18/07/2018 - 13:57

Liên kết phát triển sản xuất  

Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân (HND) xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, năm 2012, Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng được thành lập. Mô hình đã mang lại hiệu quả, sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận, bán giá cao. Từ đó, HND xã Giai Xuân giúp nông dân thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng vú sữa ấp Tân Hưng, đồng thời phối hợp tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn  vốn vay ưu đãi,  khoa học kỹ thuật để phát triển mô hình theo hướng liên kết sản xuất,  nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế.

Ông Thể cắt bỏ những cành kém hiệu quả cho cây thông thoáng quang hợp ánh sáng.  

Năm 2018 THT trồng vú sữa ấp Tân Hưng được thành lập, gồm 36 thành viên, với diện tích 30ha. Ông Trương Văn Thể, Tổ trưởng THT, cho biết: “Tham gia THT, nông dân được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc vú sữa theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, sản phẩm làm ra được thị trường đón nhận, nông dân bán được giá cao hơn so với những nhà vườn bên ngoài". Hiện nay, 5 công vườn vú sữa của ông Thể có 80 cây, trong đó 40 cây gần 20 năm tuổi, 40 cây khoảng 7 năm tuổi. Năm 2017, 5 công vú sữa thu hoạch được trên 10 tấn trái, thu nhập trên 160 triệu đồng/năm, trừ chi phí, ông Thể còn lời khoảng 120 triệu đồng.

Cách đây 18 năm, ông Thể mua giống vú sữa lò rèn của một người dân ở ấp về trồng. Sau 3 năm, vú sữa phát triển xanh tốt và cho trái. Càng về sau, vú sữa càng nhiều trái. Nếu làm đúng quy trình, vú sữa từ khi ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 6-7 tháng.  Ông Thể cho biết: “Từ khi thành lập THT, các thành viên được cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn quy trình bón phân, phun thuốc và thời gian cách ly để vú sữa đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là cách làm mới, được các thành viên THT tích cực hưởng ứng”.  Hiện tại, các thành viên trong THT trồng chủ yếu hai giống vú sữa lò rèn và vú sữa tím.  Ông Thể chia sẻ: “Vú sữa lò rèn với ưu điểm trái lớn, vỏ mỏng, nhiều cơm, ngọt thanh, da bóng, khi chín có màu vàng rất bắt mắt nên được người dùng ưa chuộng. Còn giống vú sữa tím thì chất lượng kém hơn so với lò rèn nhưng cho trái sớm, bán giá cao. Nếu so sánh hai 2 giống vú sữa này thì hiệu quả cũng ngang nhau”.

Nhiều thành viên trong THT cũng được HND các cấp tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố. Ông Văn Hồng Dũng, thành viên THT, nói: “Năm 2018, tôi được HND thành phố hỗ trợ vay 20 triệu đồng để cải tạo vườn vú sữa kém hiệu quả. Nhờ có vốn, tôi đốn hạ 4 công vườn vú sữa già cỗi để trồng lại vú sữa lò rèn và sầu riêng”. Năm 2018, HND thành phố đã tạo điều kiện cho 12 thành viên vay 400 triệu đồng để cải tạo vườn, mua phân thuốc... Tham gia THT, nông dân rất phấn khởi vì sản phẩm làm ra được thương lái đến thu mua trực tiếp. Ông Trương Văn Thể, Tổ trưởng THT cho biết thêm: “Hiện nay, vú sữa ấp Tân Hưng có thị trường tiêu thụ rất mạnh, nhiều thương lái đến tận vườn thu mua. Nhờ đó, nông dân trồng vú sữa tại đây sản xuất có lời, không sợ thương lái ép giá”.

Ông Hà Tấn Tòng, Chủ tịch HND xã Giai Xuân, cho biết: “Liên kết sản xuất là xu hướng của phát triển nông nghiệp bền vững. Để giúp nông dân phát triển sản xuất, năm 2017, HND xã phối hợp với các ngành mở 2 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vú sữa, cây có múi, thu hút được trên 60 học viên tham gia; trợ giá 2.500 cây giống các loại cho nông dân cải tạo vườn kém hiệu quả, vườn tạp trên địa bàn xã. Hiện nay, HND xã còn phối hợp với ngân hàng tạo điều kiện cho 562 hội viên nông dân vay trên 9,8 tỉ đồng để phát triển sản xuất”.

K.V 

Chia sẻ bài viết