09/01/2018 - 09:01

Liên kết, hợp tác để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững 

Những năm qua, nhất là năm 2017, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, thắt chặt các mối liên kết, hợp tác để nâng cao chất lượng hàng nông sản, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Nông dân Vĩnh Thạnh chăm sóc lúa đông xuân 2017-2018. Ảnh: MINH HẢI

Nông dân Vĩnh Thạnh chăm sóc lúa đông xuân 2017-2018. Ảnh: MINH HẢI

Những ngày đầu năm mới 2018, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh đến thăm một số trà lúa trên địa bàn. Đi trên những con đường bê tông thẳng tắp, chúng tôi dễ dàng quan sát cánh đồng lúa đông xuân “đang thì con gái” trải một màu xanh dài tít tắp. Năm nay lũ đẹp, nên lúa càng xanh tốt, điều này thể hiện qua những bụi lúa ôm đòng no tròn, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Vụ lúa này, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục sản xuất theo quy mô hàng hóa tập trung, lấy tổ hợp tác (THT) và xây dựng cánh đồng lớn (CĐL) làm mục tiêu tổ chức sản xuất nhằm giảm chi phí, thuận lợi cơ giới hóa trong khâu thu hoạch và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp. Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Để sản xuất thắng lợi vụ lúa đông xuân 2017-2018, ngành nông nghiệp phối hợp với các xã, thị trấn vận động nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ. Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kỹ thuật ngay từ đầu vụ từ khâu làm đất, chọn giống và áp dụng phương pháp gieo sạ thưa hoặc cấy…”.

Cũng nhờ chủ động các giải pháp kỹ thuật nên năm 2017 vừa qua, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn từ thời tiết, dịch bệnh… nhưng do giảm được chi phí nên nông dân vẫn đảm bảo lợi nhuận khoảng 43 triệu đồng/ha. Toàn huyện gieo sạ được hơn 69.100ha, vượt 4% kế hoạch, năng suất trung bình đạt 5,68 tấn/ha, tổng sản lượng trên 392.700 tấn. Cơ cấu giống chủ yếu là OM 5451, OM 4218, Jasmine 85, nếp, RVT,... Trong sản xuất cùng với ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, huyện tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đưa cơ giới hóa lên đồng ruộng, từ khâu làm đất, bơm rút nước đến gieo sạ, thu hoạch... Ông Nguyễn Văn Liêm, xã Thạnh Quới, nói: “Làm lúa bây giờ khỏe lắm, có giống tốt lại được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình canh tác. Máy móc, cơ giới làm thay mình hết…”.

Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất huyện Vĩnh Thạnh đã tranh thủ sự đầu tư từ các dự án CoriGAP do Viện Lúa quốc tế IRRI tài trợ, dự án VnSAT – chuyển đổi nông nghiệp bền vững do Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai, đã tổ chức chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” giúp nông dân sản xuất lúa hàng hóa theo hướng an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao, mang tính bền vững và bảo vệ môi trường. Ông Dương Văn Toa ở ấp D2, xã Thạnh Lợi, bộc bạch: “Canh tác lúa theo quy trình khoa học, vừa giảm được tiền mua phân thuốc, vừa góp phần bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường do ít tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật”.

Nổi bật trong năm qua, tiếp tục phát huy lợi thế của địa phương, huyện Vĩnh Thạnh tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị bằng các mô hình liên kết, hợp tác như: xây dựng CĐL, THT, hợp tác xã… Từ đó, CĐL ở Vĩnh Thạnh tiếp tục tăng nhanh về diện tích và quy mô sản xuất. Hiện toàn huyện có 67 CĐL với tổng diện tích hơn 10.450ha, duy trì hoạt động 276 THT, ra mắt và đi vào hoạt động 9 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, vượt 125% kế hoạch, nâng tổng số đến nay toàn huyện có 29 hợp tác xã hoạt động với 977 thành viên, tổng vốn đăng ký hơn 30,6 tỉ đồng. Hiện nay ở tất cả các xã, thị trấn đều có từ 1 – 3 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động. Hầu hết các hợp tác xã này đều lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh phù hợp nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh từ sản xuất lúa, cung ứng các dịch vụ trong quá trình canh tác cho thành viên và bà con nông dân. Ông Nguyễn Đông Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Năm qua, địa phương đã vận động thành lập được một hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, ra mắt vào tháng 5-2017. Qua theo dõi 6 tháng đi vào hoạt động, hợp tác xã đạt doanh thu hơn 1,3 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 30%”. Cũng từ các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất và hiệu quả sản xuất từ mô hình CĐL, THT, hợp tác xã đã dần hình thành địa chỉ thu hút các doanh nghiệp đến đặt hàng sản xuất và thu mua sản phẩm. Năm 2017, toàn huyện có 4.700ha được các doanh nghiệp thu mua thông qua hợp đồng và vụ đông xuân này đã có hơn 2.500ha được bao tiêu.

Ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Các mô hình liên kết, hợp tác phát triển nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng là vì nó phù hợp với xu thế tất yếu phát triển nền nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Vĩnh Thạnh đặt mục tiêu sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị thông qua nâng chất các mô hình CĐL, THT, hợp tác xã để tổ chức lại sản xuất một cách bài bản hơn, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng tạo ưu thế cạnh tranh và từng bước gắn kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp”.

MINH HẢI

Chia sẻ bài viết