26/08/2013 - 22:30

Xung quanh vụ tấn công bằng khí độc ở Syrie

Liên Hiệp Quốc vào cuộc, Washington “chưa hài lòng”

Đoàn thanh sát viên của LHQ đã vào cuộc điều tra vũ khí hóa học ở Syrie. Ảnh: AP

Dù đoàn thanh sát viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã được phép tiếp cận và điều tra các khu vực ngoại ô Damas, nơi được cho là xảy ra vụ tấn công bằng khí độc gây thương vong lớn hồi tuần rồi, song Mỹ và phương Tây “vẫn chưa thấy hài lòng”.

“Quá muộn”

Hôm 26-8, đoàn thanh sát viên của LHQ bắt đầu đến hiện trường để thu thập các mẫu vật liên quan đến vụ tấn công hôm 21-8. Đây là thành quả từ nỗ lực vận động và gây sức ép lên chính quyền Bashar al-Assad trong những ngày qua của Tổng Thư ký LHQ, giới chức Iran và Nga. Mát-xcơ-va sau đó cũng đã lên tiếng hoan nghênh Damas “bật đèn xanh” cho LHQ vào cuộc điều tra.

Dù vậy, một quan chức Mỹ giấu tên khẳng định dù Damas đã cho phép LHQ điều tra, song mọi việc đã “quá muộn để tin tưởng” bởi vì bằng chứng tại hiện trường đã “bị xáo trộn đáng kể” trong hơn 5 ngày qua và ông cũng cáo buộc “không nghi ngờ gì chính quyền al-Assad đã sử dụng khí độc trong cuộc tấn công hồi tuần rồi”.

Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm ngày 25-8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thảo luận với người đồng cấp Pháp Francois Hollande về phối hợp phản ứng trước thông tin về việc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường tại Syrie. Cuộc điện đàm này là một phần trong những nỗ lực mà chính quyền của Tổng thống Obama đang tiến hành nhằm lôi kéo các đồng minh phương Tây ủng hộ giải pháp can thiệp quân sự chống lại chính quyền Syrie. Trước đó, ngày 24-8, Tổng thống Mỹ cũng gọi điện cho Thủ tướng Anh David Cameron để thảo luận “những thách thức an ninh chung” mà hai đồng minh thân cận này đang đối mặt, trong đó có tình trạng bạo lực tiếp diễn ở Syrie.

Kịch bản Kosovo sẽ được lặp lại?

Theo giới phân tích, nếu quyết định can thiệp quân sự vào Syrie, chính quyền Tổng thống Barack Obama gần như không gặp khó trong việc kêu gọi “sự đồng lòng” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, trước khi “động thủ”, NATO cần có được sự ủy quyền của LHQ.

Nhắc lại cuộc xung đột năm 1998-1999, khi đó Mát-xcơ-va ủng hộ Tổng thống Slobodan Milosevic ở Nam Tư cũ, trong bối cảnh chính quyền Nam Tư bị tố “tàn sát dân thường Kosovo”. Với việc Nga có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ, nghị quyết cho phép NATO sử dụng vũ lực đối với Nam Tư lúc đó đã không được thông qua. Song, với lập luận ông Milosevic “lạm dụng quyền lực” và dẫn đến tình trạng khẩn cấp về nhân đạo, NATO đã tiến hành cuộc không kích trong nhiều ngày đối với chính quyền Nam Tư.

Từ đây nhiều người suy luận, “can thiệp nhân đạo” theo kiểu Kosovo cũng có thể được NATO dùng để biện minh cho hành động quân sự chống chính quyền al-Assad ở Syrie, sau những cáo buộc về việc tấn công bằng khí độc.

Phản ứng của Damas và cảnh báo từ phía Nga

Trả lời phỏng vấn báo Izvestia (Tin tức) của Nga ngày 26-8, Tổng thống Bashar al-Assad đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của phe đối lập và lãnh đạo nhiều nước phương Tây. Tổng thống al-Assad khẳng định rằng cáo buộc nói trên chỉ đơn thuần mang tính chính trị được đưa ra trong bối cảnh quân đội chính phủ liên tục giành nhiều thắng lợi quan trọng, đồng thời ông cũng kêu gọi thành lập một ủy ban quốc tế điều tra về những vu cáo của phe đối lập.

Theo ông al-Assad, phương Tây không được phép tiến hành chiến dịch quân sự tại Syrie vì những gì đang diễn ra ở nước này không phải “cuộc cách mạng nhân dân” mà là “cuộc chiến đấu của lực lượng vũ trang Syrie chống lại các phần tử khủng bố”. Ông nhấn mạnh: “Mỹ không thể can thiệp quân sự vào Syrie để hỗ trợ cho các phần tử khủng bố”. Ông al-Assad cũng cho rằng các cuộc tấn công của phe đối lập đang đe dọa sự ổn định toàn bộ khu vực Trung Đông, đồng thời cảnh báo nếu Mỹ vẫn cố tình tiến hành can thiệp quân sự vào Syrie thì nhất định sẽ gặp thất bại như đã từng hứng chịu trong các cuộc chiến tranh do chính họ gây ra trước đây.

Phía Nga cũng lên tiếng nhắc Mỹ nên tránh đi vào “vết xe đổ” trước đây, khi cho rằng hành động quân sự đơn phương nhắm vào Syrie sẽ hủy hoại mọi nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho quốc gia Trung Đông cũng như tác động xấu lên tình hình an ninh tại khu vực này. Theo Bộ Ngoại giao Nga, “vết xe đổ” ở đây chính là những cáo buộc của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống George Bush hồi năm 2003, sử dụng thông tin sai lệch về sự tồn tại của vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq để cùng Anh phát động cuộc chiến tranh xâm lược lật đổ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

Ngày 26-8, các thanh sát viên vũ khí hóa học của LHQ tại Syrie để điều tra vụ tấn công được cho là có sử dụng vũ khí hóa học làm hơn 1.000 người thiệt mạng tại đây hồi tuần trước đã bị một số tay súng tấn công, làm dấy lên quan ngại về tình hình an ninh ngày càng xấu đi tại nước này.

Người phát ngôn của LHQ Martin Nesirky cho biết các tay súng giấu mặt đã nổ súng nhằm vào nhóm thanh sát viên LHQ, buộc họ phải tạm ngừng các nỗ lực điều tra về những cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong một cuộc tấn công đẫm máu tại al-Ghouta, khu vực nằm ở phía Đông Thủ đô Damas. Theo ông này, xe đi đầu của nhóm thanh sát viên đã bị các tay súng bắn tỉa ngắm bắn nhiều phát và hư hỏng, song không có thông tin về thương vong. (Theo TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết