Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), thời gian qua ngành thủy sản không ngừng phát triển và đưa nước ta trở thành nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về nuôi trồng và đứng thứ 7 về kim ngạch xuất khẩu thủy sản... Tuy nhiên, sự phát triển này đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Trước thực trạng ấy, mô hình liên kết dọc trong ngành thủy sản, mà trong đó các chủ thể liên quan đến quá trình sản xuất liên kết chặt chẽ với nhau, hài hòa lợi ích để cùng tồn tại và phát triển, được xem là một hướng mở mới trong giai đoạn hiện nay.
Không liên kết khó tồn tại
Nếu như năm 2000, kim ngạch xuất khẩu thủy sản (XKTS) của cả nước đạt khoảng 1,478 tỉ USD, thì năm 2005 XKTS đạt trên 2,728 tỉ USD và đạt khoảng 3,358 tỉ USD vào năm 2006. Đến năm 2007, với kim ngạch đạt trên 3,762 tỉ USD, Việt Nam đứng thứ 7 trong tổng số 10 nước dẫn đầu thế giới về XKTS. Đến nay, sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt trên 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và có chỗ đứng vững chắc tại nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Mỹ...
Tuy nhiên, theo Vasep, XKTS của Việt Nam đã và đang phát triển không bền vững, bởi khi xuất khẩu tăng trưởng nhanh, nguyên liệu trở nên khan hiếm và giá tăng. Điển hình như con cá tra, khi giá cá nguyên liệu tăng, các hộ nuôi không vội bán, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, thấy được lợi ích từ xuất khẩu cá tra, hàng loạt nhà đầu tư gấp rút mở rộng diện tích nuôi, một số tỉnh mở rộng quy hoạch vùng nuôi; hàng loạt nhà máy chế biến mới thi nhau mọc lên, phá vỡ mọi quy hoạch. Những bất cập này khiến ô nhiễm nguồn nước; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp về nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực và cả thị trường đã, đang và sẽ diễn ra càng gay gắt. Hệ quả là chưa năm nào giá cá tra biến động mạnh như những tháng đầu năm 2008. Chỉ từ đầu tháng 3 đến tháng 4, giá cá liên tục sụt giảm, có lúc cá loại thịt trắng chỉ còn 13.500 13.800 đồng/kg.
|
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam. Ảnh: Thu hà |
Sự phát triển không bền vững còn thể hiện ở chỗ bản thân các cơ quan quản lý chất lượng đã để lọt nhiều sai phạm trong sản phẩm; khi vấp phải những tranh chấp về mặt pháp lý, cách xử lý còn lúng túng, chưa linh hoạt, nhất là đối với các vấn đề về an toàn thực phẩm và tranh chấp thương mại... Mặt khác, thị trường lại đặt ra những yêu cầu ngày càng cao hơn đối với nhà sản xuất. Sức ép cạnh tranh và tác động của những cản trở thương mại cũng ngày càng mạnh hơn, lớn hơn và dày đặc hơn... Hàng loạt các cảnh báo từ các cơ quan chức năng của Nga và Nhật Bản về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2006 và 2007 là những dấu hiệu đáng lo ngại cho tương lai XKTS của Việt Nam.
Vasep nhận định: giá cả tăng, chi phí sản xuất ngày càng tăng; đàn giống thủy sản bố mẹ thoái hóa, chất lượng giống thấp; môi trường nước xuống cấp do bị ô nhiễm; khó khăn trong huy động nguồn vốn nên diễn ra việc vay nóng, bán nóng dẫn đến lỗ lã, phá sản, mất an sinh xã hội... Thực trạng này, cần có các giải pháp quản lý và kỹ thuật đồng bộ (xây dựng tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường, quy hoạch nuôi tập trung, tổ chức quản lý cộng đồng, công nghệ vaccin, xây dựng thương hiệu, phát triển kênh phân phối...) và xây dựng liên kết dọc lấy nhà máy làm trung tâm.
Liên kết dọc và hiệu quả bước đầu
Mô hình liên kết dọc này bao gồm: nhà máy chế biến xuất khẩu, trại nuôi, cơ sở dịch vụ (thức ăn, con giống, thuốc thú y thủy sản...), ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức chứng nhận... Các chủ thể trong liên kết được “ràng buộc” bởi 5 hợp đồng: bảo lãnh cung cấp giữa nhà máy và các đơn vị dịch vụ đầu vào cho người nuôi; hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm giữa nhà máy và người nuôi; bảo trợ và cung cấp tài chính tín dụng cho liên kiết giữa nhà máy và ngân hàng; bảo hiểm giữa nhà máy và công ty bảo hiểm; đánh giá chứng nhận giữa nhà máy và chứng nhận độc lập.
Mô hình liên kết dọc đã được triển khai và mang lại hiệu quả ở Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish)-mô hình Liên hợp sản xuất cá sạch Agifish (APPU); mô hình sản xuất tôm bền vững FAQUIMEX ở Công ty xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre. Bà Cao Thị Thanh Tâm, Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ thủy sản Công ty Agifish, tỉnh An Giang, cho biết: “Sản lượng xuất khẩu cá tra, cá ba sa tăng hằng năm từ 20-30%; yêu cầu của người tiêu dùng về chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả... ngày càng tăng. Trong khi đó, chưa có sự gắn kết giữa người nuôi và nhà chế biến khiến thừa thiếu nguyên liệu và biến động mạnh về giá. Đây là những nguyên nhân đòi hỏi Agifish phải liên kết sản xuất với người nuôi để ổn định thị trường”.
Từ năm 2006, APPU được thành lập. Thành viên của APPU được hỗ trợ kỹ thuật nuôi như: kiểm tra môi trường, kiểm tra giống, cá thịt trong quá trình nuôi, kháng sinh đồ, tư vấn điều trị bệnh miễn phí... Bà Tâm cho biết thêm: “Chúng tôi phải thực hiện việc theo dõi, đánh giá nội bộ thường xuyên nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ hồ sơ, ghi chép nhật ký nuôi, từ đó đã ngăn chặn kịp thời nhiều mối nguy cơ phát sinh trong quá trình nuôi. APPU đã đạt tiêu chuẩn SQF 1000 cho vùng nuôi và SQF 2000 cho nhà chế biến. Nhờ chủ động, đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch và truy được nguồn gốc sản phẩm từ nuôi trồng đến chế biến, thương hiệu APPU đã được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước”.
Bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre, cho biết: “Ngoài việc chia sẻ rủi ro, mô hình liên kết dọc cũng giải quyết được một phần vấn đề về vốn cho người nuôi. Cách tiếp cận đều chú ý tới việc cải thiện yếu tố môi trường, giảm thiểu bệnh tật trong nuôi trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới quyền lợi chung...”.
Hài hòa lợi ích để cùng phát triển
Tuy nhiên, hiện nay cũng có không ít vấn đề phát sinh trong mô hình liên kết dọc, cần được giải quyết. Đó là vấn đề bảo hiểm trong trường hợp có các rủi ro trong sản xuất; ngân hàng chưa mạnh dạn tham gia, dè dặt trong tiếp cận. Các mô hình hiện có vẫn chưa đi sâu vào yếu tố giá cả; nhiều mô hình chưa nhấn mạnh khâu xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh. Giải pháp bảo vệ môi trường cho công đoạn nuôi chưa thật sự được cải thiện. Trong khi đó, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và người sản xuất chưa nhận thức đầy đủ về cơ hội, thách thức của quá trình phát triển bền vững có liên quan đến môi trường và thị trường.
Bà Trần Thị Thu Nga, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre, cho biết thêm: “Có rất ít sự chia sẻ trước những rủi ro giữa các thành viên. Năng lực quản lý, đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường của các thành viên còn hạn chế. Hệ thống thể chế pháp lý chưa đủ hiệu lực để ràng buộc trách nhiệm giữa các thành viên. Các doanh nghiệp, nhà quản lý và người sản xuất chưa am hiểu cơ chế đồng quản lý; sự chia sẻ về quyền lợi và trách nhiệm giữa các thành viên chưa thỏa đáng. Những vấn đề này cần phải được xem xét, giải quyết trong tương lai”.
Theo quan điểm của VASEP, cần lấy nhà máy làm trung tâm để ổn định và hài hòa các mối quan hệ kinh tế trong chuỗi sản xuất thủy sản, giảm thiểu các thách thức khó khăn, đảm bảo một cam kết mạnh có thương hiệu với khách hàng trong và ngoài nước. Điều này tùy thuộc rất nhiều vào sự trưởng thành của từng thành viên trong mối liên kết. Vì thế, từng tỉnh - thành, từng địa phương trong cả nước phải có chính sách chuyển từ sản xuất tiểu nông quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Mỗi đối tượng trong chuỗi liên kết phải tự nâng cấp mình để hòa vào nền sản xuất hàng hóa lớn. Giải pháp cho mô hình này phát triển không phải từ các bộ ngành hữu quan, từ Chính phủ mà chính là ý thức của những người tham gia phải cộng sinh với nhau. Đặc biệt, các chủ thể trong mối liên kết phải cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ lợi ích một cách hợp pháp, hợp lý trên nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng và hài hòa. Vấn đề truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, môi trường, cơ chế tự điều tiết sản xuất ổn định thị trường cũng cần được chú ý...
* * *
Thiết nghĩ, song song với liên kết dọc, các chủ thể trong chuỗi sản xuất cần hình thành những mối liên kết ngang (người sản xuất liên kết với người sản xuất, doanh nghiệp chế biến liên kết với doanh nghiệp chế biến...) để hài hòa lợi ích, cùng phát triển trong cơ chế thị trường.
Bài, ảnh: Hà Triều