thuận lợi giới thiệu đến khách du lịch món nước ép nho thân gỗ, một trong những sản phẩm tâm đắc của gia đình cô. Đồng thời, với không gian quán rộng rãi, thu hút khách thường xuyên, cô Nớt còn hỗ trợ vị trí để tủ trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm của các thành viên Tổ liên kết. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm tiếp cận với nhiều khách hàng hơn, giúp các thành viên tăng thu nhập. Ông Huỳnh Công Thống, chồng của cô Nớt, chia sẻ: “Tôi đang nghiên cứu, đề xuất tạo lối đi chung, kết nối mô hình kinh doanh của các hộ liền kề để tạo nên sự mới mẻ, phong phú trong mô hình kinh doanh. Nếu xây dựng mô hình làm du lịch chuyên nghiệp sẽ thu hút khách nhiều hơn, qua đó giúp tăng thu nhập của các thành viên”.

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm làm giàu chính đáng của các thành viên cùng sự đồng hành, hỗ trợ triển khai kế hoạch phát triển mô hình của Hội Liên hiệp Phụ nữ và chính quyền địa phương, chắc chắn rằng Tổ liên kết sẽ hoạt động ngày một hiệu quả hơn. Qua đó, đóng góp vào thành quả giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho địa phương.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết